Được xây dựng, phát triển và sau đó bị lãng quên - đây là số phận của nhiều thành phố từ thời cổ đại. Một số cái tên vẫn được nhắc tới trong truyền thuyết trong khi phần lớn lại hoàn toàn biến mất. Chỉ bằng sự may mắn của định mệnh, những đô thị cổ này mới có thể được tái phát hiện và trở lại từ "cõi chết".
Từ Sigiriya - thành phố trên đỉnh rừng rậm tại Sri Lanka cho đến Pompeii - thành phố bị vùi dưới tro núi lửa tại Italy, hãy cùng điểm lại một vài thành phố tuyệt vời từng bị quên lãng và giờ đây đã được "hồi sinh".
Vijayanagara, Ấn Độ
Năm 1799, quân nhân người Scotland Colin Mackenzie đã phát hiện ra khu di tích cổ đại tại cao nguyên Deccan ở miền nam Ấn Độ. Mặc dù từng nghe nói về thành phố bị biến mất Vijanyangara nhưng Mackenzie lại không chắc chắn về những gì mình vừa tìm ra. Ông không biết rằng mình đang đứng trước tàn tích của một đế chế vĩ đại có từ thế kỷ 14 sau Công nguyên.
Đế chế Vijanyangara nổi tiếng với những kiến trúc hoành tráng, hiệu quả và kết hợp với nhiều yếu tố ngoại lai. Các ngôi đền và công trình điêu khắc dưới đế chế này gây ấn tượng với những con ngựa đá cao tới 2,4m hay các chuồng voi có mái vòm... Vijanyangara cũng là một cộng đồng giàu có. Sử sách ghi lại, người dân nơi đây thường dùng kim cương và đá sapphire để đổi lấy rau củ.
Năm 1565, sau một cuộc chiến thành phố bị tàn phá nặng nề và bỏ hoang. Giờ đây, nó đã được bảo tồn và nằm trong quần thể Di sản Thế giới được UNESCO công nhận là Hampi.
Pompeii, ItalyNăm 1748, Công tước xứ Naples tiến hành xây dựng một dinh thự mùa hè nằm cách miền nam Naples, Italy khoảng 24km. Trong khi đào móng, thợ xây đã phát hiện ra tàn tích của những ngôi nhà và đường phố của một thành phố từng biến mất. Người ta sau đó tìm ra đây chính là thành phố lớn từ thời La Mã Pompeii - vốn bị phá hủy sau khi núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công nguyên.
Công việc khai quật tiếp tục được tiến hành. Các nhà khảo cổ tìm thấy một nhà hát ngoài trời lớn, một quảng trường, các biệt thự, nhà dân, đường phố, cửa hàng, thậm chí là cả nhà thổ... Vào ngày núi lửa phun trào, hàng nghìn người đã bị mắc kẹt và chết vì ngạt khí.
Pompeii hiện là một trong những địa điểm du lịch hút khách nhất trên thế giới với khoảng 2,5 triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm. Thành phố đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1997.
Mahenjo Daro, Pakistan
Năm 1922, R.D. Banerji - một nhân viên của cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ đã tìm thấy một di chỉ tại tỉnh Sindh (nay thuộc Pakistan) và cho rằng đây là một tượng đài Phật giáo có niên đại khoảng 500 năm trước Công nguyên. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu sâu hơn, người này nhận ra di tích thậm chí còn lâu đời hơn. Những khai quật tiếp theo chứng minh thành phố thật ra có tuổi đời vào khoảng 2.500 năm trước Công nguyên.
Mohenjo Daro là một trong những khu định cư lớn nhất của Nền văn minh lưu vực sông Ấn có khoảng 50.000 người sinh sống. Những gì còn lại của thành phố bao gồm Great Bath (hệ thống nước thải tinh vi với 700 giếng nước ngọt và vị trí các nhà quy hoạch theo dạng lưới). Hiện vẫn chưa tìm thấy dấu vết của đền thờ, mộ hoàng gia hay tòa nhà chính quyền. Những cư dân nơi đây được đánh giá là khá giàu có bởi có nhiều hiện vật được làm từ ngà voi và vàng.
Mặc dù trở thành Di sản Thế giới vào năm 1980 nhưng các ngôi nhà được làm từ gạch bùn của Mohenjo Daro hiện đang đối mặt nguy cơ bị tàn phá vì nước mặn của sông Ấn gần đó.
