Dân miệt biển ưa nhất là làm gỏi và nấu canh bầu. Cá nhái miệng còn dính lưỡi câu, được cắt phần đầu và lòng để riêng, dùng dao thật bén cắt dọc, lấy nguyên phần thịt theo hai bên thân cá. Phần thịt vừa lọc ra đem ngâm với đá lạnh khoảng 10 phút, cắt bỏ những chỗ dập nát để làm sao miếng cá vuông vức rồi phi lê thành từng miếng nhỏ.
Sau khi thái xong, thịt cá không ngâm đá nhưng vẫn được giữ lạnh. Nếu làm gỏi ăn liền thì dùng một lượng nước chanh đã vắt sẵn ra chén đổ vào ngâm với cá độ 15 phút, đợi cá chuyển sang màu trắng hẳn rồi dùng tay vắt thật khô. Sau đó dùng mắm chanh đường trộn với cá thật đều rồi trộn thêm một lần nữa với hành tây, xoài xanh băm cùng thật nhiều loại rau thơm, đậu phộng rang, trộn bao nhiêu ăn bấy nhiêu.
Nhiều người cho rằng, trong tất cả các loại cá biển làm gỏi, chắc không có loại nào “địch” nổi cá nhái. Ăn gỏi cá này, càng nhiều rau thơm, bánh tráng nướng càng ngon. Độ lành lạnh dai ngọt của cá kết hợp với độ chua cay thơm của gia vị, càng ăn càng thấy ý vị, đậm đà.
Phần còn lại của cá nhái như đầu đuôi xương sống nếu bỏ đi thì quả là lãng phí. Ngư dân bèn đem nấu canh bầu. Nếu ít người ăn thì chỉ chừng một tô, nhà đông người thì nấu cả xoong nhưng nồi canh vẫn ngọt mềm. Bộ xương cá hợp với kiểu nấu mộc, nghĩa là nấu nước sôi rồi không cần dầu mỡ gì, cho cả phần đầu xương cá đã chuẩn bị vào, cứ thế mà nấu đến khi cá chín rồi nhỏ lửa lại, sau đó cho phần bầu tươi vào, đợi bầu chín nêm gia vị là có một nồi canh như ý.
Nếu món gỏi cá cần có chén nước mắm ngon thì nồi canh bầu cá nhái nhất thiết phải có chén muối ớt tươi cay thì bữa ăn mới đậm đà.
Theo thanhnien.vn