Từ ông xe ôm đến "vua me" bonsai
Ông Bùi Quốc Nam, ở Cần Giuộc, Long An được nhiều người biết đến khi những tác phẩm me bonsai độc, lạ của ông liên tục xuất hiện tại những đợt triển lãm, hội thi cây cảnh Công viên Tao Đàn, Quận 1; Công viên Phú Mỹ Hưng, Quận 7 hay Đầm Sen, Quận 11, TP.HCM. Cách đây 9 năm, một cây me bonsai của ông Nam đoạt giải "quán quân" liên tiếp 3 năm liền ở TP.HCM. Cây me bonsai sau đó được ông Nam bán với giá hơn 1 tỷ đồng cho một người chơi kiểng ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Để trở thành một nghệ nhân chính hiệu, suốt hơn 30 năm qua, người đàn ông này đã lặn lội khắp nơi từ các tỉnh miền Đông xuống đến từng ngõ khách ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long săn lùng những phôi kiểng thiên nhiên, mang về chăm sóc, tạo dáng. Những cây me có "ngoại hình" to lớn, trông thô kệch, qua bàn tay tỉ mỉ của ông, sau nhiều năm trở thành cây me bonsai xinh xắn, cổ quái, trị giá tiền tỷ. Cách chơi bonsai của ông Nam là vừa chế tác kiểng theo "bài" (nghệ thuật) vừa làm cây quái, độc lạ, mới có tác phẩm đẹp, giá cao. Hiện vườn bonsai của ông Nam có hơn 200 gốc kiểng.
Nhìn cơ ngơi của ông Bùi Quốc Nam, ít ai biết rằng ông đi lên từ khốn khó, bằng nghề chạy xe ôm. Ông Nam tâm sự: nghề chơi bonsai khi còn mới mẻ đa số dành cho người có điều kiện, nên những ngày đầu vô cùng khó khăn. Chạy xe ôm được bao nhiêu, ông tích góp đi lùng mua cây về dưỡng. Chạy xe ôm thấy ở đâu có cây kiểng đẹp là ông hỏi mua. Chưa đủ tiền trả một lần, ông Nam chạy vạy mượn hoặc năn nỉ được trả góp. Thời điểm năm 1994, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, làm nghề xe ôm mà ông dám bỏ tiền vác những gốc cây sần sùi về nhà, người thân, hàng xóm bàn tán, thậm chí chê cười với thú chơi khác người này.
Những ngày mới vào nghề, có lần mua trúng phôi kiểng về sửa hư, mất cả cây vàng bị gia đình cằn nhằn nhưng ông vẫn quyết không bỏ cuộc. Ông Nam chia sẻ: để cây me bonsai có giá trị cao thì cây phải có trái. Muốn làm me bonsai có trái phải mất từ 4 năm. Ngoài ra, bí quyết để làm bonsai nói chung, cây me bonsai nói riêng có giá trị cao là phải có cặp mắt tinh tường khi chọn mua phôi. Nhờ sự nhạy bén với nghề, dần dà ông Bùi Quốc Nam đã được tìm được chỗ đứng trong giới chơi bonsai.
"Khởi đầu là chạy xe ôm rồi tích góp, rồi đi mua phôi. Sau đó bán được 1 cái phôi được 10 triệu đồng rồi lấy đó tiếp tục đi mua phôi rồi về dưỡng rồi bán tiếp. Cứ phải chịu khó đi xa để săn phôi đẹp, cứ mua đi bán lại chứ mình không có chuyện ém hàng như người ta. Khi bén duyên với nghề rồi thì mình không giữ cây lại trong vườn. Người ta cứ mua cây gì có giá cao thì mình để lại thôi" - ông Nam nói.
Truyền cảm ứng cho người yêu bonsai
Giờ đây khi nhắc tới "Vua me" Bùi Quốc Nam ai cũng thán phục với vườn cây và khối tài sản mà ông tạo dựng cho gia đình, bù đắp những tháng ngày cùng nhau vượt qua gian khó. Khắp vườn kiểng có nhiều loại bonsai nhưng chủ lực vẫn là những cây me có dáng lả lướt, vỏ sần sùi, cổ quái khiến khách đến thưởng lãm không khỏi trầm trồ. Trong vườn bonsai của ông Nam lúc nào sản phẩm từ cây me cũng chiếm số lượng áp đảo, nên danh tiếng ông "Vua me" ngày càng lan xa, đến tận các tỉnh miền Trung, miền Bắc cũng như nước bạn Lào và Campuchia.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nhẫn, Chi hội trưởng Chi hội Sinh Vật cảnh huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Nghệ nhân Bùi Quốc Nam được nhiều hội viên và người chơi kiểng kính nể nhờ có con mắt tinh tường, những phôi cây qua bàn tay của ông Nam luôn trở thành những sản phẩm độc đáo. Dù lớn tuổi nhưng ông vẫn lặn lội lên TP.HCM tham gia khóa đào tạo về chăm sóc cây kiểng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Từ kiến thức giảng đường đến kinh nghiệm thực tế, cách chơi bonsai được ông truyền đạt cho hội viên rất phong phú đa dạng, có bản sắc. Ngoài cây me bonsai, ông Nam còn làm mai chiếu thủy bonsai và kim quýt bonsai.
Ông Nhẫn cho biết: "Khi đi thi các nơi đạt nhiều giải thưởng cao, với tay nghề cao, ông dạy nghề lại cho mấy anh em công nhân, tạo công việc làm cho nhiều người. Mấy năm nay thì ông Nam được phong tặng nghệ nhân của cấp huyện tỉnh, rồi được phong nghệ nhân cấp trung ương. Ông Bùi Quốc Nam bây giờ không chỉ uy tín cả tỉnh Long An, TP.HCM, mà nói chung khu vực từ miền Đông trở về miền Tây này thì ai cũng biết ông Nam".
Những bạn trẻ hay công nhân địa phương yêu thích nghề bonsai tìm đến vườn kiểng Quốc Nam đều được ông hướng dẫn tận tình. Rất nhiều người học nghề vài ba năm đến nay đã có công việc ổn định, tạo được vườn kiểng riêng. Những bạn trẻ mới vào nghề đi phụ việc cũng có thu nhập từ 7 đến 9 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Trần Hồng Đặng Phong, ở khu phố Kim Định, thị trấn Cần Giuộc bày tỏ sự trân quý với tấm lòng của thầy Nam, giúp anh em bám trụ, mưu sinh được với nghề. Nghệ nhân Bùi Quốc Nam chia sẻ tận tình cả làm kiểng nghệ thuật và làm "hàng chợ". Đặc biệt để có được một thành phẩm đẹp hút mắt người mua, phải mất ít nhất từ 3-4 năm, thầy Nam còn hướng dẫn cách tìm được phôi tốt, phương pháp dưỡng, uốn nắn tạo dáng, tuân thủ nghiêm ngặt tỷ lệ, kích thước thân, cành, chậu để tránh sai sót. Sau 3 năm, anh Phong cũng như những thanh niên học nghề vẫn gắn bó phụ việc cho thầy Quốc Nam và cũng tạo một vườn kiểng nhỏ cho riêng mình.
"Sau khi học thầy Nam, giờ vườn riêng của mình cũng có được khoảng gần 100 kiểng, còn nhỏ và phải dưỡng thêm nhưng khả năng trong vài năm tới có thể bán được rồi. Học được nghề mà kinh tế mình đỡ hơn, ngoài phụ việc cho vườn của thầy Nam, rồi chăm vườn kiểng riêng thì mình còn nhận được mối đi làm công trình cũng như nhận chăm vườn, bảo trì cây kiểng cho một số gia đình, nhờ đó tăng thêm thu nhập lo được cuộc sống cho gia đình 7 người" - anh Phong cho biết.
Nghệ nhân Bùi Quốc Nam, một đồng nghiệp, một người thầy được những người đam mê sinh vật cảnh trân quý và mến phục. Phương châm làm nghề của ông khá đặc biệt, đó là tuyệt đối không bán cây kiểng qua chợ online, nếu khách thích mua phải đến tận vườn xem cây. Đến nay, thị phần hàng chợ ông đều dành cho học trò. Ông Nam bộc bạch đây là lúc ông tập trung chăm nom những mặt hàng cao cấp, dành toàn tâm toàn ý sáng tạo những sản phẩm độc lạ, để thỏa niềm vui và truyền cảm hứng cho người trẻ gắn bó với nghề làm bonsai./.
Nguyễn Quang/VOV TP Hồ Chí Minh