Ikebana là môn nghệ thuật cắm hoa truyền thống của Nhật Bản có lịch sử đến nay hơn 600 năm. Nhà Ikenobo là gia tộc có công khai sinh ra Ikebana, đồng thời là phái Ikebana lớn nhất tại Nhật Bản hiện nay.
Nhằm mục đích tạo cho các học viên Ikebana của nhà Ikenobo tại Nhật Bản cũng như trên khắp thế giới cơ hội giao lưu và học hỏi kiến thức, nhà Ikenobo định kỳ tổ chức triển lãm các tác phẩm Ikebana với các nghệ nhân hàng đầu và những học viên khách mời trong nước và quốc tế.
Tại Triển lãm Ikebana của nhà Ikenobo ở Osaka, nghệ nhân Việt Nam lần đầu tiên được tham dự triển lãm theo thư mời của nhà Ikenobo. Hai nghệ nhân Việt Nam đã giới thiệu tại triển lãm những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đất nước song cũng rất hiện đại.
Tác phẩm của nghệ nhân Ngọc Linh với ý tưởng thể hiện sự vất vả và tảo tần của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống, sử dụng hình tượng chiếc nón là làm đạo cụ chính.
Tác phẩm của nghệ nhân Việt Nam Lê Diệu Ngọc Linh tại triển lãm
Đánh giá về tác phẩm của nghệ nhân Lê Diệu Ngọc Linh, bà Ikenobo Mika, con gái thứ hai của ông Ikenobo Senei là người đứng đầu nhà Ikenobo đời thứ 45, đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy những chiếc nón lá cách điệu của Việt Nam trong tác phẩm của nghệ nhân Ngọc Linh.
Bà Mika cho rằng đây là tác phẩm đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa hoa với các đạo cụ, tạo một ấn tượng mạnh mẽ song cũng rất đỗi mềm mại. Bà Mika cho biết bà cảm nhận được rõ ý tưởng mà tác giả muốn gửi gắm, đó là vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng.
Đối với tác phẩm của họa sỹ Đỗ Vy Anh, nghệ nhân nhà Ikenobo cho rằng sự kết hợp giữa bình hoa màu đen với các sợi dây thép màu đỏ thường khó hài hòa song nghệ nhân đã xuất sắc phối hợp với một bông hoa thiên điểu có thế cành đặc biệt.
Tác phẩm của họa sĩ Việt Nam Đỗ Vy Anh tại triển lãm
Theo bà Mika, phần hoa ở miệng bình mặc dù cùng màu với bông hoa thiên điểu song nhờ sự kết hợp khéo léo của nghệ nhân Việt Nam, nên đã không gây ra sự nhàm chán mà ngược lại còn tạo ra sự đồng điệu, thể hiện được sức mạnh và sự hài hòa của tác phẩm.
Một khách tham quan triển lãm, bà Izuka Toshika cũng đánh giá các tác phẩm Ikebana Việt Nam rất đẹp và thực sự đã truyền tải được cảm xúc của tác giả.
Họa sĩ Đỗ Vy Anh và nghệ nhân Ngọc Linh vừa đạt được bằng thứ ba trong cấp độ Ikebana của nhà Ikenobo. Đây là hai thành viên năng động và tích cực trong nhóm yêu Ikebana nhà Ikenobo tại Hà Nội từ những ngày đầu thành lập. Hai nghệ nhân cho biết việc nhận được thư mời tham dự triển lãm lần này là một vinh dự, đồng thời cũng là động lực để họ tiếp tục thực hiện mong muốn truyền bá và phát triển nghệ thuật Ikebana tại Việt Nam theo cách thức quy chuẩn nhất.
Nghệ nhân Ikenobo Mika, thành viên của gia tộc Ikenobo, đang nhận xét tác phẩm của nghệ nhân Việt Nam Lê Diệu Ngọc Linh
Ikebana không chỉ đơn giản là thể hiện vẻ đẹp của hoa, lá. Đối với các nghệ nhân Ikebana, đó còn là nghệ thuật để con người cảm nhận được âm thanh không lời, sự vận động thầm lặng của cây cỏ, sự chuyển động của thời gian và những cảm xúc trong mỗi một con người.
Triển lãm khu vực Kansai diễn ra đình kỳ hai năm một lần tại Osaka. Tại triển lãm năm nay có hàng trăm tác phẩm được trưng bày, trong đó có tác phẩm của gia tộc nhà Ikenobo như ông Ikenobo Senei, truyền nhân đời thứ 45, thành viên gia tộc Ikenobo, bà Ikenobo Senko. Triển lãm diễn ra trong năm ngày dự kiến thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan.
Hồng Điệp, theo TTXVN