Văn hóa

Thắp hương - thành tâm chứ đừng lạm dụng

15:43 - 20/02/2019
Từ xa xưa, nén hương được coi là biểu tượng tâm linh, là phương thức giao tiếp giữa con người với các đấng linh thiêng. Chính bởi vậy, trong các nghi thức tế lễ luôn phải có nén hương.

Nghi lễ không thể thiếu nén hương

Giữa tiết trời nồm ẩm của những ngày xuân, việc thắp một nén hương thơm lên bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật, hay ở các đình chùa, miếu mạo…dường như khiến không gian ấm áp và thanh tịnh hơn. Từ xa xưa, nén hương vẫn được tin là cây cầu nối giữa con người và trời đất, giữa cuộc sống thực tại và thế giới tâm linh. 

Thắp hương là một tập tục có từ rất lâu đời trong văn hóa của nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Á. Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, trong văn hóa Á Đông, nén hương được coi như một chiếc ăng-ten phát ra làn sóng nối đất với trời, nối dương gian với cõi âm. Người ta thông qua làn hương để tỏ lòng tôn kính đối với các hương linh, thần thánh, tổ tiên, để bày tỏ những lời nguyện cầu với niềm tin tưởng rằng, nhờ những làn hương mà những tâm nguyện của con cháu có thể lay động Trời Phật, đến với tổ tiên, ông bà…

Người xưa thắp hương còn là để xua đuổi tà khí, yêu ma. Thắp hương cũng được coi là một hình thức xua đuổi những thế lực hắc ám, hướng con người đến cõi Niết Bàn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Hàm chứa ý nghĩa tâm linh như vậy,có thể thấy rằng nén hương không phải ngẫu nhiên tồn tại trong các nghi lễ. Để rồi sau này, khi đã trở thành một nét văn hóa thì dù nóng người ta cũng thắp hương, thậm chí không nhằm ngày gì cũng thắp. Nói cách khác, nghi lễ có thể thiếu gì thì thiếu, nhất định không được thiếu nén hương.”

Thắp hương nhưng không lạm dụng

“Cứ ngày rằm, mùng một, những ngày giỗ, đặc biệt là 3 ngày tết trong nhà tôi lúc nào thắp hương. Đó là một thói quen, một truyền thống đã có từ lâu đời trong gia đình tôi”, tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến kể. “Đặc biệt vào thời điểm bố tôi mới qua đời, cứ hằng sáng tôi lại thắp một nén hương và điều đó khiến lòng tôi thanh thản, nhẹ nhõm…”

Nén hương tượng trưng cho ý nghĩa tâm linh quan trọng là thế nhưng Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng tuyệt đối không nên lạm dụng việc đốt hương. Vào các dịp lễ tết, giỗ chạp, nếu ở nhà, chỉ cần thành tâm thắp 3 nén hương là đủ. Còn nếu đi chùa, không cần thắp hương mà chỉ cần lễ bái Tam bảo, vì nhà chùa luôn thắp sẵn trong các lư hương, Phật tử chỉ cần thành tâm là đủ. 

Việc thắp quá nhiều hương, nhất là ở các đình chùa, nơi mà người ta đổ xô đi lễ hội đầu năm và đua nhau đốt… có thể gây ra những hệ lụy khôn lường. Trước hết là sự xô lệch về văn hóa khi người ta cho rằng thắp hương càng nhiều thì càng chứng tỏ lòng thành, để các đấng linh thiêng ban cho tiền tài, danh vọng. Quan điểm này, xét theo quan niệm nhà Phật, là hoàn toàn sai lầm.

Nhiều người cho rằng, càng thắp nhiều hương càng chứng tỏ lòng thành

Ngoài ra, đốt nhiều hương sẽ gây lãng phí tiền bạc, tương tự như tục đốt vàng mã vốn được chính giáo hội Phật giáo cảnh báo “đốt vàng mã tức là đốt tiền thật”. Hằng năm, hàng trăm tỉ đồng đã “bốc hơi” theo vàng mã, đặc biệt vào những dịp lễ hội đầu năm.

Bên cạnh đó, việc đốt nhiều hương có thể khiến không khí ngột ngạt, ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Chưa kể đến việc các hóa chất mà người ta cho vào hương để tạo mùi thơm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với suy nghĩ của một người Hà Nội gốc vốn luôn đau đáu với những giá trị truyền thống và tư duy của một nhà khoa học cả cuộc đời nghiên cứu chuyên ngành Việt Nam học, tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng, nén hương nên trở về đúng với vai trò của nó, là một ý nghĩa biểu trưng.  để dù thắp hay không cũng không phải là sự thiếu sót trong việc hướng tâm cầu nguyện. 

Anh Vũ/ Vietnam Journey