Thượng Đô, Trung QuốcKhi nhà ngoại giao người Anh Stephen Bushell đặt chân tới khu vực Nội Mông vào năm 1872 trong hành trình tìm kiếm Thượng Đô, ông không phải là người duy nhất bị choáng ngợp bởi thành phố bị mất tích từ thế kỷ thứ 13. Năm 1275, thương nhân Marco Polo từng tới Thượng Đô và miêu tả, thành phố được Hoàng đế lựa chọn là nơi nghỉ dưỡng mùa hè với các biệt thự bằng đá cẩm thạch. Động vật hoang dã xuất hiện khắp nơi, thậm chí còn có cả một cung điện bằng tre có thể dựng lên và dỡ bỏ dễ dàng.
Phần lớn những gì Bushell nhìn thấy giờ đã không còn nữa; tuy nhiên chính quyền địa phương cũng đã thực hiện công tác bảo tồn và khai quật được hơn 1.000 ngôi nhà. Hơn 60.000 hiện vật đã được phát lộ bao gồm và hiện được trưng bày tại một bảo tàng gần đó. Khu khảo cổ rộng 25.000 héc ta bắt đầu đón khách tham quan từ năm 2011 và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2012.
Troy, Thổ Nhĩ Kỳ
Khi doanh nhân kiêm nhà thám hiểm người Đức Heinrich Schliemann bắt đầu khai quật ở bờ biển Aegen, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1868, ông cho rằng mình đã tìm thấy Troy - thành phố nổi tiếng trong bộ thơ Illiad của Homer. Mặc dù Schlieman đã phát hiện ra một thành phố cổ đại tuyệt vời nhưng sự thực là, không có bằng chứng gì cho thấy nó chính là Troy trong câu chuyện cổ đại hay một cuộc chiến thành Troy thực sự đã xảy ra.
Theo truyền thuyết, Troy tồn tại vào khoảng những năm 1200 trước Công nguyên. Tuy nhiên, thành phố mà Schlieman tìm thấy được cho là có người sinh sống từ năm 4000 tới 3000 trước Công nguyên. Năm 1998, "Troy" này trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Machu Picchu, Peru
Tháng 7/1911, sử gia người Mỹ Hiram Bingham đang tham quan các khu định cư người Inca ở Peru thì nhận được thông tin về một thành phố đổ nát ở đỉnh núi Machu Picchu. Khi đến nơi, Bingham và các đồng nghiệp thực sự choáng ngợp khi phát hiện ra lối vào một thành phố bị quên lãng được xây dựng vào khoảng năm 1450 sau Công nguyên.
Theo các nhà sử học, đây là nơi nghỉ dưỡng mùa hè của giới cầm quyền Inca và thật may mắn không bị những người Tây Ban Nha đi chinh phục Nam Mỹ biết tới. Khoảng 750 người từng trú ngụ trong 200 tòa nhà. Năm 1550 thành phố bắt đầu bị bỏ hoang có thể vì bệnh dịch mà người Tây Ban Nha đem tới.
Ngày nay, chỉ 400 du khách được phép thăm Machu Picchu mỗi ngày nhằm đảm bảo cho công tác bảo tồn di tích. Thành phố cổ trở thành Di sản UNESCO vào năm 1983.
Sigiriya, Sri Lanka
Năm 1831, Đại tá người Anh Jonathan Fobres đã phát hiện một thành phố bí ẩn bị bỏ hoang từ thế kỷ 14 nằm sâu giữa rừng rậm Sri Lanka.Sigiriya có nghĩa là sư tử và án ngữ ở lối vào thành phố là bức tượng sư tử khổng lồ (đáng tiếc là bị mất đầu). Sigiriya được xây dựng tại một mỏm đất trồi lên ở độ cao khoảng 200m phía trên rừng rậm. Ban đầu nó là một tu viện phật giáo có từ thế kỷ 3 trước Công nguyên. 800 năm sau đó, Vua Kasyapa đã ra lệnh xây một cung điện sang trọng tại đây với các khu vườn và hồ nước xung quanh. Thậm chí cung điện còn có cả một bức tường gương để đức vua có thể tự ngắm dung nhan của mình.Để leo hết 1.200 bước bậc thang lên tới đỉnh sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ tuy nhiên du khách chắc chắn sẽ bị ấn tượng bởi khung cảnh Cung điện Bầu trời, hệ thống vườn, hồ nước và cả các bức bích họa tường tuyệt đẹp của nó. Được ca tụng là kỳ quan thứ 8 của thế giới, Sigiriya trở thành Di sản UNESCO vào năm 1982.
Theo Báo Tổ quốc
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |