Văn hóa

Ứng dụng theo dõi di tích khảo cổ sau khi băng tan chảy trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ

15:56 - 04/08/2021
Những người leo núi tình cờ tìm thấy các di tích khảo cổ khi các sông băng tan chảy trên dãy Alps của Thụy Sĩ giờ đây có thể sử dụng một ứng dụng mới để ghi lại vị trí và giúp bảo tồn những phát hiện của họ.

Ngày 3/8, giới chức bang Wallis, miền Tây Nam Thụy Sĩ, cho biết ứng dụng IceWatcher trên điện thoại di động sẽ giúp họ nhanh chóng thu thập và lưu trữ các phát hiện liên quan tới sông băng. 

Bang Wallis chứa một số sông băng quan trọng, bao gồm Aletsch - con sông lớn nhất trên dãy Alps. Chính quyền Wallis cho biết do hiện tượng ấm lên toàn cầu, các sông băng đang tan chảy và để lộ những di tích có tuổi đời lên đến hàng nghìn năm. Được bảo quản trong các lớp băng, những di tích này đặc biệt mong manh và có thể xuống cấp nhanh chóng ngay khi chúng được “giải phóng” khỏi lớp bảo vệ.

Ứng dụng IceWatcher giúp ghi lại vị trí và bảo tồn các di tích khảo cổ khi các sông băng tan chảy trên dãy Alps của Thụy Sĩ. Ảnh: Pixabay

Hiện Văn phòng khảo cổ bang Wallis (OCA) đang phát triển các công cụ để theo dõi các vật thể do sông băng tan chảy “giải phóng”. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc giám sát toàn bộ diện tích bề mặt là hoàn toàn “bất khả thi”, bang này đang kêu gọi sự trợ giúp của những người leo núi thông qua điện thoại di động. 

Ngay khi phát hiện, ứng dụng IceWatcher miễn phí sẽ yêu cầu người dùng không chạm vào bất kỳ thứ gì họ tìm thấy. Sau đó, họ chọn loại vật thể được phát hiện, chụp ảnh cận cảnh với một vật thể có thể so sánh và chụp quang cảnh rộng hơn để xác định khu vực vật thể được tìm thấy. Cùng với dữ liệu vị trí địa lý, thông tin sẽ được tổng hợp và OCA sau đó sẽ đánh giá mức độ phù hợp của các phát hiện và bắt tay vào việc thu thập và bảo tồn chúng.

Nhà khảo cổ học Romain Andenmatten làm việc tại Wallis OCA cho biết hầu hết các di tích không phải do các nhà khảo cổ phát hiện. Ông ước tính có 5 đến 10 phát hiện di tích khảo cổ dưới lớp băng mỗi năm. Mặc dù ứng dụng này hiện chỉ do Wallis OCA, nhưng ông Andenmatten hy vọng ứng dụng này sẽ có thể được sử dụng ở khắp mọi nơi để ghi lại những khám phá mới.

Theo nghiên cứu hằng năm về tình trạng các sông băng do Viện Khoa học Thụy Sĩ công bố hồi tháng 10 năm ngoái, các sông băng ở Thụy Sĩ tiếp tục bị thu hẹp với tốc độ đáng báo động trong năm này, trong khi lượng băng tích tụ trên sông băng Aletsch lớn nhất trên dãy núi Alps giảm xuống mức thấp kỷ lục. 

Nghiên cứu cho biết mặc dù năm 2020 chưa phải là năm có tỷ lệ băng tan đạt đỉnh, nhưng các sông băng ở dãy Alps của Thụy Sĩ vẫn không ngừng thu hẹp, mất 2% khối lượng băng trong năm 2020. Ngay cả khi thế giới thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 - vốn kêu gọi khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ít nhất 2 độ C, khoảng 70% sông băng ở dãy Alps vẫn có thể sẽ biến mất. 

Trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao, các nhà băng học dự báo 95% trong số 4.000 sông băng ở dãy Alps có thể biến mất vào cuối thế kỷ này.

VOVTV / TTXVN

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV