Châm lửa thiêng trong lễ kết nghĩa
Thắm tình đoàn kết
Trong không khí tươi vui hướng về năm mới an lành, chính quyền cùng người dân xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút, Đắk Nông) tổ chức Lễ kết nghĩa anh em đồng bào dân tộc Êđê buôn Nui, buôn Buôr, buôm Trum và buôn Êa Pô.
Nghi lễ gói gọn trong một ngày, đồng bào mở hội thi tài: Dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ dân gian, thi đẩy gậy, giã gạo nấu cơm nhanh, ẩm thực truyền thống…Tối đến, họ tề tựu về nhà văn hóa cộng đồng buôn Buôr chứng kiến giây phút kết nghĩa thiêng liêng, trang trọng.
Có mặt từ sớm tại buổi lễ, Amí Ân (buôn Buôr) bồi hồi: Đây là lần thứ 3 trong đời tôi được tham dự lễ kết nghĩa. Lần đầu vào năm 2006, buôn Buôr kết nghĩa với một công ty đóng chân trên địa bàn xã Tâm Thắng; lần thứ hai là cháu họ của bà kết nghĩa anh em với dòng họ Niê bên vợ năm 2010 và nay là lễ kết nghĩa 4 buôn Êđê được tổ chức bài bản.
Theo Amí Ân, tiền thân của 4 buôn này là buôn Nui, tiếng Êđê gọi là buôn Hnui - được lấy tên theo dòng suối Ea Hnui. Về sau, buôn Nui phát triển mạnh nên được tách thành 4 buôn: Nui, Buôr, Trum và Êa Pô. Tuy có sự chia cắt về địa giới hành chính, Amí Ân cũng như nhiều người dân trong buôn luôn ý thức về nguồn cội, xem các anh em uống chung nguồn nước là họ hàng, tình thân. Và nay, tình cảm ấy được hiện thực hóa bằng nghi lễ kết nghĩa đậm chất truyền thống, có sự chứng kiến của đồng bào 4 buôn và chính quyền địa phương.
Lễ vật trong nghi thức kết nghĩa gồm có 3 ché rượu, 1 con heo, 1 con gà, cơm lam và những chiếc vòng đồng - vật không thể thiếu bởi nó là sự gắn kết giữa hai người xa lạ với nhau.
Trao vòng kỷ niệm khi kết giao
Amí Ân dứt lời, âm thanh cồng chiêng vang lên rộn rã mời gọi những vị Yang (thần linh) về chứng kiến buổi lễ đồng thời mở màn cho nghi thức đón bạn. Đại diện 4 buôn diện đồ thổ cẩm xếp thành 4 hàng, thay nhau hát đối đáp thể hiện sự đồng lòng.
Tiếp đó, vị già làng làm chủ lễ đại diện cho 4 buôn đứng trước mâm lễ khấn báo thần linh: Ơ Yang… ơi, Yang trời, Yang đất, Yang núi, Yang sông, Yang bên Đông, Yang bên Tây hãy về đây chứng giám cho lễ kết nghĩa giữa đồng bào buôn Nui, buôn Buôr, buôm Trum và buôn Êa Pô.
Đồng bào các buôn đã hiểu được cái bụng và muốn kết nghĩa làm anh em nên làm lễ bẩm báo với các Yang... Mong Yang về đây làm chứng cho buổi lễ kết nghĩa của đồng bào bốn buôn... ơ Yang.
Uống rượu cần trong lễ kết nghĩa
Sau nghi lễ báo cáo thần linh, già làng mời đại diện bốn buôn kết nghĩa đứng trước mâm lễ dâng Yang hỏi có đồng ý kết nghĩa không rồi mới tiến hành nghi thức trao vòng đồng. Vừa trao, già làng chủ lễ không quên kèm lời dặn: Kể từ giờ phút này cho đến khi về với Yang, các buôn trở thành anh em một nhà, phải đùm bọc, bảo ban nhau làm ăn, có việc gì khó phải giúp nhau, không được chia rẽ, làm hại nhau nếu không các Yang sẽ trừng phạt...
Với đồng bào Tây Nguyên, lễ kết nghĩa anh em là "chất keo" kết dính, thắt chặt tình đoàn kết giữa các thành viên trong buôn lại với nhau.
Hoá giải hiềm khích
Vòng đồng đã trao, lửa thiêng đốt lên, người dân các buôn truyền nhau vít chung một ché rượu cần, thưởng thức ẩm thực truyền thống. Đông đảo bà con bốn buôn siết tay hò reo trong ánh lửa bập bùng, cùng hát lên những lời ca yêu thương, kết đoàn…
Trong tiếng nhạc vui hội rộn ràng ông Y Tih Mlô (buôn Êa Pô) cho hay, lâu lắm rồi buôn làng mới có dịp tụ họp đông vui, cùng nhau thể hiện tài năng ca hát. Với người lớn tuổi như ông, đây là dịp để nhắc nhở con cháu về những phong tục truyền thống của dân tộc mình.
Mỗi khi có lễ kết nghĩa, già làng cùng người dân chuẩn bị rất chu đáo từ các khâu mâm lễ vật, trang phục, nhạc cụ... để buổi lễ diễn ra một cách trang trọng và đầy đủ.
Nối vòng tay lớn quanh ngọn lửa thiêng
Già làng Y Pô Kpắ (buôn Trum, xã Tâm Thắng) tâm sự: Nghi lễ này không chỉ bó buộc trong phạm vi cá nhân, buôn làng mà còn giữa cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống. Một cá nhân kết nghĩa với buôn làng nào đó thì ngầm hiểu cả gia đình, dòng tộc của người ấy cũng chung mối quan hệ này.
Trước khi tổ chức lễ kết nghĩa, ông Y Pô cùng trưởng buôn Trum đã tham khảo ý kiến người dân trong buôn. Bởi lễ kết nghĩa phải xuất phát từ tình cảm chân thật, ý muốn giữa các bên và mỗi người đều có trách nhiệm giữ trọn lời hứa xem nhau như người một nhà. Lời hứa ấy có sức mạnh, là cơ sở giúp hóa giải mọi hiềm khích phát sinh trong cuộc sống hằng ngày.
Đeo vòng tại lễ kết nghĩa
Qua 50 mùa rẫy, Amí Roen (buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) đã chứng kiến nhiều vụ mâu thuẫn được giải quyết một cách êm đẹp, thấu tình đạt lý.
Năm 2016, chồng của cháu họ bà là Y Thiết va chạm xe máy khiến một thanh niên bị gãy chân. Rất may người nhà thanh niên hiểu chuyện, không làm to chuyện mà nhờ già làng đứng ra phân xử. Thấy Y Thiết thành thật nhận sai, biết chăm sóc người bị nạn lại từng kết nghĩa với buôn Nui (khi anh từ Đắk Lắk theo vợ về buôn sinh sống) nên già làng không phạt nặng. Hai bên bắt tay làm bạn, thanh niên bị nạn "đốt" heo ăn mừng tai qua nạn khỏi đồng thời nhận Y Thiết làm anh kết nghĩa.
Hay như chuyện trâu bò phá hoại hoa màu, tranh chấp đất đai, người dân trong buôn hiếm khi đưa nhau ra chính quyền mà thường nhờ đến già làng, trưởng buôn để phân giải trước. Ngoài dựa vào luật tục, các già làng còn căn cứ vào lời hứa, giao ước từng có của các bên. Người Êđê rất coi trọng lời hứa, nên khi đã hứa xem nhau như anh em thì họ đối xử với nhau rất thật lòng, nếu mâu thuẫn thì tìm đến già làng. Nếu ai nuốt lời sẽ bị già làng phạt nặng, người dân xa lánh.
Lễ kết nghĩa anh em là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nét đẹp văn hóa này đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang ý nghĩa tốt đẹp, nhằm mong muốn cho mọi người sống chan hòa, gắn bó nhau như anh em một nhà, cùng giúp đỡ nhau để xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, giàu đẹp. Ngày nay, lễ kết nghĩa còn được mở rộng ra giữa đồng bào dân tộc Tây Nguyên với các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S.
Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Tây Nguyên hoàn toàn tự nguyện. Nhờ lệ tục này, không ít buôn làng, người dân từ xa cách trở thành thân thiết, bỏ được mối hiềm khích.
Theo baodansinh.vn