Đã có quá nhiều bộ phim khai thác đề tài tình yêu học trò, nhưng mỗi đạo diễn với cách nhìn, cảm xúc và thế giới quan của mình, mang lại hơi thở riêng trong từng bộ phim.
Mối tình "gà bông", thơ mộng tuổi học trò hồn nhiên trong sáng
Dự án chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Ranh giới" đình đám. Nội dung phim "Tháng 5 để dành" xoay quanh mối tình học trò ở một vùng núi trung du phía Bắc, xa thành phố với nhiều chất liệu mới mẻ để khai thác trên phim ảnh: giới tính và những rung cảm đầu đời vừa lo sợ, vừa trong trẻo của những người trẻ. Hiếu (Xuân Hùng) - một bạn trẻ tỉnh lẻ chất chứa nhiều tâm tư suy nghĩ của cậu học trò mới lớn, luôn tò mò về giới tính, cuộc sống xung quanh. Còn Mai Ngọc (Minh Trang), cô nàng lớp phó tình cờ nảy sinh tình cảm với cậu trong lần làm chung báo tường. Ở họ có bản năng và lý trí, có sự tò mò về giới tính của tuổi mới lớn.
Poster phim "Tháng 5 để dành". |
Cũng giống như đám bạn đồng trang lứa, trước ngưỡng cửa dậy thì, Hiếu cảm thấy hoang mang, bỡ ngỡ với vô vàn suy nghĩ kì lạ về phái nữ cứ liên tục “nhảy nhót” trong đầu. Chưa kể, mỗi lần bắt gặp nàng lớp phó Mai Ngọc, trái tim cậu thanh niên ấy lại bất chợt rung lên những nhịp đập khó tả.
Rồi việc gì đến cũng đến, nhờ thời gian bồi đắp, tình cảm giữa hai người họ bắt đầu nảy nở và ngày một sâu đậm. Thế nhưng, để trở thành bờ vai vững chãi cho cô bạn gái dễ thương tựa vào, Hiếu cần phải học cách làm chủ, chế ngự thành công thứ “bản năng đen tối” vẫn thường xuyên quấy nhiễu tâm trí mình.
Tuy nhiên, để giữ được mối tình thanh xuân tươi đẹp và những hồi ức ngọt ngào, hai người phải trải qua những khó khăn, những "cám dỗ" để vượt qua thử thách của chính mình. Lúc buổi hẹn hò mới bắt đầu, cả hai còn khá ngại ngùng. Hiếu quyết định dẫn Trang đến địa điểm có nhiều kỷ niệm với mình – nơi trước đây anh chàng không biết bơi bị ném xuống hồ, suýt chết đuối. May có cậu bạn thân lao ra cứu, nếu không giờ này Hiếu chắc hẳn đang ở một nơi xa lắm.
Ở một khía cạnh khác, Hiếu để cho Ngọc biết một kỷ niệm chẳng mấy đẹp đẽ của mình nhằm mục đích để cô nàng thấy được Hiếu tin tưởng và chia sẻ những điều riêng tư, quý giá nhất. Bằng cách kể lại cho Mai Ngọc những trải nghiệm của riêng bản thân, Hiếu muốn gửi đi một thông điệp, rằng: "Tớ đã mở lòng với cậu rồi!". Một hành động thật chân thành và đáng yêu.
Bối cảnh trong phim vào khoảng những năm 2000, khi mà âm nhạc và sách vẫn còn là những người bạn đồng hành của tuổi học trò. Thế nên, người xem dễ dàng bắt gặp được những hình ảnh rất quen thuộc trong phim, đó là chiếc đầu đọc đĩa CD, những tờ báo tường vụng về và cả sự khờ khạo của thế hệ học trò cũ - thời chưa lanh lẹ, cái gì cũng biết như thế hệ học trò bây giờ...
Một cảnh trong phim |
Rời xa thành phố hiện đại với nhịp sống hối hả, những toà nhà chọc chời, hay sự sành điệu thường thấy của những bạn trẻ hiện tại, "Tháng 5 để dành" lặng lẽ đưa người xem trở về với đời sống nông thôn, đủ để những khán giả trẻ thấy sự gần gũi và bình yên.
Bên cạnh đó, bộ phim còn là một câu chuyện mộc mạc về tình cảm thuở mới lớn. Tình yêu chẳng phải mà cũng không hẳn là tình bạn, nhưng thứ tình cảm này để lại sự nhung nhớ, bồi hồi đến tận nhiều năm sau - Tình yêu học trò.
Đã có quá nhiều bộ phim khai thác đề tài tình yêu học trò, nhưng mỗi đạo diễn với cách nhìn, cảm xúc và thế giới quan của mình, mang lại hơi thở riêng trong từng bộ phim.
