Chuyện từ xưa kể lại, có cánh đồng nhiều ao để lấy nước tưới bỗng một năm hạn hán lớn khiến cá tôm phơi xác, chim chóc trốn biệt đi nơi khác. Đồng bãi quạnh vắng, chỉ có gió Nam thổi mù mịt đất cát, nhưng rất lạ sau một đêm ngủ dậy, người ta thấy diệc bay kín trời. Trời đang nắng to bỗng tối sầm lại, giông tố nổi lên, rồi mưa ào ào xuống.
Mưa tưới đồng ruộng, ao hồ đầy nước, người dân trong vùng kéo nhau nhau ra đồng thì ngạc nhiên thấy hàng trăm con diệc nằm chết la liệt. Người dân cho rằng, đàn diệc này do trời phái xuống để làm mưa. Họ thu nhặt xác diệc lại và đắp thành một cái gò nhỏ. Từ đó, người ta thấy, vào ban đêm đàn diệc hiện ra từ gò rồi bay lên trời. Người dân trong vùng bèn xây trên gò đất một ngôi chùa, đặt tên là chùa Diệc.
Vị trí chùa lấy núi Hồng Lĩnh làm tiền án và sông Lam làm minh đường. Chùa Diệc không chỉ là nơi chiêm bái của người dân mà Chùa cũng đã từng là trung tâm Phật giáo, là nơi chốn tu hành của nhiều bậc cao tăng thạc đức của Phật Giáo Việt Nam ở xứ Nghệ thời xa xưa.
Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều hoạt động của các bậc tiền bối cách mạng một thuở của Thành Vinh khói lửa và anh hùng. Đặc biệt, chùa là nơi lưu giữ bản chép tay bằng chữ Nôm “Văn chiêu hồn” nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du…
Đặc biệt, Diệc cổ tự đây còn là ngôi chùa được ban sắc tứ còn lại duy nhất trên mảnh đất Nghệ An.
Xem lại: Cần Linh cổ tự - Dấu xưa tích cũ