Ẩm thực

Gợi ý 7 đặc sản "đậm vị" miền Tây, giá cực bình dân, đảm bảo ai xem xong cũng muốn mua ngay về làm quà năm mới

16:48 - 26/01/2021
Những đặc sản miền Tây này mà làm quà biếu Tết phải nói là quá hợp lí luôn.

Quanh đi quẩn lại thì chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán. Và cũng như thường lệ, mua gì làm quà đầu năm mới là câu hỏi của không ít người. Nếu như quà tết mọi năm vẫn là những món quá "quen mặt" như rượu vang, bánh kẹo, các loại mứt,… thì năm nay hãy thử đổi gió sang những loại đặc sản miền Tây, xem chừng người được tặng lại thích mê đấy chứ. Cùng xem list các món nức tiếng dưới đây và chọn ra vài món làm quà Tết nhé!

Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh)

Mỗi dịp Tết về, nếu miền Bắc không thể thiếu bánh chưng thì miền Tây Nam Bộ nhất định phải có bánh tét. Trong vô số loại bánh tét hiện nay, thì bánh tét Trà Cuôn của Trà Vinh được chọn làm quà Tết nhiều nhất. Dù vẫn giữ nguyên hình dáng và cách gói tương tự như các loại bánh tét của miền Nam nhưng bánh tét Trà Cuôn có cách chế biến vỏ và nhân bánh theo một công thức riêng.

Ảnh: Đảo đặc sản

Bánh tét đúng chuẩn Trà Cuôn đòi hỏi người nấu phải tỉ mỉ qua từng công đoạn. Điểm khác biệt của bánh tét này là được làm bằng nếp sáp Trà Vinh chính gốc. Vỏ của bánh tét Trà Cuôn thường có nhiều màu sắc do phần nếp được trộn với nước rau ngót hay các loại nước ép từ rau củ để để tạo màu và mùi thơm tự nhiên. Phần nhân bánh được nấu từ thịt heo nạc trộn với thịt mỡ. Ngoài ra, trong thành phần nhân còn có đậu xanh, trứng vịt muối. Tất cả tạo nên món bánh với hương vị độc đáo, đầy niềm tự hào của người dân Trà Vinh.

Ảnh: Hạnh Trương, Thoảng Huỳnh

Mứt dừa (Bến Tre)

Năm nào mà trên bàn tiếp khách thiếu đi khay mứt thì không khí ngày Tết cổ truyền cũng không còn trọn vẹn. Không biết từ bao giờ, cứ Tết đến là nhà nào cũng sắm cho mình dăm ba loại mứt để tiếp khách đến chơi.

Ảnh: @momsince2018

Thường thì từng vùng miền sẽ có những loại mứt khác nhau, nhưng được ưa chuộng nhất có lẽ là mứt dừa. Vì loại mứt này dễ tìm nguyên liệu, dễ chế biến, hầu như ai cũng có thể làm được. Chỉ cần sên dừa non thái sợi cùng nước đường và một ít nước ép rau củ để tạo màu trên bếp đến khi đường cô đặc lại là đã có một món mứt thành phẩm với hương vị thơm ngon, đến trẻ con cũng thích. Chẳng những thế, mứt dừa còn rất dễ bảo quản nên càng được nhiều người chọn mua làm quà biếu Tết hay các dịp lễ, chạp...

Ảnh: @hnt.c.am

Bánh pía (Sóc Trăng)

Đây chính là loại bánh có tên tuổi "nổi cộm" nhất của đất Sóc Trăng. Hầu như ai đến đây đều mua ít nhất 1 đến 2 túi bánh pía về tặng người thân và bạn bè. Không chỉ dùng để làm quà thôi đâu mà người ta còn hay mua bánh pía về nhâm nhi hoặc dâng cúng gia tiên vào mỗi dịp Tết nữa.

Ảnh: @litivivu, @vidianmart

Bánh pía có kết cấu nhiều lớp và vỏ bánh thường mềm, khi bẻ đôi bên trong là phần nhân thơm lừng. Nhân bánh có nhiều loại, phổ biến nhất là nhân khoai môn, đậu xanh và sầu riêng. Bánh pía là sự kết hợp của nhiều vị khác nhau, từ vị ngọt bùi của đậu xanh, khoai môn, vị béo của mỡ thái sợi cho đến vị mằn mặn của trứng muối. Khi ăn bánh pía thì nên uống kèm với một cốc trà nóng, combo này thật sự là "đỉnh của chóp" đấy.

Ảnh: @hmup.mlemmm, @okako_dayo

Nem Lai Vung (Đồng Tháp)

Nếu như xứ nẫu Bình Định có nem Chợ Huyện, Hà Nội có nem Phùng nổi tiếng thì miền Tây cũng không kém cạnh khi có nem Lai Vung đặc sản. Đây là món quà ý nghĩa trong năm mới, bởi nem thường xuyên được ăn kèm với các loại chả và dưa chua trong mâm cơm giao thừa.

Ảnh: @hacooking1468

Tương tự như các loại nem khác, nem Lai Vung cũng được làm từ thịt và bì heo, trộn với thính, tỏi lát, tiêu nguyên hạt, sau đó gói trong những lớp lá chuối xanh. Nhưng khác ở chỗ nem Lai Vung lại nghiêng nhiều hơn về vị ngọt thanh, dịu nhẹ. Nem Lai Vung khi chế biến cũng đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn và phải ủ từ 3-4 ngày để lên men mới có thể dùng được. Khi thưởng thức, phần nem đỏ hồng kết hợp cùng đủ vị chua cay mặn ngọt, thêm cái giòn sần sật của bì, mua về vừa ăn vừa làm quà biếu Tết thì quá tiện lợi luôn.

Ảnh: @angibando

Dưa hấu (Long An)

Trong mâm cơm Tết của người Việt, dưa hấu là loại trái cây không thể nào "vắng mặt". Mặc dù vẫn có thể thay thế bằng một loại trái cây khác, nhưng thiếu đi dưa hấu thì mâm cơm lại giảm đi một phần không khí Tết. Sở dĩ, dưa hấu được nhiều người ưa chuộng dịp Tết vì có ruột đỏ au, hạt nhỏ hoặc không hạt, ăn vào ngọt thanh và mọng nước, vô cùng thích hợp để giải nhiệt và tráng miệng với những ngày nắng đầu năm.

Ảnh: @meque, @green_pig1901

Tôm khô (Cà Mau)

Nói về đặc sản Cà Mau, bên cạnh cua và bánh phồng, thì tôm khô cũng là gợi ý vô cùng hay ho cho nhu cầu mua quà về biếu, tặng người thân. Tôm khô ở Cà Mau đa số được làm bằng tôm đất sống nên luôn giữ được độ ngọt tự nhiên và một màu đỏ cam đẹp mắt. Hơn nữa, tôm khô dễ bảo quản, dùng được lâu và còn thuận tiện cho việc mang đi xa. Chẳng phải là quá hợp lí để đưa vào giỏ quà Tết hay sao?

Ảnh: @dacsanmientay

Lạp Xưởng Cần Đước (Long An)

Đến hẹn lại lên, vào những ngày giáp Tết, nhà nhà lại tìm mua lạp xưởng ngon để làm mâm cơm cúng tổ tiên, làm các món ăn ngon đãi khách trong những ngày đầu năm.

Ảnh: @quaquengon

Lạp xưởng thường được làm từ các nguyên liệu như thịt heo, mỡ heo, ngũ vị hương, rượu mai quế lộ trộn chung với nhiều gia vị, sau đó đem phơi trực tiếp dưới nắng đến khi ráo mặt. Nhưng riêng lạp xưởng Cần Đước thì lại nổi bật hơn cả vì lượng nạc nhiều, mỡ ít, những đốm mỡ lấm tấm khi đem chiên hoặc nướng ít tan chảy, ăn nhiều cũng không bị ngán.

Ảnh: @plus.84.food

Hiện nay, lạp xưởng có rất nhiều loại như lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng nạc. Ngoài những lạp xưởng làm từ thịt heo, cũng có những loại làm từ tôm, cá hoặc bò. Lạp xưởng có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như luộc, chiên hay nướng đều rất ngon. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là chiên bằng nước. Vì không dùng dầu nên món ăn sẽ giữ được nguyên vẹn hương vị và tốt cho sức khỏe.

Theo Báo Tổ quốc


Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV