Màn múa lân không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu
Nhớ về truyền thống
Từ cuối tháng Bảy âm lịch, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (81 tuổi, làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tất bật cùng con cháu trong nhà làm hàng trăm chiếc đèn kéo quân, đèn con cá. Cụ Quyền bảo, cụ được truyền dạy làm đèn kéo quân từ đời ông, rồi đến đời cha của mình. Đèn kéo quân truyền thống của làng Đàn Viên được làm từ tre và giấy. Sau khi tre được vót, làm nhẵn thì phải tạo khung với 72 mối buộc chắc chắn, người nghệ nhân mới dán giấy, vẽ trang trí. Một chiếc đèn kéo quân nếu làm thủ công cũng mất cả tiếng đồng hồ, tâm sức nhưng cụ Nguyễn Văn Quyền vẫn một mực giữ cách làm đèn truyền thống, dù có lúc gặp không ít khó khăn vì đồ chơi ngoại lấn át.
“Tôi nhớ, cách đây 5 năm, khi tham gia một lễ hội Trung thu, tôi mang hơn 100 chiếc đèn kéo quân đến tham dự thì chỉ có 4 người hỏi mua. Lúc đó, tôi buồn lắm nhưng vẫn cố gắng duy trì cách thức làm đèn truyền thống vì đó là hồn cốt của ông cha để lại”, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.
Nghệ nhân làm đèn kéo quân Nguyễn Văn Quyền. (Ảnh: Hoàng Lân)
Theo lời cụ Nguyễn Văn Quyền, nhiều năm trở lại đây, với xu hướng tìm về nét đẹp Trung thu truyền thống, những nghệ nhân như cụ đã tìm lại được niềm vui. Số lượng đèn Trung thu truyền thống xuất hiện ngoài thị trường nhiều hơn, người dân ngày càng có nhu cầu đưa con trẻ tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều nơi còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, mời nghệ nhân ở các làng nghề đến hướng dẫn cho trẻ nhỏ cách làm các món đồ chơi, vật phẩm Trung thu truyền thống như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, làm bánh Trung thu… Đó là tín hiệu tốt lành để những nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống được tiếp thêm tình yêu để giữ nghề của ông cha.
Thời điểm này, không khí vui đón Trung thu đã rộn ràng trên nhiều con phố và các điểm vui chơi của Hà Nội. Phố Hàng Mã, nơi buôn bán các món đồ chơi Trung thu, đã tấp nập suốt cả tháng nay.
Tại những điểm đến như phố bích họa Phùng Hưng, khu phố cổ Hà Nội (ngôi nhà 87 Mã Mây, Trung tâm Giao lưu văn hóa 50 Đào Duy Từ, đình Kim Ngân), Bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… tưng bừng các hoạt động vui đón Trung thu. Những hoạt động tương tác, trải nghiệm đều nỗ lực hướng người dân và du khách trở lại nét đẹp Trung thu xưa. Văn hóa vui đón Trung thu cũng dần trở nên ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian.
Tết của sum họp, đoàn viên
Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước châu Á khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore cũng có Tết Trung thu. Tết Trung thu đã trở thành một trong những ngày tết truyền thống lớn trong năm, được các quốc gia tổ chức với bản sắc và phong tục riêng.
Hiện nay, nhiều trò chơi truyền thống được tổ chức trong dịp Trung thu. (Ảnh: Hoàng Lân)
Tại Việt Nam, Trung thu được coi là “Tết của thiếu nhi”, vì vậy người lớn thường mua tặng trẻ nhỏ trong nhà nhiều đồ chơi. Vào đêm Trăng rằm, trẻ nhỏ sẽ được xem múa lân, rước đèn, phá cỗ, vui chơi. Nét văn hóa ấy được duy trì từ bao đời nay trong các thế hệ người Việt.
Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Tết Trung thu không chỉ là ngày vui của con trẻ mà còn là dịp để các gia đình sum họp, quây quần, bởi thế ngày này còn được người Việt Nam coi như Tết đoàn viên. Vào đêm Trăng rằm, các thành viên trong gia đình cùng nhau sửa soạn mâm ngũ quả, có người cầu kỳ còn cắt tỉa thành những con giống có hình thù ngộ nghĩnh, tươi vui, sau đó đặt lên ban thờ gia tiên với tấm lòng thành kính.
Chuyên gia ẩm thực Hà Nội Nguyễn Phương Hải cho rằng, mâm ngũ quả cho Tết Trung thu gồm những thứ hoa quả rất đặc trưng của mùa thu như: Bưởi, chuối, quả hồng đỏ, ngoài ra còn có cốm, bánh nướng, bánh dẻo… Mỗi nhà tuỳ vào điều kiện và sự khéo tay của gia chủ, mâm ngũ quả được bày biện theo những cách riêng, nhưng đều có điểm chung đó là lòng thành kính nhớ về tổ tiên và sự háo hức dành cho con trẻ. Khi ánh Trăng rằm lên cao, cả gia đình quây quần bên mâm ngũ quả, cùng phá cỗ trông trăng, nhâm nhi chén trà, thưởng thức miếng bánh nướng, bánh dẻo ngọt đậm đà. Tình cảm gia đình vì thế thêm phần gắn kết, thương yêu.
Nhiều hoạt động trải nghiệm về Trung thu truyền thống hấp dẫn trẻ em. (Ảnh: Hoàng Lân)
Theo thời gian, cùng với nhịp sống hiện đại, Tết Trung thu ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng nhiều nét văn hóa truyền thống vẫn đang được các gia đình nỗ lực giữ gìn. Với xu hướng nhớ về truyền thống, cội nguồn, văn hóa đón Tết Trung thu của người Việt Nam đang dần có ý nghĩa hơn.
Hoàng Lân/hanoimoi.com.vn