Về Cù lao Mây bồng bềnh sóng nước sông Hậu, hỏi tên Cù lao Mây có từ bao giờ, vì sao gọi là Cù lao Mây, chẳng ai, kể cả những người lớn tuổi đã ngoài 60, có được câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng ngày xưa, cù lao này là vùng đất hoang hóa, cỏ mây ngự trị nên khi khai khẩn lập ấp gọi là Cù lao Mây.
Còn có truyền thuyết là khi Nguyễn Ánh bôn tẩu lánh quân Tây Sơn, gặp một cù lao giữa dòng sông Hậu, ông cho thuyền ghé lại và nhận ra đây là nơi trú ẩn an toàn nên đặt tên là Vân Châu, vì nhìn từ xa như một áng mây.
Vân có nghĩa là mây, còn Châu là cù lao, gọi chung lại là Cù lao Mây. Cù lao Mây gồm 2 xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Từ bến tàu Trà Ôn, du khách lên thuyền bồng bềnh sóng nước ngược dòng sông Hậu đến làng nghề bánh tráng trăm năm Cù lao Mây. Vào đúng mùa bánh Tết, làng bánh nhộn nhịp người pha bột, người tráng, phơi bánh… Bánh tráng Cù lao Mây có nhiều loại: bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng nướng, bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng thanh long, bánh tráng ớt… Bánh tráng nướng béo giòn, thơm ngon; bánh tráng nem không mặn mà lại dẻo…
Nghệ nhân làm bánh tráng Cù lao Mây đã khéo léo từ chọn gạo, xay bột đến khâu tẻ nước và nêm nếm gia vị vừa đủ để bánh dẻo, vừa ăn. Bây giờ, bánh tráng Cù lao Mây nổi tiếng khắp các tỉnh, thành. Hằng năm, Cù lao Mây cung cấp hơn nửa triệu bánh tráng các loại cho mọi miền đất nước.
Bà Trần Thị Tuyết Mai, chủ cơ sở bánh tráng Tuyết Mai, có gần 40 năm trong nghề, vừa nhanh tay tráng bánh, lấy bánh ra phơi, rồi lại đổ bột tráng bánh. Mùa Tết này, cơ sở Tuyết Mai chuẩn bị 40.000-50.000 bánh các loại.
Bà Mai cho biết: “Nghề tráng bánh Cù lao Mây đã có hơn 100 năm. Ngày trước nơi đây có nhiều lò bánh tráng nhưng giờ chỉ còn hơn 40 lò. Hồi đó cực lắm, phải xay bột, nạo dừa vắt nước cốt, pha bột, dậy sớm để tráng bánh. Bây giờ, có phần khỏe hơn nhờ thuê xay bột, có máy nạo vắt nước cốt dừa…”.
Bên cạnh nổi tiếng về bánh tráng, Cù lao Mây còn tự hào là điểm đến hấp dẫn miệt vườn sông nước miền Tây với vườn cây ăn trái tốt tươi, bốn mùa trĩu quả.
Theo thông tin từ các hãng lữ hành, du khách nên đến Cù lao Mây vào mùa hè. Đó là mùa trái cây chính vụ, chôm chôm chín đỏ, cùng với măng cụt, sầu riêng… khách tha hồ chụp ảnh “check in” và thưởng thức. Chúng tôi đến Cù lao Mây dịp cuối năm, không đúng cao điểm mùa trái cây nhưng vú sữa, mít, bưởi Năm Roi, cũng trĩu quả đong đưa. Cù lao Mây có nhiều điểm tham quan nhà vườn như: điểm du lịch sinh thái Năm Khanh, Tám Trong, Bảy Gặt, Tư Dô…
Ông Tám Trong, năm nay tuổi đã ngoài 60, sinh ra và lớn lên trên đất Cù lao Mây, cũng là người tiên phong khai thác vườn trái cây làm dịch vụ du lịch với 15 công vườn trồng mít, ổi, xoài, bưởi, chôm chôm, nhãn… Ông Tám tâm sự: “Hồi đó, tôi chỉ trồng cây ăn trái chứ đâu nghĩ mình làm du lịch. Rồi thấy du khách ngày càng thích tham quan và thưởng thức trái cây nên tôi vừa làm vườn vừa khai thác du lịch. Bây giờ, có du khách đến đông đúc chứ hồi mới làm cũng ngần ngại lắm.
Điều không ngờ là ngày càng có nhiều du khách biết và đến tham quan Cù lao Mây”. Điểm du lịch Tám Trong, xã Phú Thành, đã trở thành một trong những điểm đến của cù lao Mây. Giá cả dịch vụ nơi đây được niêm yết rõ ràng.
Vé vào cổng tham quan vườn cây ăn trái 30.000 đồng/vé, được đãi một dĩa trái cây, còn vé vào cổng tham quan và bao bụng trái cây (ăn từ 5 loại trái cây trở lên) là 60.000 đồng/vé; các món gà: hấp rượu, gà chiên nước mắm, gà nấu cháo, gà nướng 250.000 đồng/kg; cá lóc nướng rơm (cá lóc nướng trui), cá lóc chiên xù, lẩu chua cá lóc, cá lóc kho tiêu, cháo cá lóc 250.000 đồng/con; lươn xào sả ớt, lươn um lá cách, lẩu lươn 250.000 đồng/phần…
Cách điểm du lịch Tám Trong không xa lắm là Điểm du lịch sinh thái Cù lao Mây - Năm Khanh. Ông tên là Nguyễn Văn Khanh, thứ 5 trong gia đình. Ông làm vườn chuyên nghiệp, có 8 công vườn trồng bưởi Năm Roi, ổi, mít, vú sữa… mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng.
Ban đầu, ông không có ý định khai thác vườn cây ăn trái để làm dịch vụ du lịch nhưng con gái út của ông là Nguyễn Thị Lan Hương, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị du lịch, với nhiều hoài bão về du lịch quê nhà đã xin vợ chồng ông cho khai thác vườn. Với vị trí thuận lợi, cặp sông, chỉ cách bến du thuyền Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, 30 phút đường thủy, Nguyễn Thị Lan Hương đã biến vườn trái cây của cha mình thành điểm du lịch nhà vườn hấp dẫn. Vườn được thiết kế lối đi thật đẹp, hai bên là bưởi Năm Roi trĩu quả đong đưa, xen vào đó là những cây mít treo trái căng tròn bắt mắt…
Du khách đến điểm du lịch Năm Khanh được thưởng thức miễn phí dĩa trái cây theo mùa, trải nghiệm câu cá lòng tong, cá rô đồng, ăn bánh xèo, lẩu mắm, được check in cảnh đẹp nên thơ của miệt vườn sông nước… Ông Năm Khanh bộc bạch: “Nhà đơn chiếc, mỗi khi có đoàn du khách đến là cả nhà bận rộn, người làm gà, làm vịt, làm cá, nấu ăn, người dẫn khách tham quan. Cực có cực thiệt nhưng rất vui…”.
Sông Hậu bồi đắp phù sa và nước ngọt mát lành cho những vườn cây ăn trái; cùng với đó, sự cần cù, khéo léo, nhạy bén, sáng tạo, hiếu khách của người dân xứ sở miệt vườn sông nước đã tạo nên hành trình thú vị, hấp dẫn cho du khách khi đến với Cù lao Mây.
Theo Tổng cục du lịch
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |