Về làng tráng bánh đa trăm tuổi ở xứ Nghệ
Là vùng đất ven biển xứ Nghệ, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An không chỉ phát triển nghề khai thác, đánh bắt thủy sản mà người dân ở đây còn có nghề làm bánh đa truyền thống cả trăm tuổi.
Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng tới tối khuya, người dân xã Diễn Ngọc cần mẫn nối nghề làm bánh đa của cha ông. Những chiếc bánh, còn được người dân địa phương gọi là bánh khô, được làm hoàn toàn thủ công dưới sự khéo léo đôi bàn tay và tình yêu của người làm nghề.
Mỗi chiếc bánh đa tròn trịa mang hương vị của vùng đất quê hương. Đó là hương vị đượm nồng của thứ gạo quê hay những hạt vừng trắng, vừng đen được kết tinh qua bao nắng mưa, sương gió của đất trời. Đó còn là vị đậm đà của muối, vị thơm của tỏi, vị ngọt của đường. Tất cả những nguyên liệu địa phương được hòa quyện cùng sự sáng tạo của con người đã tạo nên thứ bánh dân dã, mộc mạc, đơn giản mà tạo nên hương vị riêng cho đặc sản vùng đất này.
Đến Diễn Ngọc, hình ảnh những người đàn ông sức dài vai rộng ngồi tráng bánh đa một cách khéo léo lại không hề lạ bởi dù chỉ là tráng những chiếc bánh xinh xinh nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai để có thể làm nhiều giờ bên chiếc lò nóng đỏ.
Từ thau bột đã được xay mịn từ gạo khang dân, thứ gạo tẻ có tính chất cứng và kết hợp với các nguyên liệu tỏi, muối, đường, từng chiếc bánh lần lượt được tráng thành hình tròn rồi được rắc phủ đầy vừng.
Bánh sau khi tráng xong, được xếp lên phên và được đem phơi nắng cho khô khoảng 2-3 tiếng. Từng phên bánh được xếp thành hàng để được hong khô dưới ánh nắng tự nhiên để trở thành sản phẩm được đưa ra thị trường. Tùy vào yêu cầu của mỗi nơi nhập hàng, sản phẩm bánh đa còn được nướng sẵn dưới than hoa. Khâu nướng bánh cần phải đảm bảo nướng đều tay sao cho bánh giòn đều, dậy mùi thơm và giữ được độ giòn.
Chỉ cần nhìn những chiếc bánh đa được nướng giòn, thơm phức đủ khiến mỗi chúng ta nhớ tới kí ức tuổi thơ xưa.
Nhịp sống ở Diễn Ngọc sôi động hơn khi nghề tráng bánh ram ngày càng được mở rộng và phát triển với sự đầu tư máy móc của nhiều hộ gia đình. Từ tráng thủ công với vài chục cân gạo một ngày, thì nay tráng máy có thể tráng vài tạ gạo. Tốc độ sản xuất bằng máy giúp cho ra số lượng lớn sản phẩm cũng như ổn định chất lượng giúp cung ứng được tới nhiều thị trường lớn trong nước.
Cuộc sống của bà con nơi đây ngày một khá giả nhờ chịu khó lao động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nghề truyền thống.
Khắp đường làng ngõ xóm đều bắt gặp những hàng phên bánh được phơi nối tiếp nhau dài tăm tắp. Mỗi lớp bánh được hong dưới nắng để dần khô lại nhưng vừa đủ độ dẻo và giữ được hương vị.
Mỗi chiếc bánh khô tròn tròn nhỏ xinh
Mỗi lớp bánh ram mỏng manh dẻo dai
Mỗi phên bánh quen thuộc với người dân Diễn Ngọc mỗi ngày, để khắp đường làng ngõ xóm đều in dấu hình ảnh quen thuộc của nghề truyền thống, để khắp đường quê luôn đọng lại vẻ đẹp của một nhịp sống làng nghề và tinh hoa nghề Việt còn được gìn giữ và nối dài cho nhiều thế hệ, mang đến nhịp sống đổi thay cho mảnh đất quê hương xứ Nghệ./.
Thực hiện: Việt Hoa - Trọng Đại
Xem lại: Đến Huệ Lai thăm làng chạm bạc
Xem lại: Thổi hồn nét đẹp mộc Hòa Phong