Hội đồng xét duyệt có đủ trình độ, tư cách đánh giá?
Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Nghị định số 89 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ VHTTDL tổ chức sáng 11/11, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng tóm tắt hai kỳ xét tặng theo Nghị định mới với một số cải tiến thủ tục, tạo thuận lợi cho nghệ sĩ. Trong hội nghị, Bộ đã lấy ý kiến của nghệ sĩ, nhà quản lý để tiếp tục sửa đổi Nghị định phù hợp hơn trong thực tiễn.
Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vào ngày 11/11.
Một trong những vướng mắc trong quá trình xét duyệt danh hiệu cho nghệ sĩ được thảo luận trong Hội nghị là tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp Hội đồng. Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 14, điểm d khoản 3 Điều 15, đoạn 4 điểm c khoản 1 Điều 16 và đoạn 4 điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định 89/2014/NĐ-CP: “…Hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng 90% là tỷ lệ cao bởi để đạt được tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định (trường hợp vắng mặt, Hội đồng xin ý kiến thành viên bằng văn bản) là rất khó khăn. Với quy định như vậy, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ 02/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước (đạt 86,7%); tại Hội đồng cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ 03/21 thành viên không đồng ý (đạt 85,7%) là cũng không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu.
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng 90% là tỷ lệ cao bởi để đạt được tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định (trường hợp vắng mặt, Hội đồng xin ý kiến thành viên bằng văn bản) là rất khó khăn
Ông đặt câu hỏi liệu có cần Hội đồng xét duyệt khi mà các nghệ sĩ đã đáp ứng đủ 4 tiêu chí được quy định trong Chương II về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT của Nghị định 89/2014/NĐ-CP.
“Trong tiêu chí xét NSND, NSƯT, bao giờ cũng có 4 tiêu chí để đánh giá, đủ huy chương là đủ điều kiện, tại sao còn có Hội đồng xét duyệt? Những người đủ điều kiện rồi, không vi phạm gì, được bạn nghề yêu quý, vì lẽ gì người ta không được danh hiệu NSND? Thành phần Hội đồng có đủ khả năng, tư cách, trình độ để đánh giá hay không?”, NSND Lê Tiến Thọ nói.
NSND Lê Tiến Thọ còn đưa ra ví dụ, trong đợt xét danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 vừa qua, có nhiều nghệ sĩ trẻ, tài năng đã được phong tặng NSƯT gần 10 năm và trong các kỳ hội diễn được 3 huy chương vàng nhưng vẫn bị hội đồng bỏ phiếu “không đồng ý”. Hoặc thậm chí có người cứ bị trượt triền miên vì hội đồng.
Ông thẳng thắn chỉ ra lý do: “Có những người ngồi trong hội đồng nhưng thù oán cá nhân hoặc thích người này không thích người kia thế là cả cuộc đời nghệ sĩ không có danh hiệu. Vậy Nghị định với Hội đồng ai mạnh hơn? Đó là những bất cập trong quá trình làm việc của các Hội đồng”.
NSND Lê Tiến Thọ góp ý: “Tôi thấy giữa hội đồng vênh với quy định xét danh hiệu NSND, NSƯT. Vì thế nên có sự điều chỉnh. Hội đồng chỉ đưa vào xét những trường hợp đặc biệt, không nên xét những trường hợp đã đủ huy chương. Những người có đóng góp tích cực, cống hiến thì xét xem hội đồng ấy đồng ý hay không”.
Nhiều NSND chẳng ai biết là ai
Chính những bất cập trong việc xét tuyển khiến cho nhiều NSND không được ai biết trong khi Hội đồng xét duyệt lại bỏ lọt những người xứng đáng. Điều này có thể nhận thấy trong đợt xét tuyển vừa qua, Hội đồng Cấp Nhà nước phải đặc cách cho một loạt tên tuổi như nghệ sĩ Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn.
NSND Thanh Hoa: "Danh hiệu NSND càng ngày càng xuống cấp, vì vậy, rất cần những quy định, tiêu chí cụ thể để ai được danh hiệu cũng đáng trân trọng”.
Bày tỏ quan điểm vể vấn đề này, NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA): “Càng ngày, tôi càng thấy việc chạy huy chương vàng để lên NSND lộ lắm. Vì nhiều người còn chạy theo thành tích. Nhiều người được huy chương vàng trong các hội diễn chuyên nghiệp nhưng công chúng chẳng biết là ai. Danh hiệu NSND càng ngày càng xuống cấp, vì vậy, rất cần những quy định, tiêu chí cụ thể để ai được danh hiệu cũng đáng trân trọng”.
NSND Thanh Hoa cũng cho biết có những nghệ sĩ cả đời cống hiến thầm lặng cả cuộc đời nhưng vì không được tham gia các vở diễn nên không có huy chương. “Phải xác định lại NSND là cống hiến cho nhân dân hay trong ngành nghề. Trên cương vị nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy rằng, yếu tố được khán giả công nhận quan trọng hơn nhiều, lan tỏa hơn nhiều.”
Đồng quan điểm với NSND Thanh Hoa, NSND Ngô Văn Thành - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đề xuất với những người công tác, cống hiến lâu năm trong ngành nên có chính sách khác để ghi nhận.
Sau hội nghị lấy ý kiến ở Hà Nội, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" tại TP.HCM./.
Hạnh Lê - Hà Phương/VOV.VN