Vào 18h50 ngày 15/4, một đám cháy đã bùng phát tại Nhà thờ Đức Bà Paris, không lâu sau khi đóng cửa tham quan. Đám cháy bắt đầu từ đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ chỉ trong vài phút.
Phải đến khoảng 2h54 sáng 16/4, lực lượng cứu hỏa Paris mới kiểm soát được vụ cháy và giữ được cấu trúc chính của Nhà thờ Đức Bà để phục hồi sau này.
Vụ cháy đã khiến ngọn tháp chính của nhà thờ bị phá hủy. Cửa sổ biểu tượng Rose Window phía Tây cũng bị thiệt hại, phần mái và chóp phía sau bị cũng bị tàn phá nặng nề.
Thời điểm ngọn lửa được dập tắt, những người lính cứu hỏa cuối cùng bước ra khỏi nhà thờ cũng là lúc Chính phủ Pháp chính thức có lời kêu gọi người Pháp cùng nhau đoàn kết để giải quyết những vấn đề lâu dài của việc xây dựng và tôn tạo lại Nhà thờ Đức Bà, một biểu tượng không thể thiếu của tôn giáo và văn hóa Pháp.
Không chỉ kêu gọi đóng góp xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris, người dân nước Pháp còn thể hiện tình yêu với công trình lịch sử này bằng những tác phẩm nghệ thuật.
Theo CNN, cuốn tiểu thuyết "Le Bossu de Notre-Dame" (tên tiếng Việt là: Thằng gù Nhà thờ Đức Bà, tên tiếng Anh: The Hunchback of Notre-Dame) của đại văn hào Victor Hugo đã leo lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những tiểu thuyết bán chạy nhất của trang Amazon Pháp.
Tiểu thuyết "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris" bán chạy sau vụ cháy
Chưa hết, trong top 10 còn có thêm 3 phiên bản khác của tiểu thuyết này và bản dịch tiếng Anh cũng đứng đầu hạng mục “Tiểu thuyết dã tưởng lịch sử”. Bản phim hoạt hình sản xuất năm 1996 của Disney thì lọt vào “Top 10 các phim gia đình”.
Nằm ở vị trí thứ ba trong danh sách những cuốn sách bán chạy trên Amazon vào ngày 17/4 còn có cuốn sách xuất bản năm 2012 viết về lịch sử của nhà thờ Đức Bà.
"Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" là tiểu thuyết của nhà văn người Pháp Victor Hugo. Tác phẩm ra đời xuất phát từ việc tác giả muốn viết một cuốn tiểu thuyết về ngôi nhà thờ nổi tiếng ở thủ đô Paris (Pháp).
Ông đã nhiều lần đến nhà thờ Đức Bà Paris để ngắm kiến trúc cổ của ngôi nhà thờ và nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ. Ông muốn ngôi nhà thờ cổ kính tráng lệ vượt lên trên thời gian và tất cả những biến cố. Tác phẩm đã thể hiện được sự vươn đến một tầm cao triết lý, qua cách mô tả một định mệnh đã dẫn các nhân vật gắn liền với ngôi nhà thờ này cho đến chỗ chết, chỗ hủy diệt. Chính cảm hứng bi quan này đã đem đến cho tác phẩm vẻ lớn lao và hoang dại.
Điều thú vị là chương 4 của "Nhà thờ Đức Bà Paris" có đoạn miêu tả chi tiết tòa nhà này bốc cháy dữ dội. Nhiều người xem đây là một sự trùng hợp nhưng cũng có không ít người mê tín cho rằng đây là một điềm báo.
Phạm Dương, theo doisongphapluat.com