Đây cũng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, nơi ghi dấu căn cứ của Huyện uỷ Hà Tiên, là điểm dừng chân và hợp đồng tác chiến của lực lượng chủ lực từ miền Bắc chi viện vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đồng thời còn là nơi thành lập Đảng Cộng sản Campuchia. Trong hai cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từng mở nhiều cuộc càn quét quy mô lớn hòng huỷ diệt Mo So nhưng quân ta đã tận dụng địa bàn hang động hiểm trở lần lượt đánh bại kẻ thù.
Một vùng rừng núi hiểm trở, hoang sơ
Mo So là trái núi nhỏ nằm trong hệ Chung Sơn, cách Hà Tiên 27 km về phía Tây Nam, cách Hòn Chông 5 km về phía Bắc. Trước đây, vùng Mo So dân cư thưa thớt, núi rừng hoang vu, đường vào khó khăn hiểm trở. Trên đường vào Mo So ta bắt gặp vô số loại hang chân sóng do xa xưa đất đai lún sụt, nước biển tràn vào đất liền, tạo nên vùng biển cạn. Rồi mặt nước hạ thấp dần thay thế vào đó là phù sa bồi đắp. Mực nước thời ấy cao hơn mặt đất hiện nay vài ba mét đã cùng sóng biển xâm thực vào chân núi đá vôi. Sự tác động kéo dài theo thời gian xoáy sâu vào núi hoặc trổ hướng thông nhau, hình thành hang chân sóng.
Từ ngày kết thúc chiến tranh đến nay, di tích Mo So vẫn còn nguyên vẹn và càng trở lại gần gũi với thiên nhiên hơn. Đó là cảnh rừng tràm hoang dã, đầm lầy nước phèn bao bọc Mo So, lau sậy cỏ cây mọc um tùm. Vết bom đạn hằn sâu trên mặt đất cũng còn nguyên vẹn từ thời chiến tranh. Trên núi cây cối xanh tươi. Vách núi có nhiều thớ đá trắng và đá tai mèo sắc nhọn nên tuy núi không cao mà khó lên tới đỉnh.
Nhắc đến phong cảnh Mo So là nhắc đến một hệ thống hang động kỳ thú, ẩn hiện giữa một vùng núi non trùng điệp. Núi Mo So có trên 20 hang lớn nhỏ được đặt các tên như: Hang Huyện uỷ, hang Huyện đội, hang Quân y, hang Xưởng, hang Kinh tài, hang Điện đài, hang Nước, hang Văn hoá - Thông tin, hang Pháo binh vv… Những hang lớn có sức chứa hàng ngàn người. Nó vừa bí hiểm, vừa đẹp, vừa tạo được lợi thế chiến đấu mà trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Hang huyện uỷ khoét sâu vào núi tạo thành nhiều động, nhiều ngõ ngách, nền bằng phẳng khô ráo. Chiều sâu 30 mét, cao trung bình 15 mét, rộng trung bình 17 mét, chiều dài 40 mét. Hang có suối nước ngầm quanh năm. Vách hang có rất nhiều thạch nhũ, đá và thạch nhũ tạo nên những hình tượng đẹp và lạ. Trong hang có những phiến đá bằng phẳng, nhẵn nhụi.
Hang quân y Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là trạm quân y của tỉnh, có lúc hàng trăm thương binh, bệnh binh nằm điều trị trong một hang. Hang có chiều dài 200 mét, chiều rộng trung bình 20 mét, chiều cao cũng 20 mét. Hang đá sâu, ngoằn ngoèo. Có những luồng sáng nhờ các khe hở thông lên núi Mo So và có những hang tối mịt mùng, đi lại phải dùng đuốc. Trong hang có nhiều nước ngọt. Nước ngọt chảy thành dòng hoặc đọng lại thành vũng, cung cấp cho bộ đội ta sống trong hang lâu ngày thời kháng chiến.
