Với chủ đề "Đại thi hào Nguyễn Du - Kiệt Tác Truyện Kiều với quê hương Hà Tĩnh”, triển lãm tranh minh họa truyện Kiều và các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Du diễn ra từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 9 năm 2020 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.
Triển lãm trưng bày 40 bức tranh truyện Kiều dưới góc nhìn Minh triết Việt, 150 bức tranh sơn dầu khổ lớn, 500 ấn phẩm về truyện Kiều qua các thời kỳ và di sản văn chương Nguyễn Du. Những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, giúp cho người xem có sự cảm nhận mới hơn về tác phẩm, chất đầy sự sáng tạo trong mỹ thuật, qua đó lan tỏa được những giá trị văn hóa của truyện Kiều trong thời đại mới.
Đông đảo người dân đến xem triển lãm
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở Hà Tĩnh, một người đam mê Truyện Kiều chia sẻ, các tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn vẽ theo xúc cảm, trừu tượng, khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, qua từng đường nét mới cảm nhận hết vẻ đẹp của tác phẩm: "Tranh của Nguyễn Tuấn Sơn không phải nhìn là hiểu ngay mà phải có sự cảm nhận, tư duy và hiểu ý đồ tác giả. Bản thân tôi thấy tranh Nguyễn Tuấn Sơn có khác các hoạ sĩ vẽ về Truyện Kiều khi Nguyễn Tuấn Sơn dùng màu sắc, tạo hình, cảm nhận và nặng về nội tâm và cảm xúc, làm phong phú thêm bảng màu và giá trị nghệ thuật Truyện Kiều".
Chị Nguyễn Kiều Liên ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cảm nhận, tranh của Nguyễn Tuấn Sơn nhấn mạnh nét đẹp của văn hóa phương Đông với mái đình, làng cổ, xen lẫn với chút đương đại, tạo nên sự mới lạ trong các bức vẽ về những nhân vật trong truyện Kiều: "Các bức tranh của Nguyễn Tuấn Sơn kết hợp giữa phương tây và văn hoá Việt, như các đường nét có kiến trúc đình làng, chùa, rẽ thấy nghê, rồng".
Dưới góc nhìn và cách vẽ rất đặc biệt, Họa sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Sơn diễn tả nỗi xúc cảm của nàng Kiều mang một chút hơi hướng đương đại. Anh luôn tự nhủ phải trình bày Kiều một cách sáng tạo, mới mẻ mà vẫn giữ được vẻ thuần khiết. Không thể vẽ một nàng Kiều bằng da bằng thịt mà phải để nàng bước ra từ xúc cảm của chính bản thân người vẽ, bằng tất cả thấu hiểu nội tâm và những nỗi niềm thầm kín còn ẩn giấu.
Một số tác phẩm hội họa "Kiều" của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn
Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về Truyện Kiều qua nghệ thuật hội hoạ là một cách nhìn mới, hiện đại, tránh được những áp đặt theo lối cũ định kiến. Dưới góc nhìn hội hoạ, các bức tranh của Nguyễn Tuấn Sơn để lại cho người xem những giá trị nhân văn mới, ít nhiều làm thay đổi cách nghĩ về các nhân vật trong Truyện Kiều, thêm nỗi cảm thông với những thân phận bị cuộc đời hắt hủi, đày đọa.
Hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ: "Giáo dục hội hoạ, những bức tranh này còn dùng để giáo dục, giáo dục về kỹ thuật hội hoạ, là bố cục, các xử lý đậm nhạt và đặc biệt xử lý màu sắc và nuôi dưỡng cảm xúc người học, chính vì thế các tác phẩm hội hoạ của tôi trước hết phải là bức tranh có tính giáo dục".
Nguyễn Tuấn Sơn sinh năm 1978, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương và ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Hiện anh đã có một gia tài đồ sộ về nghệ thuật, với hơn 5.000 bức tranh minh họa Truyện Kiều. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Tuấn Sơn đã ý thức rằng, mình phải xây dựng một bố cục khác, tìm hình ảnh khác, xây dựng những gam màu riêng và phải khiến chúng trở nên khác biệt.
"Khi nhắc đến tác phẩm văn học Truyện Kiều thì là tác phẩm kinh điển rồi. Tôi có tìm hiểu về không gian sống, thân thế sự nghiệp của cụ Nguyễn Du để mình tìm nét đặc trưng, cách tạo hình qua các nhân vật, như nàng Kiều thì là đàn nguyệt, Thúc Sinh là râu cọp hay những hình ảnh hoạn bà, hoạn thư…" - họa sĩ cho hay.
Hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn luôn quan niệm, Hội hoạ cũng là nhằm mục đích giáo dục, vì giáo dục. Thông qua nghệ thuật, những bức tranh của anh truyền cảm hứng và mang tính giáo dục thời đại đến với người xem. Triển lãm tranh minh họa truyện Kiều và các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Du là sự tri ân sâu sắc tới một danh nhân văn hóa đã có những đóng góp to lớn cho văn hóa dân tộc./.
Sỹ Đức/VOV1