Theo CNN, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trải nghiệm một sân khấu kiến trúc cổ đại giống hệt như kiến trúc của gần 2.000 năm trước khi bước vào đền Pantheon ở Rome.
Hình ảnh bên trong tòa nhà - Ảnh: Getty
"Bất kỳ ai bước vào đền Pantheon đều cảm nhận được ngay vẻ đẹp của lịch sử nhân loại nhưng vẫn bất ngờ vì sức sáng tạo tuyệt vời của con người", ông John Ochsendorf – Giáo sư kiến trúc tại MIT và là cựu giám đốc Học viện Mỹ tại Rome cho biết.
"Bạn đi vào một không gian rộng lớn, nhìn lên cao và bạn sẽ thấy một bầu trời có những đám mây bay qua. Và bạn nghĩ: Tại sao kiến trúc của gần hai thiên niên kỷ trước lại có thể làm nên điều kỳ diệu như vậy?", ông John Ochsendorf nhấn mạnh.
Ánh sáng từ vòm mái của kiến trúc "hút hồn" du khách vì sự kỳ diệu của nó - Ảnh AP
Đền Pantheon là tòa nhà lâu đời nhất trên thế giới vẫn có thể được duy trì cho đến ngày nay. Kể từ thế kỷ thứ 7, đền Pantheon đã được công nhận là một nhà thờ Công giáo La Mã.
Được xây dựng vào khoảng năm 125 sau Công Nguyên, ngôi đền này đã được tôn tạo lại sau hai sự cố hỏa hoạn. Mặt tiền của kiến trúc nổi bật với đường nét hoa văn theo mô típ Hy Lạp cổ đại, bao gồm mái vòm, đỉnh hình tam giác và hai hàng cột Corinthian. Kiến trúc bên trong tạo không gian rộng và thoáng mát, được bao phủ bởi một mái vòm bê tông – được xem là mái vòm lớn nhất trong suốt 13 thế kỷ.
Đền Pantheon có thể đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau-Ảnh: Getty
Lynne Lancaster, một nhà lịch sử về kiến trúc cho biết đền Pantheon là một tòa nhà Lã Mã sử dụng đa mục đích. Truyền thuyết kể lại rằng Pantheon có thể đã là nơi hoàng đế La Mã giao tiếp với các vị thần.
"Dù thế nào đi chăng nữa, giống với nhiều công trình kiến trúc La Mã khác, sự hùng vĩ của đền Pantheon được ví như biểu tượng sức mạnh – biểu tượng quyền lực quan trọng của đế quốc", Luca Mercuri – Giám đốc hiện tại của đền Pantheon cho biết.
Mái vòm đón ánh sáng - Ảnh: Getty
Thực tế, kiến trúc La Mã thời cổ đại là hiện thân của sự giàu có, sức mạnh và phẩm giá. Nhiều thế kỷ sau đó, các kiến trúc sư tân cổ điển vẫn tìm đến đây và tham khảo sự kết hợp của mái hiên và mái vòm của Pantheon để nghiên cứu và tìm hiểu giá trị của kiến trúc cổ đại này.
Ông Lancaster nhìn thấy điều kỳ diệu của kiến trúc cổ đại này mặc dù nó vẫn là một ẩn số đối với giới kiến trúc thế giới.
"Ngày trôi qua, mặt trời phản chiếu xung quanh mái vòm hở, chiếu ánh sáng lấp lánh tựa như một chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ. Kiến trúc của Pantheon là một trong số ít nơi trên thế giới có thể có được. Vòm mái đón ánh sáng giống như bạn có thể nhìn thấy Trái đất đang quay", Lancaster mô tả.
Báo Tổ quốc