Hang Động Nước, là một hang độc đáo, đồ sộ nhất Mo So. Động có chiều sâu hun hút, mở rộng dần đến trên 20 mét. Lan toả trong lòng hang dòng suối mát lạnh, bắt nguồn từ mạch nước ngầm. Tham quan động tốt nhất là đi vào mùa khô, tuy phải xắn quần lội suối nhưng mới thật thú vị, nếu đi vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, đi lại có phần khó khăn vì phải dùng thuyền ba lá. Thỉnh thoảng gặp trên đường vài con dơi lẻ đàn nghe động tung cánh lượn qua lại dưới luồng sáng dịu dàng của Giếng Trời khiến cảnh vật thêm lung linh huyền bí. Đâu đó ẩn hiện sau làn sương mờ ảo những cụm thạch nhũ tạo hình đẹp và độc đáo đến ngỡ ngàng. Song gây ấn tượng mạnh mẽ là hình ảnh bộ rễ cây mềm mại từ đỉnh núi lơ thơ thả xuống lòng hang, nó vẫn phát triển sau khi xuyên qua thạch nhũ cứng rắn và sống được trên nền đá ẩm ướt.
Hang Binh công xưởng rộng và sâu, là hang đẹp và cũng gợi nhiều ấn tượng. Hang được tạo bởi những tảng đá vôi ăn sâu vào núi tạo thành động có nhiều ngõ ngách, nền hang có nhiều nước. Cửa chính rộng 20 mét, cao 6 mét. Cửa phía sau rộng 25 mét, cao 4 mét. Chiều dài 50 mét, rộng 10 mét, chiều cao trung bình 20 mét. Chiều sâu 30 mét (từ trần hang đến mặt đất tự nhiên). Trong chiến tranh đây là nơi sản xuất vũ khí tự tạo và sửa chữa các loại trang bị kỹ thuật. Có một miệng hang được các chiến sỹ ta gọi là hang Tứ Phương đã bị bom đạn làm nổ tung, nhiều chiến sỹ ta anh dũng hy sinh trong đó, thây vùi trong cát đá. Tinh thần và ý chí chiến đấu của chiến sỹ cho tới nay vẫn còn in trên các vách núi mà chiến sỹ ta đã dùng sơn để viết như: “Trung thành vô hạn”, “Anh dũng tuyệt vời”, “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”…
Nhìn lại Mo So, thấy hang nào cũng có nhiều chỗ trú ẩn an toàn, rất thông thoáng, có sức chứa từ một đại đội trở lên. Các hiện vật trong di tích hiện nay không còn, nhưng theo một số người dân cho biết, nếu đi sâu vào các hang có thể còn tìm kiếm được những đồ bằng sắt, bằng gỗ do lực lượng sản xuất và chiến đấu để lại.
Ở giữa núi Mo So có lòng chảo rộng lớn diện tích 2500 mét vuông, đất bằng mênh mông, có trời mây lồng lộng và vách núi lô nhô bao bọc giống hệt đấu trường giác đấu thời trung cổ. Vùng thung lũng này trước kia là rừng tràm bị địch ném bom thành bình địa. Sau khi “mạo hiểm” trèo núi hay vượt qua các hang động, du khách sẽ rất thích thú với việc cắm trại dã ngoại dưới tán cây rừng xum xuê, mát rượi. Bạn có thể mắc võng ngả lưng ở bất kể chỗ nào bạn thích, để nằm nghe tiếng chim hót véo von, tiếng suối đâu đó róc rách vọng lại thật êm đềm và sảng khoái. Các nhà nhiếp ảnh khi nhắc đến Mo So thường rất thích thú chụp hình đàn sếu đầu đỏ mấy trăm con bay về ăn, đậu và sinh sôi tại vùng rừng núi hoang sơ này.
Nơi in dấu chiến công thời kháng chiến chống Pháp
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp núp sau quân đội Anh thực hiện âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Ngày 22/1/1946 chúng từ Campốt và Châu Đốc tấn công vào Hà Tiên. Thực hiện chủ trương “Vườn không, nhà trống” nhân dân Hà Tiên đã tản cư. Toàn bộ cơ quan và lực lượng võ trang tỉnh rút sang vùng đồi núi để lập phòng tuyến mới. Công binh xưởng quân khu 9, công binh xưởng 140 của quân tình nguyện Campuchia, Công an xưởng của Hà Tiên đều chọn Mo So làm nơi đóng quân.
Năm 1951 địch tăng cường bình định Hà Tiên, chúng tăng quân càn quét, dùng máy bay bắn phá, tiến hành chiến tranh tâm lý. Đứng trước tình hình này, Binh công xưởng 18 Hà Tiên đổi tên thành Binh công xưởng 18 Long Châu Hà. Đây là một xưởng lớn có cả thảy 149 cán bộ, chiến sỹ. Vũ khí sản xuất từ đây phục vụ các đơn vị chiến đấu trên chiến trường Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên và Châu Đốc.
Đầu năm 1951, địch mở nhiều cuộc càn quét vào hậu cứ vùng giải phóng của ta nhằm cắt nguồn hậu cần . Một điều không may là cơ sở Binh công xưởng của ta đã bị địch dò la phát hiện được. Đúng 5 giờ sáng ngày 8/3/1951, khi sương mù còn bao phủ núi rừng Mo So thì bất ngờ những âm thanh gầm rú của động cơ máy bay vọng tới. Tiếp theo hàng loạt bom chùm trút xuống Mo So. Pháo từ biển bắn vào tới tấp, các binh khí hoả lực từ máy bay, tàu chiến thi nhau trút xuống. Mo So đẫm mình trong cơn bom đạn. Những chiếc máy bay vận tải bắt đầu thả dù trên không với đủ các loại dù xanh, đỏ, trắng lừng chừng đáp xuống. Địch sử dụng hai trung đoàn thuỷ quân lục chiến gồm 4 tiểu đoàn lê dương với quân bảo hoàng, tổng cộng có khoảng 600 tên. Chúng hình thành hai gọng kềm tiến vào Mo So.
Quân chủ lực của ta chiến đấu ở các tuyến trước nên lực lượng bảo vệ Mo So không có, công nhân trong xưởng chỉ có hơn 60 người . Ban chỉ huy Binh công xưởng 18 ra lệnh mở kho vũ khí, có trên 100 khẩu súng các loại như: súng trường, lựu đạn, súng ngắn...vừa sửa chữa xong, chưa giao cho các đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch. Chiến sỹ tự lựa chọn vũ khí để chiến đấu.
Khoảng 9 giờ sáng, một nhóm lính Pháp ở hướng Đông Bắc đã vào núi hang Cây Me (Lò Đúc). Anh Trần Văn Tâm, chiến sỹ Binh công xưởng 18 với khẩu súng ngắn 9 ly đã bắn gục tên Pháp đi đầu, nhưng địch phát hiện liền bắn xối xả về phía anh. Anh hy sinh. Lúc này ở trong hang, chiến sỹ ta tập trung súng, lựu đạn liên tục bắn xuống sườn núi. Lựu đạn nổ dồn dập. Địch ở hang Cây Me đành rút lui với nhiều tên bị thương vong.
Tại hang Nước Ngọt, hướng Tây Nam, giặc kéo đến rất đông. Anh Thạch Xiêm đang trên đường chạy về căn cứ thì gặp địch. Anh dùng khẩu súng ngắn 9 ly chiến đấu, bắn bị thương 3 tên. Hết đạn, địch bao vây bắt sống anh trói lại dẫn vào hang Mo So. Chúng dụ dỗ tra khảo đánh đập anh tàn nhẫn. Anh Thạch Xiêm trừng mắt nhìn tên sỹ quan Pháp và hét lớn: “Chỉ huy là tao, Cộng sản cũng là tao !”. Trong hang Nước Ngọt có hơn 30 người chuẩn bị tư thế sẵn sàng, nếu anh Thạch Xiêm chịu tra tấn không nổi mà dẫn giặc vào hang, thì quyết tử với tử với chúng. Nhưng anh chấp nhận hy sinh một mình để cứu đồng đội. Biết mình sẽ hy sinh, anh dồn sức hô to âm vang cả núi rừng: “ Đả đảo giặc Pháp xâm lược!”
Vợ và ba đứa con nhỏ của anh cũng ở trong hang với các chiến sỹ khác, cách nơi giặc hành hình anh chỉ có 30 mét, chị ngất đi mấy lần. Bọn giặc đè anh xuống , dùng dao sắc móc mắt anh, tiếp đó dùng chiếc đũa cái nhà bếp đâm thủng hai tai và vạt nhọn cây tre đâm từ hậu môn lên cổ. Sau này anh Thạch Xiêm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ta vừa chiến đấu cầm cự, vừa rút lui an toàn về xã Bình Sơn. Trong trận này, ta diệt 4 giặc Pháp và hơn 10 tên bị thương. Phía ta đã hy sinh 3 đồng chí.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt, thiếu cơm, thiếu muối, phải ăn đọt choại, chuối nước, gạo lức độn khoai, bệnh tật thì thiếu thuốc thang, các chiến sỹ phải tranh thủ giờ nghỉ để đi săn bắt thú rừng về cải thiện bữa ăn. Đêm đến mọi người không ngủ được vì thiếu nóp, thiếu mùng. Mọi khó khăn gian khổ người lính thợ quân giới đều khắc phục vượt qua và tin tưởng cách mạng sẽ kháng chiến thắng lợi.
Khi Hiệp định có hiệu lực, một số công nhân của Binh công xưởng 18 đi tập kết ở miền Bắc, một số chuyển về xã Hoà Điền huyện Kiên Lương để xây dựng căn cứ bí mật mới. Họ đã chuyển hàng ngàn cây súng từ Mo So đi chôn cất. Xưởng sản xuất vũ khí ở Mo So tạm thời giải thể. Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, các chiến sỹ Binh công xưởng Hà Tiên đã anh dũng, sáng tạo, vừa sản xuất vừa chiến đấu góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
Những chiến công huyền thoại thời chống Mỹ
Tháng 5/1969 Trung ương cục và Bộ tư lệnh miền đã lần lượt tăng cường 4 trung đoàn và vũ khí, đạn dược, hàng quân sự tăng viện cho Quân khu 9 qua đường hành lang 1C từ tỉnh Campốt (Campuchia) về U Minh Thượng. Lực lượng này phải đi theo đường hành lang Campuchia qua biên giới Hà Tiên, rồi vượt lộ Cái Sắn về U Minh. Địch ráo riết mở hàng trăm cuộc càn quét, ném bom bắn phá gây nhiều tổn thất cho quân và dân ta. Đứng trước tình hình bất lợi này, tháng 5/1969 Huyện uỷ Hà Tiên quyết định rút toàn bộ lực lượng về núi Mo So. Ngày 27/7/1969, căn cứ cách mạng của Hà Tiên chuyển từ rừng tràm về núi Mo So gồm các bộ phận Huyện uỷ, Huyện đội, Quân uỷ, Quân y, Địa phương quân, Giao bưu, Công an ….
Sau thất bại ở Hòn Đất, ngày 29/7/1969 địch bắt đầu cho máy bay đi thăm dò ta ở Mo So và cũng bắt đầu cho những lực lượng nhỏ đánh vào Mo So để nghiên cứu tình hình nhưng liên tiếp bị quân ta đẩy lùi. Tháng 11/1969 địch lại đánh vào Mo So với lực lượng lớn gồm : một trung đoàn của sư đoàn 9, một trung đoàn công binh, một tiểu đoàn quân địa phương, kết hợp với xe tăng và pháo binh. Về phía ta lực lượng ít nhưng nhờ địa thế hang động, núi đồi hiểm trở, tinh thần chiến đấu quyết liệt, cuộc chiến đấu kéo dài cho đến cuối năm 1969.
Dù thời gian chiến sự kéo dài nhưng địch vẫn không từ bỏ ý định đánh chiếm Mo So, chúng nhận định diệt được Mo So thì Hà Tiên hết Việt Cộng. Mo So không những là căn cứ quan trọng bậc nhất của Hà Tiên mà còn là một nút trên đường dây liên lạc giữa Bắc và Nam của Việt Cộng.
Từ ngày 7/2/1970 -18/3/1970 địch lại dùng một lực lượng lớn với máy bay, xe tăng và pháo binh tấn công dữ dội vào Mo So. Chúng đã chiếm được núi Mây và khống chế hang Huyện Uỷ. Chúng bao vây ta với hoả lực mạnh nên đã cắt đứt liên lạc giữa hang với bên ngoài. Ban ngày địch đánh ta, ta thế thủ trong hang, chúng không dám tiến vào. Ban đêm ta tổ chức từng tổ 2-3 người du kích bất ngờ ra đánh, làm địch thương vong, xe pháo bốc cháy. Sau mấy đêm bị đánh bất ngờ bọn địch hoảng sợ co cụm lại để chống đỡ nhưng vẫn bị đánh. Sau 45 ngày đêm chiến sự ác liệt, quân địch bị tiêu hao, tinh thần hoảng loạn buộc chúng phải rút lui. Ta loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 500 tên và phá huỷ nhiều xe, nhiều pháo địch.
Địch rút lui, vẫn không từ bỏ ý đồ chiếm bằng được Mo So. Ngày 16/3/1970 địch lại hành quân vào Mo So với lực lượng của Sư đoàn 9, sư đoàn 21 và sư đoàn 7. Chúng tấn công bằng âm mưu mới, đổ bộ ồ ạt chiếm tất cả các đỉnh núi. Trước tình hình nghiêm trọng này, lực lượng ta gom hết về núi lớn, tập trung ở 3 hang: hang Huyện uỷ, hang Quân y và hang Nước để sẵn sàng chiến đấu. Bọn địch đóng dày đặc, có chỗ chỉ cách ta 50 m và nhả đạn vào cửa hang bất kỳ lúc nào.
Địch đánh vào hang bằng bộc phá, từ trên núi theo các lỗ nhỏ, khe hở, chúng dùng dây thả bộc phá xuống hang. Lúc đầu ta bị thiệt hại nhưng sau đó ta dùng dao cắt ngòi cháy chậm. Bộc phá không kịp nổ, ta thu hồi nhiều thuốc đạn giao cho bộ phận công binh chế ra đạn để đánh lại địch. Địch dùng dây và châm ngòi cháy chậm thả bộc phá xuống nhằm đánh sập cửa hang. Bộ đội ta dùng cây sào dài, đẩy bộc phá cho nổ ngoài cửa hang làm cho âm mưu của chúng bị thất bại. Một mưu kế xảo quyệt nữa của địch là, dùng những bao cát thả từ núi xuống để lấp cửa hang, bộ đội ta dùng sào dài có móc lôi những bao cát vào hang chất làm công sự.
Với quyết tâm đánh vào hang, địch tấn công ta bằng chất độc hoá học. Ta bị cay mắt và nghẹt thở, địch đeo mặt nạ đổ bộ vào hang, đồng chí Ba Phước phát minh sáng kiến trị chất độc hoá học bằng nước tiểu , cuối cùng ta đẩy lùi được các cuộc tấn công của địch.
Sau những ngày địch đánh ta không được, ta bắt đầu phản công. Huyện uỷ họp và nhận định: xe tăng và bộ binh dưới đất không đáng ngại bằng bọn chốt trên núi. Từ đó, ban đêm ta tổ chức từng tổ vài ba người đánh địch. Địch bị đánh bất ngờ, thiệt hại nặng….chúng không dám hung hăng như trước. Kết hợp với bộ phận đánh trên núi, bộ phận khác ra ngoài hang đánh xe và đánh úp những toán quân địch. Địch bị tiêu hao rất nhiều, hoang mang dao động.
Trong thời gian này, bộ đội chủ lực E 10 của ta hành quân qua Hà Tiên bị nghẽn lối đã trở vào Mo So đánh địch. Đơn vị E 10 và lực lượng ta trong hang đánh thẳng vào núi Mây và diệt nhiều cụm quân dã ngoại của địch. Đơn vị E 10 chiến đấu 2 tháng rồi rút về U Minh, lực lượng Mo So phản công địch liên tiếp và thu nhiều thắng lợi.
Tháng 10/1970, Trung ương Cục ra Nghị quyết chuyển hướng chỉ đạo chiến lược: “Tất cả cho cơ sở, tất cả để giành đất, giành dân và giành quyền cho xã, ấp”. Chấp hành chỉ thị của trên, tháng 5 năm 1971 Huyện uỷ Hà Tiên quyết định rời bỏ căn cứ Mo So, lực lượng chia làm 3 cánh: rút về Hòn Chông, rừng tràm ở Dương Hoà cách Mo So 6 km.
Tính từ tháng 7/1969 đến tháng 8/1970, trên địa bàn nhỏ hẹp ở vùng Mo So, quân dân ta đã diệt hơn 4.000 tên địch, phá huỷ 80 xe tăng và nhiều trọng pháo, bắn rơi 10 máy bay, thu nhiều đồ dùng quân sự. Lực lượng địch phải dàn mỏng trên các tuyến hành lang.
Chiến thắng Mo So đã góp phần làm cho chiến lược “Việt nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ thất bại, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam ngày 27/1/1973, đánh dấu chặng đường thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống đế quốc chống Mỹ xâm lược của quân và dân ta.
Quy hoạch Mo So trở thành điểm du lịch hấp dẫn
Hiện nay tỉnh Kiên Giang đang lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Mo So nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử trong vùng; lập các dự án đầu tư, phát triển kinh tế du lịch của địa phương gồm các khu vực bảo vệ sinh thái ngập mặn và cảnh quan bao quanh di tích, có vai trò bảo đảm cân bằng sinh thái.
Theo đó, danh thắng Mo So sẽ được tổ chức không gian thành 7 khu chức năng, trong đó có khu bảo tồn di tích lịch sử cách mạng, khu bảo tồn hệ sinh thái núi đá vôi, khu bảo tàng triển lãm giới thiệu về các thời kỳ chiến tranh cách mạng. Tổ chức bến thuyền, tuyến tham quan, các dịch vụ tiện ích du lịch hấp dẫn du khách như đài quan sát, các sàn ngắm cảnh, quán ăn, điểm thông tin di sản và du lịch, điểm dịch vụ, các biển báo, chỉ dẫn. Khu tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, với thiết kế công trình có tính sáng tạo làm sản phẩm du lịch MICE. Tái tạo cảnh quan rừng ngập mặn; các hoạt động canh tác nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, chế biến, cung cấp dịch vụ đồ ăn, thức uống đặc trưng vùng sình lầy, ngập mặn, các dịch vụ lưu trú hoang dã và du lịch khám phá đặc trưng của sinh thái văn hoá bản địa. Các chức năng và hoạt động của khu vực này sẽ tập trung phát triển du lịch cộng đồng, làm tiền đề giải quyết công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu đô thị hoá của địa phương.