Là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cộng đồng dân tộc Si La chỉ sinh sống ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé), bên bờ suối Nậm Sin, cạnh đường vành đai biên giới.
Bản Nậm Sin cách trung tâm xã Chung Chải khoảng 16km. Người Si La ở đây có dân số ít (gần 50 hộ) nhưng lại có một nền văn hóa khá phong phú và mang tính đặc trưng, nhận diện văn hóa riêng.
Trong lễ tục vòng đời, người Si La có các nghi lễ quan trọng, nổi bật như Lễ cúng bản, lễ cúng hồn lúa, lễ cúng nương, lễ cúng cơm mới, lễ gieo hạt, lễ cầu mùa, Tết cổ truyền… Trong đó, lễ cúng bản là nghi lễ tín ngưỡng đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, phản ánh khát vọng vươn lên, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ảnh: baodantoc.vn
Lễ cúng bản được cộng đồng người Si La tổ chức vào tháng Giêng hàng năm trước khi bản làng bắt đầu vào vụ mới, nhằm cầu chúc cho mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, bình yên; có cuộc sống ấm no; mùa màng tươi tốt, bội thu.
Trước khi tiến hành lễ cúng khoảng một tuần, bản làng họp để chọn và ấn định ngày tổ chức; đồng thời bầu ra một người đàn ông lớn tuổi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong bản, được mọi người quý mến, kính trọng làm thầy cúng.
Vai trò, nhiệm vụ của thầy cúng là xuyên suốt quá trình cúng bản, khi trực tiếp tham gia làm cổng cấm và điều hành mọi công việc, lễ thức trong cả tiến trình cúng bản. Do đó, các mệnh lệnh, yêu cầu của thầy cúng đưa ra trong lễ cúng sẽ được mọi người tuân theo, thực hiện.
Lễ cúng bản có phạm vi, quy mô của bản nên mỗi gia đình phải cử một người đàn ông khỏe mạnh, khéo tay, giỏi làm nương, thạo săn bắt để đại diện cho gia đình tham gia vào việc chung của bản.
Vào giờ tốt, ngày đẹp đã định, thầy cúng và người dân sẽ tập trung dựng cổng cấm ở vị trí cửa ngõ con đường vào bản. Theo đó, hai cột đứng là hai cây to, một cây gỗ bắc ngang bên trên sẽ được dựng lên chắc chắn. Bên trên cây gỗ bắc ngang có cắm các hình tượng biểu trưng cho mũi giáo, súng, kiếm và nhiều “plạ” - được đan bằng tre hoặc nứa với hình dạng mắt cáo (giống như biểu tượng “taleo” của người Thái, Cống… và xuất hiện nhiều trong các nghi lễ quan trọng của các cộng đồng dân tộc này).
Ngoài ra, người dân còn dựng hai bó cây thuộc họ dong riềng ở hai bên cột cổng cấm. Một đoạn dây dài được bện bằng cỏ gianh và một đoạn dây được kết nối bằng các vòng tròn nhỏ đan từ tre, lồng vào nhau cũng được quấn lên cổng cấm.
Lễ vật cúng bản được người dân chuẩn bị sẵn, gồm: Một con chó đen, một con gà trắng và một bát gạo.
Tết của người Si La. Ảnh: baodienbienphu.info.vn
Hoàn tất quá trình dựng cổng cấm, thầy cúng (chủ lễ) hướng dẫn mọi người thực hiện các nghi thức tượng trưng, nhằm ngăn chặn các tai họa, xui xẻo xâm nhập vào bản làng.
Người Si La có quan niệm thế giới tâm linh có ba tầng vũ trụ: Trời (nhì nợ), đất (mí thờ) và thế giới lòng đất (à pì xé né), nên khi cúng thầy cúng sẽ đọc lời khấn mời các vị thần núi, rừng, sông, suối… về hưởng lễ vật.
Sau đó, mọi người mới khấn nguyện, cầu mong các đấng thần linh phù hộ cho dân bản có sức khỏe, bản làng được bình yên, đoàn kết, làm ăn may mắn, nương rẫy cho mùa màng bội thu, ao suối có nhiều cá, chuồng trại có nhiều gia súc, gia cầm.
Khi thầy cúng kết thúc thực hành lễ, mọi người sẽ chế biến vật hiến sinh (chó, gà) và tổ chức thụ lễ ngay tại khu vực dựng cổng cấm.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ cúng bản, bản làng đặt trong trạng thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập.” Bởi họ quan niệm, nếu ai đó ra khỏi bản sẽ mang đi hết những điều tốt đẹp, may mắn; ngược lại nếu có người lạ vào bản, những điều xấu, không may mắn sẽ theo vào và năm đó người dân trong bản sẽ hay ốm đau, mùa màng thất thu.
Trong ngày diễn ra lễ cúng bản, người trong cộng đồng không được to tiếng cãi vã nhau, ngược lại các gia đình đều gần gũi, thân tình, đoàn kết với nhau.
Trưởng bản Nậm Sin Lỳ Hồng Sơn cho biết, lễ cúng bản đã có từ rất lâu và được cộng đồng dân bản gìn giữ. Nghi lễ này đánh dấu sự khởi đầu cho một năm lao động sản xuất nông nghiệp của người Si La. Bởi sau khi tổ chức xong lễ cúng bản, ngày hôm sau, người dân mới lao động sản xuất.
Tại tỉnh Điện Biên, Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) là bản duy nhất có người Si La sinh sống.
Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ với những chương trình, chính sách đầu tư, đặc biệt là Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025” theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhờ được thụ hưởng đề án này nên cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay, diện mạo bản làng nơi biên giới đã khang trang hơn.
Trưởng bản Nậm Sin Lỳ Hồng Sơn cho biết, bản Nậm Sin đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình dân sinh quan trọng, thiết yếu như giao thông, trường lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Các hộ dân trong bản được hỗ trợ mua giống gia súc, gia cầm; xây dựng chuồng trại chăn nuôi; mua vật tư phân bón phục vụ sản xuất; đào ao nuôi cá; được tập huấn nâng cao trình độ sản xuất...
Đến nay, thiết chế văn hóa của cộng đồng người Si La ở bản Nậm Sin đã phát triển bền vững hơn khi phục dựng được một số lễ hội truyền thống, khôi phục trang phục truyền thống; thành lập và duy trì đội văn nghệ của bản.
Đặc biệt hơn, người dân trong bản đã có những thay đổi căn bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ chỗ chỉ biết làm nương bằng hình thức chọc lỗ, tra hạt, đến nay người Si La đã biết áp dụng những kỹ thuật canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích lúa nước…
Sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nơi cực Tây Tổ quốc, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên nên đặc điểm nổi bật trong lễ cúng bản của dân tộc Si La là sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên; phản ánh thái độ, văn hóa ứng xử tôn trọng thiên nhiên của cộng đồng dân tộc Si La.
Qua lễ cúng bản, tính cố kết cộng đồng của người Si La càng bền chặt hơn. Đây là một nét đẹp văn hóa đang được cộng đồng người Si La ở Nậm Sin gìn giữ và phát huy.
Theo Vietnamplus
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |