Làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ
Kính Chủ xưa là tên một xã thuộc tông Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn nay thuộc phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ - một làng nghề đã có từ rất lâu đời, qua đôi bàn tay của biết bao thế hệ vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Thư tịch xưa ghi "thợ đá Kính Chủ", "thợ đá Dương Nham" hay "thợ đá Giáp Sơn" thực chất chỉ là một. Nghề khai thác chạm khắc đá ở đây gần với mỏ đá núi Dương Nham. Từ đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã phát hiện ra giá trị của đá xanh núi Dương Nham "có dáng như máy, phẩm chất có thể làm khánh". Năm 1436, ông vẽ mẫu khánh đã dâng vua thì năm sau, vua đã sai thợ đá Giáp Sơn lấy đá núi Kính Chủ (tức núi Dương Nham) để làm khánh.
Với bàn tay tài hoa và lòng yêu nghề, người nghệ nhân làng chạm khắc đá Kính Chủ đã tạo nên những công trình bằng đá tinh xảo, sắc nét nổi tiếng. Thợ đá Làng Kính Chủ có thể thực hiện hầu hết những công việc về chế tác đá như: bắc cầu, làm quán, đục cối, tạc tượng, khắc bia, làm đá tảng, đá phiến... Trong suốt một nghìn năm theo đuổi nghề nghiệp, thợ đá làng Kính Chủ đã sản xuất biết bao công trình và sản phẩm bằng đá, trong đó có những sản phẩm trở thành di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc, đặc biệt là hàng vạn bia ký - những trang sử bằng đá vô cùng quý báu còn lưu lại đến nay.
Trải qua hơn 500 năm lịch sử, người dân nơi đây vẫn miệt mài giữ nghề truyền thống của cha ông. Hiện nay, ngoài chế tác văn hoa cho các công trình văn hóa, đình chùa, lăng mộ, người làng nghề Kính Chủ còn chạm khắc tạo ra các con giống, tượng đá và nhiều loại sản phẩm khác.
Theo thời gian, trước sự mở cửa của nền kinh tế thị trường, nghề chạm khắc đá cũng có nhiều thay đổi. Thay vì phải lên núi để lựa chọn đá như trước đây, người làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ đã tìm được những đối tác cung cấp nguyên liệu ổn định từ Thanh Hóa. Các phiến đá đã được đối tác sơ chế nhẵn nhụi nên người làm nghề cũng bớt vất vả.
Xưa kia, các công đoạn chạm khắc đều được làm thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động của người thợ; dụng cụ, trang thiết bị còn thô sơ nên làm các công đoạn rất vất vả, người thợ phải tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, khí độc. Ngày nay, trong sản xuất, những công nghệ hiện đại như máy CNC, hay công nghệ 3D đang dần thay thế những công đoạn thủ công truyền thống và phần nào giảm bớt sức lao động cho người thợ.
Là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghề chạm khắc đá, anh Trần Văn Phú luôn tìm tòi học hỏi, không ngừng nâng cao tay nghề với mong muốn tạo ra được những sản phẩm chất lượng. Trước thời đại khoa học, công nghệ phát triển, tận dụng lợi thế của một người trẻ, anh đã tìm hiểu và ứng dụng những phần mềm đồ họa, thiết kế 3D vào quá trình sản xuất để tạo nên những hoa văn, họa tiết mới mẻ và sinh động. Việc sử dụng thiết kế 3D giúp người thợ có thể vẽ được những họa tiết hoa văn nhiều chi tiết với mức độ khó cao.
Dù đã có máy móc góp sức để tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, sắc nét, khác biệt thì tất cả đều phải phụ thuộc vào bàn tay, khối óc và trái tim của người thợ đá Kính Chủ.
Những phiến đá vô tri, thô cứng qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ Kính Chủ đã được khoác lên mình tấm áo mới với những hoa văn ấn tượng, uốn lượn, mềm mại và bay bổng. Có lẽ phải thật sự say mê và yêu nghề thì những người nghệ nhân mới cho ra đời những tác phẩm tinh tế và mang nhiều giá trị nghệ thuật đến như vậy.
Ngày nay, làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ cũng không nằm ngoài sự biến động của các làng nghề truyền thống. Để đào tạo được một người thợ lành nghề cũng phải mất từ 3 tháng đến 2 năm. Thêm vào đó, công việc lại nặng nhọc khiến nhiều người trẻ cũng không mấy mặn mà với nghề truyền thống.
Người dân Kính Chủ chịu thương chịu khó, họ không chỉ sản xuất tiếp nối những mẫu mã mà cha ông để lại mà còn tìm tòi sáng tạo ngày một nhiều hơn những dòng sản phẩm với các hình thức thể hiện khác nhau. Bởi thế mà làng nghề dù trải qua hàng trăm năm vẫn ngày càng phát triển và thịnh vượng, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương. Để làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ không bị mai một, thời gian tới các cơ quan chuyên môn cần tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân địa phương góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm tác động của làng nghề với con người như: môi trường, tiếng ồn...
Đến với làng chạm khắc đá Kính Chủ, du khách đừng quên ghé thăm một địa danh nổi tiếng của mảnh đất Kinh Môn đó là Động Kính Chủ. Động Kính Chủ nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ- Kính Chủ- Nhẫm Dương. Nét độc đáo nhất ở Động Kính Chủ là Bảo vật quốc gia- hệ thống bia ma nhai. Tất cả bia ở đây đều được khắc trên vách đá với 54 tấm bia - hang động có số bia có nhiều nhất trong các hang động ở Việt Nam. Có bia ở thấp. Có bia ở cao. Lại có bia chót vót trên vòm động. Các văn bia đều có niên đại chính xác từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX, đến nay nét chữ vẫn còn nguyên vẹn, không bị mưa nắng bào mòn. Tác giả của những văn bia cũng rất đa dạng: từ nhà Vua đến quan Đại Thần; từ quan Phủ, quan huyện đến du sĩ, giáo học cho đến chức dịch địa phương. Tất cả đều do bàn tay tài hoa của người thợ đá Kính Chủ chạm khắc. Những nét chữ rất nhỏ, mềm mại, sắc cạnh; Những họa tiết trang trí như rồng uốn, hoa leo, chim đậu cùng các đường triện phức tạp và tinh xảo khiến ta ngạc nhiên và vô cùng thán phục. Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho những sản phẩm đã chế tác của các nghệ nhân Kính Chủ.
Trải qua hàng trăm năm với nhiều bước thăng trầm của lịch sử nhưng dường như ngọn lửa đam mê đối với nghề chạm khắc đá luôn cháy mãi đối với nhiều thế hệ những người thợ đá Kính Chủ. Và mỗi một sản phẩm đá mỹ nghệ lại thể hiện sự tài tình của các nghệ nhân. Các sản phẩm tuy mang những ý nghĩa khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt.
Nằm cách thành phố Hải Dương gần 30km, làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở Hải Dương.
Đến đây, du khách có thể ghé thăm di tích quốc gia đặc biệt - quần thể danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn được biết đến với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa, là niềm tự hào của tỉnh Hải Dương - mảnh đất xứ Đông văn hiến.
Thực hiện: Hải Hà - Ngọc Lệ - Hoàng Thuyên