Hơn 100 bức ảnh và hiện vật được trưng bày, có hình ảnh đã được lưu giữ hơn một trăm năm qua, có bức hình lần đầu tiên được công bố nhưng tất cả đều là những hình ảnh trung thực nhất được ghi lại trong suốt hành trình nỗ lực cứu vãn, bảo tồn di sản quý giá này.
Một ngôi tháp Chăm được trùng tu hoàn chỉnh ở Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Khu Đền tháp Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13, với gần 70 công trình còn sót lại trong lòng thung lũng Mỹ Sơn, là minh chứng tiêu biểu cho nền văn minh Chămpa đã từng tồn tại hưng thịnh trên dải đất miền Trung Việt Nam. Sau thế kỷ 13, trung tâm Hindu giáo này bị lãng quên trong rừng sâu. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, công cuộc nghiên cứu, bảo tồn Mỹ Sơn được tiến hành bởi các chuyên gia Pháp và Việt Nam.
Trải qua 20 năm trở thành Di sản Văn hóa thế giới, công tác bảo tồn được tiếp thêm luồng sinh khí mới với sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước, địa phương, cộng đồng quốc tế đến từ các quốc gia Pháp, Italy, Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Ấn Độ đã làm thay đổi diện mạo của khu di sản này.
Theo đó, từ một phế tích khảo cổ bị bao phủ bởi rừng sâu nhiệt đới, giá trị của di sản lộ dần qua từng hố đào khảo cổ, từ các mảnh vỡ của gốm men đến các thành phần kiến trúc, từ các phế tích biến dạng, vụn vỡ nay hình hài dáng vẻ dần được khôi phục. Từ nơi hoang vắng đến nay Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn trở thành điểm đến của hàng ngàn du khách mỗi ngày...
Dịp này, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn tiếp nhận hai bộ sưu tập của hai nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh và Lê Ngọc. Đây là những bộ sưu tập quý giá, làm phong phú thêm các giá trị của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập và nghiên cứu của công chúng trong nước, quốc tế.
Theo báo Tin tức