Đại sứ Robyn Mudie và ông Đặng Xuân Thanh cắt băng khai mạc triển lãm
Triển lãm trưng bày 15 trong tổng số 30 bức tranh do những người Warlpiri lớn tuổi vẽ trên những cánh cửa tại trường học cộng đồng Yuendumu vào năm 1984. Đây là một trong những thử nghiệm đầu tiên của người Warlpiri trong việc sử dụng màu acrylic - một phương pháp hội họa đến từ phương Tây - để khắc họa cuộc sống hằng ngày và Mộng thời - hệ thống tín ngưỡng của thổ dân về sự tạo lập thế giới.
Người Warlpiri là một trong những cộng đồng thổ dân lớn nhất sinh sống ở miền Trung Australia. Trong lịch sử Warlpiri, những câu chuyện Mộng thời được vẽ trên cát, sau đó bị gió xóa nhòa. Mãi đến đầu những năm 1980, người Warlpiri mới tìm cách lưu giữ truyền thống tổ tiên và các giá trị văn hóa của họ cho thế hệ trẻ và giới thiệu các giá trị này với thế giới bên ngoài. Một nhóm người Warlpiri lớn tuổi được mời vẽ những câu chuyện Mộng thời lên các cánh cửa lớp học tại trường học cộng đồng Yuendumu.
Mỗi cánh cửa với những họa tiết độc đáo thể hiện những câu chuyện Mộng thời, dạy các thế hệ trẻ Yuendumu về quê hương Warlpiri, tổ tiên và truyền thống của họ. Những tác phẩm này cũng đánh dấu sự bắt đầu của hội họa Warlpiri đương đại, sử dụng phương pháp hội họa phương Tây cùng những màu sắc tươi sáng để giới thiệu vẻ đẹp nghệ thuật văn hóa thổ dân đến với công chúng.
Tiếp nối hai triển lãm: “Canning: Huyền thoại một con đường” (2016) và “Hồi sinh: Mặt nạ vùng eo biển Torres” (2018), triển lãm này tiếp tục đưa nền văn hóa bản địa độc đáo của Australia đến với công chúng Việt Nam, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 31/01/2021./.
Theo Báo Hà Nội mới