1. NSND, Nhạc sĩ Trọng Đài (Việt Nam)
Tại cuộc thi "Tiếng hát ASEAN+3" năm nay, nhạc sĩ Trọng Đài nhận trọng trách khó khăn nhất - Trưởng ban Giám khảo. Ông nguyên là Giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông từng giành được các giải thưởng âm nhạc danh giá trong các cuộc thi về sáng tác cho nhạc cụ dân tộc; giải thưởng Âm nhạc Thăng Long; Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1994, 1995, 1999; giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhắc đến nhạc sĩ Trọng Đài, khán giả không thể nào quên được các ca khúc vang bóng một thời như Hà Nội đêm trở gió, Chị tôi, Tiễn Biệt Những Ngày Buồn...
Trong đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ năm 2015, nhạc sĩ Trọng Đài là một trong ba nghệ sĩ của Đài TNVN được vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
2. NSƯT, Ca sĩ Thanh Lam (Việt Nam)
Là một trong 4 diva của Việt Nam, Thanh Lam cũng là một trong những ca sĩ nắm giữ nhiều giải thưởng danh giá như Giải nhất liên hoan Ca khúc chính trị tại Berlin (1986); "Ca sĩ được yêu thích nhất" tại Festival âm nhạc La Habana – Cuba (1989); "Giải thưởng lớn" (giải cao nhất) cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần 2 (1991); Giải nhất cuộc thi Liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn quốc (1993); "Giọng hát Vàng" tại Liên hoan Giọng hát vàng ASEAN (1998); Top 10 Làn Sóng Xanh (1997, 1998, 1999, 2000, 2001, Tổng kết 10 năm), VTV – Bài hát tôi yêu (2002, 2003, 2004), Bài hát Việt (thể hiện hiệu quả nhất), Bài hát yêu thích...
Thanh Lam sở hữu giọng hát đầy nội lực, kỹ thuật thanh nhạc tốt, với đa dạng trong phong cách âm nhạc. Những bài hát gắn với tên tuổi của cô có thể nhắc đến như: Không thể và có thể, Chia tay hoàng hôn, Dòng sông lơ đãng...
Nhiều năm không ra album, người hâm mộ đang rất mong chờ sự trở lại của ca sĩ tên tuổi từng được mệnh danh là "Nữ hoàng" nhạc nhẹ Việt Nam.
3. Thạc sĩ Âm nhạc Parichat Euprasert (Thái Lan)
Hiện đang là giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Rangsit, Thái Lan, Thạc sĩ Parichat Euprasert phụ trách giảng dạy bộ môn thanh nhạc, hợp xướng và lý thuyết thanh nhạc.
Parichat chuyên hướng dẫn cách giữ giọng, đào tạo và phát triển những giọng ca trẻ. Nhiều sinh viên, học trò của cô tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật danh giá và giành nhiều giải thưởng quốc gia.
4. Nhạc sĩ Bemby Gusti (Indonesia)
Nhạc sĩ Bemby Gusti là Giám đốc âm nhạc, Nhà sản xuất âm nhạc của hãng thu âm Rooftopsound của Indonesia. Ông còn là nghệ sĩ trống, nhà soạn nhạc, phối khí của Ban nhạc SORE.
Ban nhạc của ông đã giành được nhiều giải thưởng và danh hiệu như: Album “Centralismo” (nhóm SORE biểu diễn) là một trong những "Album đáng mua nhất ở châu Á năm 2005" theo Time Magazine, và là một trong "150 album Indonesia hay nhất mọi thời đại" (theo xếp hạng của Rolling Stone Indonesia). Album thứ hai “Ports of Lima” của nhóm SORE ra mắt năm 2007 được Rolling Stone Indonesia đánh giá là Album Indonesia hay nhất năm 2008.
Cá nhân ông cũng gặt hái được nhiều thành tựu như được xếp hạng là "Một trong 50 nghệ sĩ trống xuất sắc nhất Indonesia"; giành giải "Nhà thiết kế nhạc phim hay nhất" (Best music stylist) tại Liên hoan phim Indonesia năm 2017.
Ông khá có duyên với công việc soạn nhạc phim, khi từ năm 2006 đến nay đã phụ trách phần nhạc phim cho 50 bộ phim ở Indonesia. Năm 2018, ông được mời làm giám khảo cho Liên hoan phim Indonesia.
5. Ca sĩ, giảng viên, nhà sản xuất Alfred Allan D.Samonte (Philippines)
Ca sĩ Alfred Allan D.Samonte là ca sĩ tenor của dàn hợp xướng Philippine Madrigal Singers từ năm 1996 đến 2002. Anh đã góp phần tạo nên lịch sử khi Philippines Madrigal Singers trở thành dàn hợp xướng đầu tiên tại Đông Nam Á giành giải thưởng lớn tại Cuộc thi hợp xướng Grand Prix châu Âu năm 1997. Dàn hợp xướng này sau đó còn giành thêm một giải thưởng nữa và trở thành dàn hợp xướng đầu tiên trên thế giới hai lần đoạt giải thưởng lớn tại cuộc thi này (1997 và 2007).
Anh là người sáng lập và là người đứng đầu dàn hợp xướng Trường Immaculate Conception (CIC) có trụ sở tại Cabanatuan và đây cũng là dàn hợp xướng khối trường học trẻ nhất ở Philippines đã được quốc tế ghi nhận. Cho tới nay, anh đã đào tạo và phát triển ít nhất 5 ca sĩ từ dàn hợp xướng CIC Chorale trở thành thành viên tích cực và là nghệ sĩ solo của dàn hợp xướng Philippine Madrigal Singers.
Hiện tại anh đang là Giám đốc nghệ thuật và người sáng lập ba nhóm nghệ sĩ đẳng cấp thế giới gồm: The Nightingales Soprano Duo, M.E.N, Male Ensemble Nine và the Musika Filipina Women Ensemble. Với tư cách ca sĩ, anh đã tham gia biểu diễn solo ở rất nhiều dự án âm nhạc và có nhiều bài hát được thu âm phát sóng trên truyền hình.
Alfred cũng đã đào tạo một số nghệ sĩ Pop của Philippines với tư cách là giảng viên thanh nhạc và nhà sản xuất thu âm, album.
|
Đêm bán kết cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 2019 diễn ra lúc 20h ngày 27/7 và đêm chung kết lúc 20h ngày 28/7, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và được phát sóng trực tiếp trên các kênh phát thanh và truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam: Vietnam Journey, VTC1, VOV3, VOV5. |
Tiểu Dương/Vietnam Journey