Điểm đến

Top 5 địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Việt Nam

13:53 - 12/12/2020
Các điểm đến du lịch tâm linh luôn là những địa điểm hành hương quan trọng và có ý nghĩa với người Việt Nam dù mộ đạo hay không. Đó cũng là những biểu tượng tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu cho tâm linh, tín ngưỡng Việt Nam trong dòng lịch sử từ xưa đến nay.

1. Chùa Một Cột, Hà Nội

Chùa Một Cột hay còn gọi là chùa Diên Hựu, tọa lạc tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng năm 1049 từ thời vua Lý Thái Tông. 

Tương truyền, vua Lý Thái Tông khi đã cao tuổi nhưng vẫn chưa có con trai nối nghiệp nên thường đến các chùa trong kinh thành cầu tự. Thế rồi, một đêm kia, ngài nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm hiện trên một đài hoa sen trong một hồ nước. Phật Bà tay bế một bé trai trao cho nhà vua. Tỉnh dậy nhà vua lấy làm lạ và không lâu sau đó, hoàng hậu có thai, sinh một người con trai khôi ngô tuấn tú.

Nhớ ơn đấng từ bi, nhà vua cho xây một ngôi chùa chỉ có một cột, dáng dấp như đài sen mà ông đã thấy trong giấc mơ để thờ Phật Quán Thế Âm, đặt tên là Diên Hựu tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi chùa này là chùa Một Cột.

Chùa Một Cột - biểu tượng nghìn năm văn hiến giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Internet

Chùa Một Cột tuy nhỏ nhưng kiến trúc độc đáo, trông như một bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên. Chùa đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập kỷ lục Châu Á năm 2012, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á.

2. Chùa Bái Đính, Ninh Bình

Chùa Bái Đính thuộc tỉnh Ninh Bình là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Hàng năm, chùa mở vào đầu xuân, đón hàng triệu khách thập phương về dự. 

Chùa Bái Đính, ngôi chùa xác lập nhiều kỷ lục nhất tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn, từng vinh dự nhận nhiều kỷ lục như: chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á…

3. Danh Thắng Hương Sơn - Chùa Hương, Hà Nội

Tọa lạc trên một vùng rừng núi rộng lớn ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), khu Di tích danh thắng Hương Sơn cách trung tâm thành phố Hà Nội 70km.

Phong cảnh Hương Sơn đẹp tuyệt vời với núi cao, rừng thẳm và sông suối trong xanh. Bên cạnh đó là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, tạo nên một bức tranh hài hòa, đẹp mắt.

Cảnh sắc trữ tình của Hương Sơn. Ảnh: Internet

Khu di dích danh thắng Hương Sơn trải dài trên 3 tuyến: Hương Tích là tuyến chính đi qua nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: chùa Thiên Trù, chùa động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng và sau cùng là chùa động Hương Tích. Tuyến 2 là Tuyết Sơn: tuyến này có núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng… chùa Bảo Đài, chùa động Tuyết Sơn… Tuyến thứ 3 là Long Vân: đi thăm đền Trình, chùa Long Vân, động Long Vân, chùa Cây Khế… và đặc biệt tham quan hang Sũng Sàm, một di chỉ khảo cổ quý chưa được khai quật.

4. Chùa Đồng, Yên Tử

Cảnh trí thiên nhiên toàn vùng Yên Tử sơn đẹp tuyệt vời với những chùa, am, tháp cổ nằm trong phạm vi gần 2.700 ha rừng.

Huệ Quang Kim tháp hay Tháp Tổ có bệ tạc đài sen 102 cánh, chạm nổi trang trí dây hoa, bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông ngồi thiền ở thế liên hoa, vẻ mặt thanh cao, trí huệ, cảm thông và dung dị. Cả pho tượng thờ cùng Lăng Tháp được xây dựng một năm sau ngày vua Trần nhập niết bàn vào năm 1309. Đây là ngôi tháp lớn và đẹp nhất trong số 97 tháp của Vườn tháp Yên Tử.

Ngôi chùa cao nhất Việt Nam tọa lạc trên non thiêng. Ảnh: Internet

Điểm đến chính của khách hành hương là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử. Đây là ngôi chùa bằng đồng lớn và độc đáo nhất Châu Á (đã được xác lập lỷ lục Châu Á năm 2012), có chiều dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng 70 tấn. Trong chùa tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu ni ngự trên đài sen và 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

5. Chùa Thiên Mụ, Thừa Thiên - Huế

Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, cách thành phố Huế 5km về phía Tây. Đây là một ngôi chùa được xây dựng sớm nhất và nổi tiếng nhất ở Thừa Thiên – Huế.

Chùa được xây năm 1601, bắt nguồn từ truyền thuyết về chúa Nguyễn Hoàng trong lúc tuần thú ngắm cảnh thiên nhiên, khi ngang qua đồi Hà Khê thấy cảnh sắc nơi đây đẹp lạ thường bèn hỏi thăm dân chúng quanh vùng.

Người dân cho biết, đêm đêm ở ngọn đồi này thường có một bà Tiên mặc áo đỏ, quần lục hiện về báo mộng: rồi đây sẽ có một vị minh chúa dựng trên ngọn đồi này một ngôi chùa lấp bằng nơi bị Cao Biền đào bới để bảo toàn sự thiêng liêng, giúp cho người dân làm ăn thịnh vượng và đất nước thanh bình, thịnh trị. Nguyễn Hoàng nghe vậy bèn cho dựng chùa đặt tên là Thiên Mụ (Bà tiên trên trời).

Chùa Thiên Mụ uy nghi, cổ kính. Ảnh: Internet

Kiến trúc chùa Thiên Mụ về cơ bản cũng giống như kiến trúc của nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, nhưng đặc biệt ở điểm có ngôi tháp Phước Duyên cao 21m, có 7 tầng. Tháp hình khối bát giác, mỗi tầng có một cửa cuốn đặt tượng Phật, tầng trên cùng đặt 3 pho tượng Phật được đúc bằng vàng ròng.

Linh Trịnh / VOVTV