Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) mới đây đã công nhận Khu bảo tồn Mura-Drava-Danube là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên trên thế giới trải dài qua 5 quốc gia châu Âu.
Khu bảo tồn Mura-Drava-Danube trải dài trên 5 quốc gia châu Âu là Áo, Slovenia, Croatia, Hungary và Serbia. Ảnh: Unesco
Được mệnh danh là “Amazon của Châu Âu”, Khu bảo tồn Mura-Drava-Danube được hình thành như một phần trong nỗ lực đa quốc gia, nhằm hạn chế sự tàn phá đối với hệ sinh thái tự nhiên. Đây cũng được xem là khu bảo tồn trên sông lớn nhất của châu Âu, giúp bảo vệ các vùng đồng bằng ngập lụt, rừng, bờ cát… và là nơi cư trú của nhiều loài động vật phong phú. Đây cũng là nơi có mật độ cá thể đại bàng đuôi trắng lớn nhất trên toàn châu Âu.
Khung cảnh hoàng hôn trên sông Mura. Ảnh: Euronews
5 quốc gia châu Âu đã phải làm việc trong một thời gian dài để nhận được sự công nhận từ UNESCO. Quá trình này bắt đầu vào năm 2009, khi Chính phủ Croatia và Hungary ký một tuyên bố chung cam kết bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển xuyên biên giới. Sau đó, Serbia, Slovenia và Áo lần lượt tham gia vào các năm 2017, 2018 và 2019.
Khung cảnh mùa thu tuyệt đẹp tại Khu bảo tồn Mura-Drava-Danube. Ảnh: Euronews
Văn phòng Chính sách Châu Âu (WWF) cho biết, trong Chiến lược đa dạng sinh học của mình, EU cam kết bảo vệ 30% diện tích đất và biển của EU vào năm 2030. Việc tạo ra Khu dự trữ sinh quyển xuyên biên giới phù hợp với tham vọng "thỏa thuận Xanh của EU”.
“5 quốc gia đã chứng minh rằng, bảo tồn thiên nhiên có thể vượt qua biên giới quốc gia, vì lợi ích của tất cả mọi người. Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và sự tuyệt chủng hàng loạt các loài động thực vật như hiện nay, việc bảo vệ các khu vực tự nhiên đã trở thành vấn đề sống còn của nhân loại”, Arno Mohl - điều phối viên dự án WWF cho biết.
Tùng Lâm (biên dịch)
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |