1. Gỏi cá trích
Đĩa gỏi cá trích mới được mang ra dễ khiến người ăn lúng túng vì bên trên phủ toàn dừa nạo trắng muốt. Thực khách sau đó phải trộn đều lên mới nhận rõ tầng sâu hấp dẫn với những miếng thịt cá tươi rói, rau thơm, đậu phộng ngon mùi, hành tây, ớt tươi. Gỏi cá trích được phục vụ kèm bánh tráng, xà lách, dưa leo, rau thơm.
2. Nấm tràm
Luộc gà rồi cho nấm tràm vào nấu với nước gà luộc là món đơn giản và giữ được vị nguyên của nấm nhất. Nấm tràm giòn xốp, không chỉ ngọt ngon mà còn có vị đăng đắng đặc trưng. Người ta nghiện nấm tràm khó quên được món ngon cũng là do cái đắng nhẹ khó hiểu này của nó. Ngoài ra, chả cá viên nấu với nấm, nấm nấu tôm… món nào cũng ngon và ấn tượng.
3. Bánh canh ghẹ chả
Tô bánh canh ghẹ bưng ra dễ làm người ăn ngạc nhiên vì chỉ thấy ghẹ với chả, bánh canh trắng nằm phía bên dưới khiêm nhường. Nước lèo từ tôm khô, thịt, xương heo lại được cho thêm đầu cá thu lấy khi tàu vừa cập bến thơm, ngọt, mặn mà lại rất thanh. Còn chả cá chế biến bằng thịt cá thu vừa dai, vừa giòn, vừa đậm đà. Một tô thôi nhưng trong đó tập hợp đủ vị biển làm say lòng thực khách mê hải sản.
4. Bún cá Rạch Giá
Bún cá là món ăn đặc trưng và được ưa chuộng ở miền Tây sông nước. Tại Kiên Giang, món ăn dân dã này lại được ăn cùng tép tươi. Món ăn này được bày bán ở nhiều nơi, nhưng ngon nhất vẫn là những quán nổi tiếng nằm trên đường Hàm Nghi hay Mạc Cửu ở thành phố Rạch Giá. Thực khách có thể gọi thêm đầu cá lóc để ăn thêm.
5. Bún kèn Hà Tiên
Bún kèn là món ăn rất riêng của ẩm thực Hà Tiên với cách chế biến cầu kỳ, nhiều công đoạn. Để thực khách có thể cảm nhận được vị ngon của cá, đậm đà của dừa tươi trong nước dùng hay các loại rau giá, dưa leo ăn cùng, người đầu bếp phải rất cẩn thận trong khâu làm cá, nấu nước lèo. Tô bún khi được bày biện thường rất bắt mắt với một lớp tôm khô giã nhuyễn rắc lên trên cùng các loại rau thơm.
6. Xôi xiêm
Sở dĩ gọi là xôi xiêm vì được làm từ nếp Thái Lan, được vận chuyển theo đường biên giới Campuchia. Nhân xôi gồm có trứng gà ta, đánh cho nổi lên rồi lấy nước dừa xiêm, ướp đường Thốt Nốt và đường cát Thái Lan. Thường thì lá dứa, một loại lá thơm được cho vào trong nồi nước nấu. Chính nhờ loại nguyên liệu này mà xôi ngoài vị thơm ngọt, béo ngậy còn có một mùi thơm rất lạ.
7. Bánh ống lá dứa
Bánh ống vốn là món ăn vặt của người Khmer nhưng đã tồn tại như một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân miền sông nước. Sở dĩ có tên bánh ống là do khuôn làm bánh hình trụ, dài khoảng 10-15 cm. Nguyên liệu làm bánh ống có sự khác biệt giữa các tỉnh, tuy nhiên, các thành phần chính vẫn là bột gạo nếp, dừa nạo, lá dứa và vừng.
8. Cơm ghẹ Phú Quốc
Thực chất món cơm ghẹ này chỉ là món cơm trộn và xào đã được cách điệu từ món cơm trắng hàng ngày của người nông dân. Thành phần chính của cơm xào ghẹ Phú Quốc là cơm trắng, thịt ghẹ bóc sẵn, hành tây xắt lát mỏng, tỏi, ít tương cà vàng, dầu ăn. Cơm khi xào xong được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn, rau tươi, cà chua xắt lát dùng với nước mắm pha chế sẵn.
9. Gỏi sò lông hoa chuối
Những con sò lông béo ngậy màu vàng cam được trộn cùng thịt ba chỉ, hoa chuối thái nhỏ, rau răm hay lạc giã lẫn trong nước sốt chua ngọt tạo nên món gỏi kích thích vị giác. Món ăn này sẽ không dậy vị nếu thiếu rau răm xắt nhuyễn và vài lát hành tây được ngâm giấm đường. Sau khi đổ các nguyên liệu này ra đĩa, chủ quán nhanh tay rắc thêm chút lạc rang giã nhỏ lên trên, bưng ra mời thực khách.
10. Cà xỉu
Cà xỉu có thể khiến bạn 'xỉu' khi lần đầu thưởng thức, bởi loại đặc sản này nhìn giống con côn trùng với cái râu thật dài và to. Cà xỉu muối buổi sáng có thể buổi chiều ăn được hoặc để trong hũ dùng dần quanh năm. Khi ăn tách lớp vỏ bên ngoài chỉ ăn thịt bên trong. Cà xỉu ngon bổ nhất là phần râu (tốt cho sinh lực của nam giới).