Công trình hệ thống khá toàn diện văn hóa Phật giáo được thể hiện rõ nét trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt đang sinh sống tạo Lào; phản ánh khá đầy đủ bức tranh sống đạo và hành đạo của tăng ni, Phật tử ở Lào, trên khắp các vùng miền của đất nước Lào như Luang Phabang, Vientiane, Savannakhet, Champasak,...
Ảnh bìa cuốn sách Văn hóa Phật giáo trong đời sống của người Việt ở Lào.
Trong bối cảnh cộng cư lâu dài với người Lào, cộng đồng người Việt sinh sống ở Lào cũng đã tiếp nhận văn hóa Phật giáo Nam tông Lào, đưa đến sự biến đổi, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập văn hóa - xã hội mới ở Lào. Đó là một tất yếu lịch sử, cũng là một trong những nhân tố quan trọng đã tạo điều kiện thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa hai quốc gia Việt - Lào trong lịch sử, cũng như trong tương lai.
Trong quá trình du nhập và phát triển ở Lào, Phật giáo Bắc tông Việt Nam đã diễn ra quá trình tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến hai chiều với văn hóa Phật giáo Nam tông của người Lào bản xứ. Có thể nói, văn hóa Phật giáo Việt Nam ở Lào không chỉ là sản phẩm của sự giao lưu, hội nhập của văn hóa Phật giáo Việt Nam đến từ miền Bắc, miền Trung và miền Nam mà còn là văn hóa Phật giáo Nam tông Lào.
Từ khi có mặt ở Lào cho đến nay, Phật giáo của người Việt luôn hòa mình cùng đời sống thường nhật của cộng đồng người Việt, và Phật giáo người Việt ở Lào là bức tranh thu nhỏ của Phật giáo Bắc tông Việt Nam, phần lớn các tông phái, hệ phái và đặc trưng văn hóa Phật giáo ba miền của Việt Nam đều có mặt ở Lào. Dẫu thế, Phật giáo người Việt Nam ở Lào vẫn không quá nặng về tông phái hay vùng miền, mà có sự linh hoạt trong tiếp nhận để phù hợp với đời sống tín ngưỡng đa dạng của cộng đồng di cư người Việt ở Lào.
Theo công trình nghiên cứu, tính thời điểm hiện tại, trên khắp đất nước Lào, hiện có khoảng 12 ngôi chùa Phật giáo Bắc tông Việt Nam và một tịnh xá của hệ phái Khất sĩ Việt Nam.
Về lịch sử hình thành và phát triển, dựa trên các biên bản phỏng vấn và cứ liệu khảo cứu, một trong những ngôi chùa Việt cổ nhất ở Lào là chùa Bảo Quang ở Savannakhet, sau đó là chùa Diệu Giác (xây dựng năm 1932). Chùa Bảo Quang, theo các cứ liệu và nhân chứng lịch sử được tác giả trực tiếp phỏng vấn, gần như được thành lập vào khoảng những năm đầu của thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, do một người Việt họ Đặng, quê Quảng Bình sang xây dựng.
Tác giả nhận định rằng đạo Phật của người Việt ở Lào là chỗ dựa tinh thần cho người Việt trong cuộc sống mưu sinh ở Lào. Ngôi chùa Việt ở Lào không chỉ là nơi mang lại sự bình an cho người sống, mà còn là nơi yên nghỉ của bao thế hệ người Việt ở Lào. Nhà sư vừa là bạn an ủi mỗi khi gặp trắc trở trong cuộc sống, vừa là người tiếp dẫn khi từ giã cõi trần. Đạo Phật là nhịp cầu để đưa người Việt ở đây về với cội nguồn dân tộc...
Tác giả Nguyễn Văn Thoàn sinh năm 1980, Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học, hiện là Chánh thư ký Ban điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Lào. Cuốn sách của tác giả do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ giới thiệu, có bán tại 88 - 90 Ký Con và quầy M3 - đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM. |
Theo congluan.vn