Ẩm thực

Tây Bắc mùa quả núc nác

16:49 - 26/08/2021
Núc nác là một loại cây rừng có quả, thường mọc ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc. Ngoài là một vị thuốc được dùng trong dân gian, với rất nhiều công dụng, quả núc nác còn được đồng bào Thái Tây Bắc chế biến thành những món ăn khoái khẩu.

Quả núc nác được người Thái các tỉnh Tây Bắc gọi chung là "lịn ấng ca" hay "mák ấng ca". Quả núc nác dẹt và cong, có độ dài tầm 40-80cm, rộng 5-7cm, chủ yếu quả đậu vào mùa mưa. Từ quả núc nác, đồng bào Thái đã chế biến ra nhiều món ăn vừa dân giã, lại thơm ngon, lạ miệng.

Cây núc nác mộc ở đồi rừng Tây Bắc

Vào mùa núc nác, thường từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch, tức là mùa mưa ở Tây Bắc, bà con lên rừng lấy quả núc nác về đem đốt lên trên than củi, cho hơi cháy phồng đều phần ngoài, sau đó dùng dao gọt hết phần cháy xém, rửa sạch sẽ, rồi đem thái ngang quả thành từng miếng nhỏ bằng ngón tay. 

Núc nác được nướng trên than củi trước khi chế biến

Núc nác được ăn gém với lá chát, lá lốt, lá gừng chấm chẳm chéo (loại nước chấm được giã kết hợp từ nhiều loại gia vị của người Thái) rất ngon, vừa có vị hơi đăng đắng của quả núc nác, hòa cùng vị ngọt chát của lá gém, nồng cay của vị chẳm chéo, ai đã từng ăn khó mà quên được.

Ngoài ra, núc nác còn có thể làm nộm như nộm rau, luộc chấm, xào với thịt trâu, thịt bò cũng có hương vị đậm đà riêng. Bà Tòng Thị Biên, người dân ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết, thời điểm ngon nhất là lúc núc nác dài được khoảng 40-60cm, nếu quả già quá sẽ có nhiều sơ, ăn hơi dai. Cách chế biến sẽ tùy theo khẩu vị, sở thích của mỗi người.

“Có người thì thích ăn nộm, nhưng nộm cũng phải nướng trước thì nó mới thơm. Có người lại luộc cho chín, rồi đem thái miếng, trộn với gia vị mắm muối, mì chính, rau thơm, gừng, xả, tỏi, ớt, lá chát, rắc vừng lạc như nộm rau. Núc nác còn có thể luộc chấm, hoặc thái mỏng xào với thịt trâu, thịt bò cũng có hương vị đậm đà riêng, ăn rất ngon, nói chung quả núc nác chế biến được nhiều món và ai cũng thích ăn”, bà Biên chia sẻ.

Món nộm núc nác

Theo nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay, không chỉ lên rừng hái quả núc nác, mà bà con người Thái Tây Bắc còn tìm cây núc nác mang về trồng tại các khu đất vườn gần nhà để có quả ăn, vì cây dễ trồng có khả năng chịu hạn, chịu nóng tốt. 

Ngoài để phục vụ bữa ăn gia đình, bà con còn đem bán quả núc nác, với giá bán dao động từ 20.000-30.000 đồng một quả tùy theo quả to, nhỏ, dài, ngắn, non, già… Tuy nhiên, không phải mùa nào, cây nào cũng đậu quả, có lúc không có núc nác để bán. Vì thế vào mùa núc nác, nhiều gia đình đã có nguồn thu từ loại quả này. 

Quả núc nác

Theo bà Quàng Thị Liên, người chuyên bán hàng quả núc nác ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La: “Trước đây, quả núc nác không ai mua bán gì cả, bà con vùng cao chỉ để ăn thôi. Nhưng bây giờ nhiều người rất thích ăn, nên bà con ở các bản đã biết đem núc nác ra bán. Vào mùa núc nác như bây giờ, tôi thường mua gom để ngồi bán buôn tại chợ nông sản, bình quân mỗi ngày bán được từ 20 đến 30 quả, có ngày bán được nhiều nhất cũng đến 40-50 quả”.-Bà Liên nói.

Vào mùa quả núc nác, nếu có dịp lên với vùng cao Tây Bắc, du khách sẽ thấy núc nác được bày bán nhiều ở các điểm chợ vùng cao. Đặc biệt, nếu không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì tại các nhà hàng kinh doanh các món ẩm thực dân tộc, du khách cũng sẽ được thưởng thức nhiều món ăn dân dã đặc trưng, trong đó có các món ăn được chế biến từ quả núc nác.

Núc nác thái miếng ăn ghém với lá chát, chấm chẳm chéo

Anh Nguyễn Văn Lương, quê Hà Tĩnh, hiện đang công tác tại Sơn La cho biết: “Lên Sơn La, tôi thấy có rất nhiều món ăn dân tộc, với nhiều loại rau măng củ quả được bày bán ở chợ, trong đó có quả núc nác thấy bà con hay mua về ăn. Bản thân tôi cũng đã có dịp được ăn quả núc nác do bà con chế biến, nó có vị hơi đắng, nhưng ăn với lá gém lại thấy ngon, lạ miệng mà trước đây ở quê, tôi chưa bao giờ được ăn món này”.

Tây Bắc đang vào chính mùa đậu quả núc nác. Trên mâm cơm của các gia đình người Thái, những món ăn dân giã từ quả núc nác được chế biến từ đôi bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, sẽ làm ẩm thực của đồng bào thêm độc đáo, riêng có.

Tòng Đức Anh/VOV Tây Bắc

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV