Tập luyện vác đá chạy 5 km của người Gurkha. Ảnh: Telegraph
Với chiều cao trung bình chỉ 1,6 m, các chiến binh Gurkha không phải là quá nổi bật, thậm chí còn không giống như người lính. Nhưng những hiểu lầm đó sẽ nhanh chóng tan biết nếu người ta được tận mắt chứng kiến một đơn vị Gurkha trên chiến trường. Bởi khẩu hiệu của họ từ hàng trăm năm qua luôn là “thà chết còn hơn là sống trong nhục nhã”.
Tên gọi Gurkha bắt nguồn từ một vương quốc tọa lạc ở vùng hẻo lánh phía tây Nepal.
Trước thế kỷ 18, đất nước Nepal là sự chắp vá của các bộ lạc độc lập. Khi đế chế Mughal tan rã, Prithvi Narayan Shah - Vua của người Gurkha, đã chinh phục gần như toàn bộ khu vực Himalaya và bắt đầu mở rộng lãnh thổ sang các vùng đồng bằng ở miền bắc Ấn Độ. Đó cũng là thời điểm người Gurkha bị cuốn vào chiến tranh cách đây hơn 200 năm trước, trong cuộc xâm lược Nepal của Anh.
Sau này, theo hiệp định hòa bình, người Gurkha được phép gia nhập đội quân thuộc Công ty Đông Ấn Anh. Đây là tập đoàn kiểm soát hoạt động khai thác thuộc địa của Anh ở nước ngoài. Kể từ đó, 200.000 chiến binh Gurkha đã chiến đấu trên tất cả các điểm nóng trên thế giới, bao gồm hai cuộc chiến tranh thế giới, chiến tranh Afghanistan và thậm chí cuộc chiến tranh Falklands năm 1982.
Chiến binh Gurkha từng là nỗi khiếp sợ trong hai cuộc thế chiến. Ảnh: Getty
Rất nhiều chiến binh Gurkha đã khiến cho lực lượng quân đội các nước trên thế giới phải nể phục vì ý chí chiến đấu, tinh thần quật cường, không lùi bước trước khó khăn mà họ phải đối mặt trong Thế chiến 2.
Bhanbhagta Gurung là một trong những người lính Gurkha nổi tiếng nhất, minh chứng rõ nhất cho sự gan dạ và thiện chiến của những binh sĩ này. Một mình Bhanbhagta đã quét sạch cả một cứ điểm phòng thủ trên đồi của quân Nhật, bất chấp những mối đe dọa như lựu đạn, súng bắn tỉa, súng máy từ đối phương.
Ngày nay, người Gurkha không chỉ phục vụ trong quân đội Anh mà các nước Singapore, Malaysia, Ấn Độ cũng tuyển chọn chiến binh Gurkha vào quân ngũ, lực lượng cảnh sát.
Mặc dù là chiến binh chiến đấu quả cảm và kiên cường nhưng có tới 43.000 người Gurkha thiệt mạng trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Những chiến công của người Gurkha vẫn còn được ghi nhận cho đến nay. Nữ hoàng Anh đã trao 26 huân chương Chữ thập Victoria, phần thưởng cao quý của Nữ hoàng Anh dành cho các đơn vị Gurkha.
Kukri - vũ khí của chiến binh Gurkha
Ngày nay, quy định tuyển chọn chiến binh Gurkha cũng dễ dàng hơn khi chỉ cần là công dân Nepal. Gần 28.000 ứng viên Gurkha cạnh tranh với nhau mỗi năm để chọn ra 200 người ưu tú nhất. Tiêu chuẩn để tham gia đơn vị Gurkha là thanh niên ở độ tuổi từ 17-21 và một hộ chiếu để chứng minh họ là công dân Nepal. Những chàng trai này cũng phải cao ít nhất 1,58 m.
Những ứng viên trúng tuyển sẽ được đưa tới cơ sở đào tạo nằm trên một cánh đồng hoang tại làng Catterick, Anh. Đây là nơi nổi tiếng với những cơn gió lạnh và mùa đông khắc nghiệt. Các chiến binh sẽ tập luyện tại đây trong những tháng lạnh giá nhất trong năm để rèn luyện sức chịu đựng.
Mỗi chiến binh Gurkha luôn mang theo bên người một con dao quắm truyền thống, còn được gọi là “kukri”.
Truyền thuyết kể rằng, một khi được rút ra ngoài, con dao dài 45 cm này bắt buộc phải được “tắm máu”. Nếu như chiến binh Gurkha thất bại trong việc lấy máu kẻ thù, anh ta sẽ phải tự trừng phạt bằng chính máu của mình, trước khi được phép thu dao.
Trải qua thời gian, công nghệ và trang thiết bị vũ khí ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong quân đội, cũng là lúc tương lai của các chiến binh Gurkha ngày càng trở nên bất định. Số lượng chiến binh Gurkha đã bị cắt giảm do ngân sách hạn chế, từ 13.000 người vào năm 1994 xuống còn 3.000 người vào năm ngoái.
Nepal cũng không phải thành viên trong Khối thịnh vượng chung (Commonwealth) nên giới chức Anh lo ngại về làn sóng 36.000 cựu chiến binh Gurkha có thể chuyển đến Anh sinh sống, gây ảnh hưởng đến vấn đề nhập cư và an sinh xã hội.
Nhưng dù tương lai của chiến binh Gurkha đang trở nên bất định, họ vẫn luôn được ghi nhận trong lịch sử là những siêu chiến binh đáng sợ và kiên cường nhất thế giới.
Linh Chi/ ngaynay.vn