Tại các di sản thế giới, tình trạng quá tải du lịch diễn ra khá phổ biến, đe dọa đến tính nguyên bản và giá trị của các di sản này. Một ví dụ điển hình là thành cổ Dubrovnik ở Croatia – một thị trấn nhỏ chỉ có 42.000 cư dân nhưng phải đón tiếp lượng khách du lịch đông gấp gần 30 lần mỗi năm. Tình trạng quá tải du lịch dẫn đến những hệ lụy về văn hóa và bảo tồn, khiến Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO phải cảnh báo về việc có thể sẽ loại bỏ danh thắng này ra khỏi danh mục di sản thế giới. Không chỉ Dubrovnik, rất nhiều di sản thế giới khác đang phải chịu hoàn cảnh tương tự.
Để bảo vệ di sản và khiến di sản mang lại lợi ích dài lâu, các quốc gia đang có những cách khác nhau để ứng phó với vấn đề này. Một số quốc gia đã ban hành những quy định bảo vệ quyền lợi của người dân địa phương trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu của du khách. Một số quốc gia khác lại có những cách thức sáng tạo hơn nhằm điều hướng luồng khách du lịch.
ĐẢO BORACAY, PHILLIPINES
Thực trạng: Kể từ đầu những năm 1990, Boracay đã được biết đến như một tiên cảnh giữa trần gian, với những bãi cát trắng, làn nước trong xanh và một cánh rừng nhiệt đới xanh mướt. Nhưng chỉ trong chưa đầy 20 năm, lượng khách du lịch đến hòn đảo có diện tích vẻn vẹn 10 km vuông này đã bùng nổ từ 260.000 người năm 2000 lên hơn 2 triệu người. Các doanh nghiệp địa phương chật vật đón tiếp lượng du khách khổng lồ này với một cơ sở hạ tầng không đảm bảo, dẫn đến những hệ lụy môi trường nghiêm trọng. Do không có hệ thống xử lý nước thải đủ khả năng đáp ứng, nước thải được xả thẳng ra biển mà không qua khâu xử lý.
Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch trên đảo Boracay trở nên hỗn loạn. Nước biển trở nên đục do bị nhiễm tảo. Tình trạng ô nhiễm, đánh bắt cá và bơi lặn trái phép đã phá hủy từ 79-90% rạn san hô tại đây.
Hành động: Đầu năm 2018, Tổng thống Phillipine Rodrigo Duterte đã gọi đảo Boracay là một “bể phốt” và yêu cầu đóng cửa địa điểm du lịch này trong 6 tháng để phục hồi. Các cơ sở lưu trú xây dựng trái phép bị san ủi, lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần được ban hành, và tất cả các khách sạn phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới, trong đó có tiêu chuẩn về xử lý rác và nước thải.
ANGKOR WAT, CAMPUCHIA
Thực trạng: Năm 2018, có tới 2,6 triệu du khách quốc tế tới thăm Angkor Wat – công trình kiến trúc danh tiếng có từ thế kỷ thứ XII của Campuchia. Việc có quá đông du khách không chỉ gây hư hại trực tiếp tới di sản, mà còn làm ảnh hưởng tới các khu vực lân cận. Lượng khách lưu trú lớn khiến nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Việc các mạch nước ngầm bị khai thác mạnh khiến các nhà khoa học lo ngại rằng nền đất sẽ bị suy yếu, đe dọa đến các công trình cổ trên mặt đất.
Hành động: Năm 2016, chính phủ Campuchia đưa ra những điều chỉnh về chính sách để giảm tải lượng du khách đến Angkor Wat. Giá vé tham quan tăng gần gấp đôi, từ 20 USD lên đến 37 USD. Các quầy bán vé cũng được di chuyển ra xa khu vực cổng chính của di tích để chống ách tắc. Tại tháp trung tâm của Angkor Wat, chỉ tối đa 100 du khách được tiếp nhận tại mọi thời điểm. Tuy nhiên, vẫn chưa có giới hạn được đặt ra cho số lượng khách tối đa được tiếp nhận trong cả quần thể kiến trúc này.
MACHU PICCHU, PERU
Thực trạng: Chỉ trong 20 năm, lượng khách du lịch đến với khu phế tích Machu Picchu của Peru tăng từ 400.000 lên 1,4 triệu người. Cho tới năm 2017, du khách vẫn được phép leo trèo, viết vẽ lên di tích và xả rác bừa bãi. UNESCO đã cảnh báo đưa Machu Picchu vào Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa.
Hành động: Năm 2015, chính phủ Peru công bố kế hoạch 5 năm trị giá 43,7 triệu USD để bảo vệ Machu Picchu. Giai đoạn 1 có hiệu lực từ tháng 7/ 2017, giới hạn du khách chỉ được vào di tích tại hai thời điểm nhất định trong ngày, phải có hướng dẫn viên đi kèm và chỉ được tiếp cận một số khu vực trong di tích. Mỗi ngày, chỉ có 5.000 vé được ra, tuy nhiên vẫn gấp đôi số vé do UNESCO khuyến nghị. Giai đoạn 2 bao gồm việc mở một trung tâm đón tiếp khách du lịch mới và một khu công trình vệ sinh.
ĐẢO SANTORINI, HY LẠP
Thực trạng: Đảo Santorini chỉ có diện tích 75 km2 đang phải đối mặt với một lượng du khách khổng lồ đang tăng liên tục. Nhu cầu điện và nước sinh hoạt trên đảo tăng vọt, khiến cơ sở hạ tầng của hòn đảo này không thể đáp ứng. Chính quyền Santorini đã liên tục xây dựng những nhà máy lọc nước biển mới nhưng vẫn không bắt kịp tốc độ tăng của du khách.
Hành động: Trong một nỗ lực nhằm giảm lượng khách du lịch, chính quyền Santorini đặt ra giới hạn chỉ tiếp nhận 8.000 du khách tới theo đường tàu biển mỗi ngày. Chính quyền cũng có kế hoạch đặt ra những quy định về điều kiện làm việc của đội lừa du lịch – phương tiện vận chuyển chính trên hòn đảo không có xe hơi này. Cụ thể, chính quyền sẽ giới hạn tải trọng và số giờ làm việc của đội lừa du lịch.
ĐẢO BALI, INDONESIA
Thực trạng: Do hiệu ứng từ cuốn tiểu thuyết “Ăn, Cầu nguyện, Yêu”, hòn đảo du lịch Bali của Indonesia đón nhận tới một phần ba số khách quốc tế du lịch tới Indonesia, dẫn tới tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Cuối năm 2017, chính quyền Bali tuyên bố tình trạng khẩn cấp về rác. Không gian văn hóa của địa phương cũng bị xâm phạm thô bạo khi nhiều du khách thiếu ý thức tạo dáng chụp ảnh trong trang phục không phù hợp trước các đền đài.
Hành động: Để xoa dịu bức xúc của người dân về sự thiếu ý thức của du khách quốc tế, chính quyền Bali đã tuyên bố sẽ điều chỉnh các quy định về tham quan đền đài trên hòn đảo này. Tuy nhiên, phần lớn những hệ lụy khác của tình trạng quá tải du lịch ở Bali vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trái lại, chính phủ Indonesia còn nỗ lực nhân rộng thành công của Bali với việc đầu tư hàng tỉ đô la vào đại dự án “Mười Bali”.
ĐỈNH EVEREST, NEPAL
Thực trạng: Đỉnh Everest đang trở thành điểm đến rất được ưa chuộng hơn lúc nào hết.Thậm chí, đã xảy ra cảnh tắc nghẽn ở lưng chừng núi.
Năm 2017, chính phủ Nepal cấp phép cho 371 du khách nước ngoài chinh phục đỉnh Everest. Những du khách này thường xuyên để lại rác thải trên nóc nhà của thế giới.
Hành động: Chuyên gia du lịch Walter Keats thuộc tổ chức Du lịch Châu Á Thái Bình Dương đã đưa ra nhận định “loài quốc hoa của Nepal chính là vỏ chai nước suối” để nói lên mức độ nghiêm trọng của tình trạng xả rác trên đỉnh Everest.
Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Nepal đã đưa ra một số biện pháp như tăng phí leo núi cho du khách nước ngoài từ 10.000 USD lên 11.000 USD, thiết lập trạm liên lạc ở chân núi để xác nhận tình trạng thời tiết và sức khỏe của người leo núi, cấm những người không đủ kinh nghiệm và những người leo núi một mình. Tuy nhiên, số lượng giấy phép leo núi tiếp tục tăng cho thấy những biện pháp này chưa phát huy hiệu quả.
THÀNH PHỐ VENICE, ITALIA
Thực trạng: Bên cạnh tình trạng mực nước biển tăng, đe dọa đến các công trình kiến trúc, thành phố cổ Venice còn đang phải oằn mình gánh lượng du khách khổng lồ lên tới 30 triệu người mỗi năm. Theo ước tính của các nhà khoa học, đến năm 2030, Venice có thể sẽ không còn người dân bản địa do giá cả dịch vụ lưu trú tăng cao khiến người dân không thể tiếp tục sống ở đây. Thêm vào đó, hệ sinh thái biển tại đây cũng đang bị đe dọa.
Hành động: Năm 2018, thị trưởng Venice Luigi Brugnaro đề xuất lệnh “cấm ngồi”, theo đó bất cứ ai ngồi lên không gian công cộng trong thành phố cũng sẽ bị phạt khoản tiền 590 USD. Trước đó, Venice cũng đã áp dụng lệnh “cấm ngồi” trên cầu Rialto và một vài nhà thờ trong thành phố. Chính quyền Venice cũng phát động chiến dịch có tên “Thưởng thức và Tôn trọng Venice”, khuyến khích du khách hành xử có trách nhiệm và tôn trọng đối với môi trường, cảnh quan, vẻ đẹp và sự đặc trưng của Venice và người dân địa phương; nâng cao nhận thức về tác động của du lịch để khuyến khích thói quen du lịch có trách nhiệm, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. Chính quyền cũng đang cân nhắc việc cấm tàu thuyền đi vào khu vực trung tâm và cấm các nhà hàng ăn nhanh. Với những biện pháp này, một số khách sạn cho biết lượng khách đặt phòng đã giảm xuống.
Phạm Dương, theo ngaynay.vn
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...