Hàng loạt câu hỏi còn bỏ ngỏ “Tình yêu này sẽ đi về đâu”
Bên cạnh việc truyền tải một câu chuyện thông qua ngôn ngữ điện ảnh, môn nghệ thuật thứ bảy còn được xem là phương tiện quảng bá hữu hiệu, giới thiệu những hình ảnh đặc sắc của đất nước đến với khán giả. Không có dàn diễn viên đình đám, không có hiệu ứng hoành tráng hay cốt truyện gay cấn, "Tháng 5 để dành" dựa vào sự lãng mạn, bối cảnh đẹp như một bài thơ và khả năng gọi về những kí ức thanh xuân để thu hút khán giả. Giống như chính không khí của phim, mảnh kí ức của phim khiến khán giả nhớ về một kỉ niệm nhẹ nhàng, tĩnh lặng của tuổi trẻ.
Ngoài ra, bộ phim còn gây ấn tượng tốt bởi nhiều góc quay chỉn chu, đậm chất điện ảnh tại hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc). Mong muốn tái hiện lại mảnh đất Phúc Yên trong "Ranh giới" thật trọn vẹn, đạo diễn Lê Hà Nguyên cùng ekip đã dành hàng tháng trời cho giai đoạn tiền kì, đánh xe rong ruổi khắp nơi bên ngoài Hà Nội nhằm tìm kiếm những địa điểm ưng ý nhất.
Bối cảnh của "Tháng 5 để dành" chủ yếu được ghi hình ở Vĩnh Phúc. Ảnh: ĐPCC |
Đặc biệt, sự kết hợp đầy ăn ý và tự nhiên của hai diễn viên trẻ đã chạm tới trái tim khán giả bằng biết bao cung bậc cảm xúc chân thực lẫn tinh tế, đưa người xem trở về một thời học sinh với những kỷ niệm vui buồn và cả tình yêu thời “gà bông” hồn nhiên, trong sáng và thật đẹp. Không hề vồ vập hay bạo dạn giống lớp trẻ hiện đại, tình cảm mà hai nhân vật chính dành cho “nửa kia” đều phát triển từ tốn, nhẹ nhàng.
Qua những dịp chạm mặt trên trường, cùng nhau hoàn thành bài báo tường hay đạp xe rong ruổi khám phá đó đây, người xem cảm nhận được từng bước chuyển tinh tế về cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, lẫn thái độ rất vô tư, hồn nhiên mà không hề lộ liễu giữa hai người.
Phần âm nhạc trong phim cũng chính là một trong những yếu tố mang lại thành công cho “Tháng 5 để dành”. Sở hữu giai điệu tươi vui, nhẹ nhàng cộng thêm chất giọng đầy nội lực của “Thánh Mưa” Trung Quân Idol, “Mùa hè phía chân trời” khắc họa trọn vẹn các cung bậc cảm xúc khi yêu ở thế hệ học trò 8x-9x: hồn nhiên, trong trẻo, luôn lạc quan về tương lai tươi sáng nhưng cũng không kém phần mãnh liệt và táo bạo.
Lúc mới yêu chỉ có niềm vui, thề non hẹn biển là thế, nhưng mấy ai đã đủ can đảm nắm tay nhau đi tới cuối con đường. Dẫu vậy, tình đầu thời áo trắng vẫn là một trong những kí ức đẹp nhất, khó phai nhòa với bất cứ ai.
Nhất là với chàng trai có máu văn chương lai láng như Hoàng Trung Hiếu (Rain8x), chính chuỗi ngày hạnh phúc bên nàng “sếp” Mai Ngọc (nhân vật có thật) đã giúp anh chấp bút nên Ranh Giới, câu chuyện ngôn tình “huyền thoại” gây rúng động cộng đồng mạng suốt 10 năm qua.
Tuy nhiên, cái kết của “Tháng 5 để dành” lại khiến người xem ngỡ ngàng với hàng loạt những câu hỏi bỏ ngỏ còn vương vấn. Một cái kết không đóng không mở, Hiếu và Mai Ngọc liệu có tìm lại được nhau sau khoảng thời gian xa cách vì nhà Ngọc chuyển vào Nam sinh sống. Mối tình đó liệu có đơm hoa kết trái hay chỉ dừng lại ở tuổi học trò rồi phải chia tay mãi mãi vì khoảng cách không gian, thời gian? Diễn biến diễn ra quá nhanh, không giải quyết được câu chuyện “Tình yêu này sẽ đi về đâu”? Chuyện học hành sau này ra sao?...
Chia sẻ cảm xúc của mình sau khi xem phim, chị Lê Thủy cho biết, “Tình yêu thời học trò là tình yêu đẹp nhất nhưng cũng là thứ tình chẳng bao giờ duy trì được lâu dài, rồi cũng phải dừng lại ở một ngưỡng nhất định. Bộ phim nhấn mạnh đến vấn đề giới tính, chắc có lẽ đạo diễn quay theo cung bậc cảm xúc của diễn viên 3 năm liền, mục đích cho khán giả thấy rõ sự trưởng thành của từng cá nhân trong câu chuyện. Hiếu, một cậu học sinh lớp 11 từ không biết những thay đổi trong cơ thể của mình là gì cũng dần nhận ra nhu cầu và ham muốn của một chàng trai ở tuổi dậy thì, Ngọc từ một cô gái e ngại, thẹn thùng ít nói cũng dần trở lên mạnh dạn hơn!”./.
Vũ Toàn/VOV.VN