Thế mạnh chưa được khai thác tốt
Đầu tháng 11 vừa qua, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục đón nhận tin vui, khi Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) công bố kết quả bình chọn Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 - khu vực châu Á năm 2020. Cùng với 2 hạng mục khác, ẩm thực Việt Nam lần thứ hai được ghi danh là Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Đây là niềm tự hào của ngành Du lịch cũng như giới đầu bếp Việt Nam, khi đang dần khẳng định tên tuổi ẩm thực Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch Việt Nam giàu tiềm năng phát triển, nhưng có một thứ hấp dẫn chưa được khai thác thật tốt, đó là ẩm thực. “Ẩm thực Việt Nam được báo chí thế giới ca ngợi. Tuy nhiên, cần có định hướng và giải pháp phát triển bài bản để truyền tải nhanh nhất giá trị của ẩm thực Việt Nam ra thế giới”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Hiện vẫn chưa có chiến lược bài bản để lan tỏa giá trị của ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Ảnh: Internet
Đánh giá vai trò của ẩm thực trong việc tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, du khách hiện nay không đơn thuần là ăn no, ăn đủ, mà muốn thưởng thức văn hóa ẩm thực. Món ăn ở từng vùng miền mang giá trị văn hóa riêng, tập hợp lại sẽ tạo nên sự hấp dẫn, thu hút du khách nhiều hơn.
Thực tế, Việt Nam có nhiều món ăn hấp dẫn được truyền thông thế giới đánh giá là “không thể bỏ qua” khi tới dải đất hình chữ S, như: Phở, bún chả, nem, bánh xèo, bánh mì… Theo Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân, ẩm thực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch, cần được nâng tầm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Hiện tại, rất nhiều nhà hàng, khách sạn đã nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, sáng tạo ra những món ăn đạt tiêu chuẩn quốc tế dựa trên nền ẩm thực bình dân vốn có nét thú vị riêng, được thế giới thừa nhận.
“Để nâng tầm ẩm thực Việt Nam, các đầu bếp giữ vai trò quan trọng. Đội ngũ này không chỉ cần có tay nghề chuẩn, mà còn cần thể hiện tính chuyên nghiệp trong sáng tạo, ứng xử”, ông Nguyễn Thường Quân nói.
Tăng tính chuyên nghiệp cho đầu bếp
Theo Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, sự phát triển của hệ thống lưu trú du lịch kéo theo sự tăng trưởng của nhà hàng ăn uống trong các cơ sở lưu trú. Đội ngũ đầu bếp hiện nay tại Việt Nam khá đông đảo với khoảng 30.000 người trong các khách sạn từ 2 sao trở lên, chưa kể hơn 100.000 đầu bếp khác. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đầu bếp tại nhiều nhà hàng, thậm chí là tại khách sạn hạng sang, còn chưa thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng cần thiết.
Về vấn đề này, đầu bếp Phạm Tuấn Hải, giám khảo chương trình “Đầu bếp Việt Nam” (MasterChef) chia sẻ, không ít nhà hàng bỏ công tập huấn kỹ năng cho các đầu bếp, nhưng sau một thời gian ngắn, những đầu bếp này lại “nhảy việc”, gây nhiều khó khăn cho các nhà hàng. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Hà Nội Lê Mai Khanh cho biết, một trong những hạn chế của đầu bếp Việt Nam hiện nay là khả năng giao tiếp với khách còn kém. “Ẩm thực là nghệ thuật. Đầu bếp không chỉ nấu ăn đơn thuần, mà cần phải giới thiệu được sự tinh tế, nét đẹp văn hóa của món ăn đó”, bà Lê Mai Khanh nói.
Bàn về giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp của các đầu bếp, bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, các cơ sở đào tạo đầu bếp ngoài việc đào tạo kỹ thuật nấu ăn, cần hướng dẫn các đầu bếp về tác phong, ứng xử, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp. Còn theo đầu bếp Nguyễn Tuấn Ngọc (nhà hàng Cái Mâm, Hà Nội), các cơ sở ăn uống cần thường xuyên cập nhật thực đơn, xu hướng ẩm thực của thế giới, trên cơ sở đó tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề cho đầu bếp.
Tính chuyên nghiệp của đầu bếp là yếu tố cần được thúc đẩy, tăng cường. Ảnh: Internet
Nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng, tính chuyên nghiệp của các đầu bếp trong hoạt động ẩm thực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội Đầu bếp Việt Nam đã xây dựng tiêu chuẩn chế biến món ăn, phân rõ thành 7 cấp bậc; mỗi cấp bậc có quy định cụ thể về yêu cầu công việc, kỹ năng nghề nghiệp... Hiện nay, dự thảo tiêu chuẩn này đang tiếp tục lấy ý kiến thêm từ các nhà quản lý, hội đầu bếp các địa phương để hoàn chỉnh trước khi áp dụng vào thực tế.
Theo Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân, thời gian tới, khi dự thảo tiêu chuẩn đầu bếp Việt Nam được ban hành và được áp dụng trong thực tế, chắc chắn trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ đầu bếp du lịch Việt Nam sẽ từng bước được nâng cao. Để đạt được cấp bậc theo quy định, các đầu bếp phải học, nâng cao tay nghề tại các tổ chức, cơ sở đào tạo có thẩm quyền để có bằng cấp, giấy chứng nhận theo yêu cầu, đồng thời phải có kinh nghiệm, trình độ, tay nghề thực tế tương ứng với cấp bậc được công nhận.
Theo ông Vũ Thế Bình, muốn Việt Nam trở thành “Bếp ăn thế giới”, các hoạt động liên quan đến ẩm thực cần phải được tổ chức một cách chuyên nghiệp, có tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng để làm “kim chỉ nam” cho các cơ sở đào tạo, cơ sở ăn uống hoạt động hiệu quả, qua đó xây dựng uy tín, thương hiệu riêng cũng như thương hiệu ẩm thực Việt Nam nói chung.
Theo Hà Nội mới