Buổi tọa đàm “Bước vào lịch sử: Chùa Một Cột và công nghệ thực tế ảo thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các bạn trẻ
Tại buổi tọa đàm “Bước vào lịch sử: Chùa Một Cột và công nghệ thực tế ảo” diễn ra chiều 9/10 tại Hà Nội, TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã giới thiệu về công trình nghiên cứu mà anh theo đuổi suốt 10 năm qua về kiến trúc thời Lý, vốn ngày nay không còn lại gì ngoài những đống phế tích đổ nát chôn vùi trong lòng đất.
Dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm và văn bia Sùng Thiện Diên Linh – 2 bảo vật quốc gia thời Lý, TS Trần Trọng Dương đặt ra giả thiết cho rằng chùa Một Cột thực chất là Liên Hoa Đài – tháp hoa sen biểu tượng cho núi Tu Di. Tháp này nằm ở trung tâm của chùa Diên Hựu, nằm giữa một bình đồ đồng tâm, đa tầng gồm 2 ao Linh Chiêu, Bích Trì, 1 vòng hoàn lang, 5 cầu gỗ (phi kiều), 4 sân diễn xướng Tứ Thiên Vương và hành lang giải vũ. Đó là một bình đồ tiêu chuẩn của một Mạn đà la theo thế giới quan Phật giáo…
TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) giới thiệu về giả thuyết cho rằng chùa Một Cột thực chất là Liên Hoa Đài – một tháp hoa sen biểu tượng cho núi Tu Di
“Tôi đọc văn bia Sùng Thiện Diên Linh và chợt nhận ra đó có khả năng là một Mạn đà la Phật giáo, một thế giới quan Phật giáo đã được phổ vào công trình kiến trúc thời Lý, cho thấy một tinh thần nhân văn sâu sắc không chỉ của Phật giáo mà của cả nền di sản Việt Nam.
Giấc mơ ấy trải qua 10 năm, đi từ những nét phác thảo nguệch ngoạc đầu tiên trên giấy A4, đến bây giờ đã được hiện thực hóa thành hình hài, thành một không gian 3D để chúng ta có thể đi vào trong đó, là một phần trong đó, có thể chạm vào lịch sử, khái cảm với những không gian vàng son, những nét đẹp truyền thống xưa cũ. Nếu các bạn được trải nghiệm không gian đó, tôi nghĩ rằng đó là một chuyến du hành xuyên thời gian về lịch sử 1.000 năm trước,” TS Trần Trọng Dương chia sẻ.
TS Trần Trọng Dương cũng nhấn mạnh, việc phát hiện những bí ẩn của lịch sử vốn không phải là điều dễ dàng, nhưng làm thế nào để tái hiện lại lịch sử một cách chân thực và sinh động, lại càng không đơn giản. Nhưng rất may, công nghệ thực tế ảo có thể giải quyết được bài toán đó.
Mọi người đeo kính 3D, quay trở về thời điểm 1.000 năm trước, trải nghiệm không gian chùa Một CộtCác kỹ thuật viên đang hướng dẫn người tham gia trải nghiệmKhông gian chùa Một Cột được tái hiện trong không gian công nghệ thực tế ảo
Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn, (CEO VNI, Holomia, thành viên sáng lập Sen Heritage), cộng sự thân thiết của TS Trần Trọng Dương, đã giúp hiện thực hóa những phác thảo của anh trên giấy trở nên sinh động và chân thực trong không gian ảo. Mặc dù đây chỉ là “thực tế ảo” nhưng các hình thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên các số liệu cụ thể, nhằm hướng đến các phương án tái lập và phục vụ các công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa Đại Việt thời Lý đến với xã hội ngày nay.
Bước vào không gian chùa Một Cột được tái hiện bằng công nghệ thực tế ảo, người xem có thể chiêm ngưỡng tháp chuông Quy Điền, tháp Lưu Ly, hồ Bích Trì, tháp Bạch Manh, điện thờ Nam Phương Thiên Vương như trong nhiều tư liệu Hán Nôm mô tả. Một số hiện vật kiến trúc như ngói sen, lá đề cũng không xa lạ vì đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy ở các công trình thời Lý.
Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn, (CEO VNI, Holomia, thành viên sáng lập Sen Heritage) chia sẻ về quá trình tái hiện chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo
“Vấn đề là mọi người thường không có một căn cứ trực quan nào để có thể tìm hiểu về các di sản lịch sử, ngoài những bản vẽ 2D hoặc những hình ảnh chụp lại ở đâu đấy. Với nền tảng công nghệ 3D, chúng tôi đã vẽ lại những công trình đó để mọi người có thể tìm hiểu, khám phá di sản ấy trong không gian ảo.
Ban đầu nó chỉ là những hình ảnh minh họa, sau đó dần, mọi người có thể bước vào trong, có thể sờ, chạm và thực sự là một phần trong đó. Dù chỉ là không gian ảo nhưng toàn bộ những thức kiến trúc, hình thái mỹ thuật của chùa Diên Hựu mà chúng tôi tái lập trên không gian 3D căn cứ theo Sử liệu và những nghiên cứu khảo cổ thực tế,” KTS Đinh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Là người nhiều năm đau đáu với những giá trị di sản của dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ niềm vui, sự ngưỡng mộ với công trình tái hiện chùa Một Cột trong không gian công nghệ thực tế ảo của nhóm Sen Heritage.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự xúc động với công trình tái hiện chùa Một Cột trong không gian công nghệ thực tế ảo
“Tôi thực sự vui mừng khi được chiêm ngưỡng chùa Một Cột trong không gian ảo hôm nay. Khung cảnh ngôi chùa Diên Hựu hơn 1.000 năm trước được mô tả hết sức chi tiết, sống động. Tuy chưa phải là hiện thực bằng vật chất, nhưng bằng công nghệ số, chúng ta có thể hoàn toàn hình dung như mình đang sống trong chính không gian ấy.
Và điều đáng ghi nhận nhất đối với công trình nghiên cứu của TS Trần Trọng Dương là anh biết “lôi kéo”, hướng khoa học công nghệ hiện đại vào việc khám phá, phục dựng di sản của Tổ tiên, để trả lời cho câu hỏi Tổ tiên chúng ta như thế nào để hun đúc lên tình yêu, niềm tự hào đối với lịch sử nước nhà. Tôi rất mong dự án này nhận được sự quan tâm của cộng đồng, được nhiều cơ quan ứng dụng vào đời sống, nhất là đời sống học đường vì nó hướng tới những giá trị văn hóa bền vững, đặt lịch sử về với đúng vai trò, giá trị của nó.”
Chị Đinh Thị Nguyệt, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội chia sẻ về cảm xúc khi được đeo kính 3D, quay ngược về quá khứ 1.000 năm của thời Lý xưa kia và “bước vào lịch sử”.
Chị Đinh Thị Nguyệt, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội
Chị Nguyệt cho biết: “Trước đây, tôi cũng đọc các tư liệu về việc xây dựng chùa Một Cột từ thời Lý 1049. Nếu không nhờ công nghệ 3D này, mọi người sẽ không thể hình dung được di sản trong quá khứ của cha ông lại hoành tráng, quy mô đến thế. Tôi thực sự ngỡ ngàng.”
Toàn cảnh chùa Một Cột qua phương án tái lập Kiến trúc một cột thời Lý được mô phỏng bằng công nghệ thực tế ảo
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến phản biện cho rằng, phiên bản chùa Một Cột được mô phỏng bằng công nghệ 3D mới chỉ dựa trên những giả thuyết do một nhóm nghiên cứu đưa ra, chưa có bằng chứng xác thực 100% trùng khớp với nghệ thuật kiến trúc và lịch sử thời Lý cách đây 1.000 năm. Tuy nhiên, đa phần đều ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhóm Sen Heritage trong việc tìm tòi, nghiên cứu và phục dựng di sản, góp phần mở ra một cánh cửa khoa học làm nền tảng cho những nghiên cứu sau này.
Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn, người đảm nhận việc thực hiện 3D hóa công trình chùa Một Cột, cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện khi nhận được những ý kiến chuyên môn của các nhà khảo cổ học và người nghiên cứu mỹ thuật, tôn giáo…
VR3D chùa Diên Hựu - Một Cột thời Lý là sản phẩm đầu tiên của nhóm trong chương trình tái lập (reconstruct) các di sản kiến trúc - mỹ thuật thời Lý Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí… và nhiều di sản văn hóa khác.
Anh Vũ
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...