Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kiểm tra các cơ sở lưu trú phòng dịch COVID-19. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Để cụ thể hóa các nội dung, biện pháp phòng, chống, hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe an toàn của người lao động, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế đã có công văn số 490/BYT-MT gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kèm hướng dẫn) khuyến cáo đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động.
Vệ sinh cá nhân theo đúng khuyến cáo
Trách nhiệm của người lao động khi ở nhà/ký túc xá là cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế; chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết cho thời gian làm việc; tự theo dõi sức khỏe nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên chủ động ở nhà/ký túc xá và thông báo cho đơn vị quản lý.
Nếu ở nhà, người lao động đeo khẩu trang, tự cách ly ở phòng riêng, thoáng khí, giữ khoảng cách với người khác ít nhất 2 mét; gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế, đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị; thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế; thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc cho vào túi buộc kín miệng; sử dụng riêng đồ dùng cá nhân; hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không đến chỗ đông người; chủ động cập nhật tình hình sức khỏe, kết quả khám cho đơn vị quản lý.
Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ mắc COVID-19 thì cần tham khảo thông tin về tình hình dịch trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế http://www.moh.gov.vn. Người lao động có bệnh mạn tính (tiểu đường, tim mạch, phổi...) cần cân nhắc khi đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm; tìm hiểu thông tin, các biện pháp dự phòng lây nhiễm từ người làm công tác y tế/cơ quan y tế địa phương; chuẩn bị dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn và các vật dụng cần thiết, tạo điều kiện cho việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân khi đi công tác.
Người lao động khi thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, ký túc xá cần thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
Tại nơi làm việc, người lao động cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế: rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng; rửa tay tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh; che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí; bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín, vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay với xà phòng; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.
Người lao động cũng cần giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe, như: tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay... Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc/khách hàng có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở thì bản thân thực hiện hoặc hướng dẫn người cùng làm việc/khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, báo cho người quản lý hoặc người làm công tác y tế tại nơi làm việc. Không có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ mắc COVID-19.
Đối với người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm cao, ngoài những khuyến cáo trên, Bộ Y tế lưu ý người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, người dân cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn; sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn; sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2 mét (nếu có thể); không mua, bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã; tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.
Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ mắc COVID-19, ngoài các khuyến cáo ở trên, người lao động động cần tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác. Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở thì cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế và đến cơ sở y tế gần nhất đế được tư vấn, điều trị kịp thời.
Khi kết thúc ca làm việc, người lao động phải đảm bảo vệ sinh phòng chống lây nhiễm. Dọn vệ sinh, vứt bỏ túi chứa khăn giấy, khẩu trang, vật dụng đã sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định, rửa tay bằng xà phòng. Không mặc quần áo sử dụng khi làm việc về nhà/ký túc xá. Để quần áo, vật dụng (đối với khẩu trang, găng tay sử dụng nhiều lần) đã sử dụng trong túi kín, giặt sạch sau mỗi ca làm việc.
Sau khi đi công tác về từ khu vực có nguy cơ mắc COVID-19, người lao động tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày và đo nhiệt độ 2 lần/ngày. Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở thì người lao động cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế, đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, cách ly chặt chẽ; thông báo cho người quản lý và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch
Trách nhiệm của người sử dụng lao động, ban quản lý ký túc xá là cần thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc; thiết lập đường dây nóng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế; phân công, công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bao gồm: những nội dung cần triến khai cho công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc, ký túc xá người chịu trách nhiệm thực hiện, người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kinh phí đảm bảo thực hiện. Trong kế hoạch cần lưu ý có phương án xử trí, bố trí phòng để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở trong quá trình làm việc hoặc khi đang ở ký túc xá, sắp xếp nhân lực, kinh phí phù hợp để thực hiện kế hoạch; có kế hoạch bố trí khu cách ly tập trung tại khu vực làm việc hoặc tại ký túc xá của người lao động theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi được yêu cầu.
Các đơn vị cũng cần hạn chế người không có phận sự vào khu vực làm việc/ký túc xá. Nếu có thể, bố trí nhân lực tại cổng ra vào vào đầu ca làm việc để đo thân nhiệt nhanh cho người lao động và thực hiện khử khuẩn; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động tập trung đông người trừ trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng, chống dịch; có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh hoạt (nếu được); khuyến khích người lao động trao đổi, làm việc trực tuyến qua điện thoại, E-mail,... Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, đảm bảo luôn có đủ nước sạch, xà phòng cho người lao động và khách hàng; bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; đảm bảo có đủ các trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh, khử khuẩn nơi làm việc, khu ký túc xá.
Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ, tiếp xúc với nhiều người cần cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn; cung cấp, hướng dẫn sử dụng khẩu trang, găng tay đúng cách cho người lao động; cung cấp các dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc/khu dịch vụ/phương tiện vận chuyển/ký túc xá cho người lao động; tăng cường thông khí nơi làm việc bằng cách tăng thông gió, hoặc mở cửa sổ, cửa ra vào, hoặc sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa; tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc/khu dịch vụ/ký túc xá của người lao động; bố trí giờ nghỉ giải lao/ăn trưa lệch giờ; tránh tập trung đông người ở căng tin trong một khung giờ, tránh ngồi đối diện nhau. Ăn xong rời khỏi căng tin ngay, tránh tiếp xúc không cần thiết. Thông báo, đề nghị các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (thực phẩm, cung cấp suất ăn, vệ sinh môi trường, khử khuẩn...) cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Khi có trường hợp người lao động/khách hàng có một trong các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì các đơn vị thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động về việc thực hiện khuyến cáo này và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế về phòng chống dịch; tổ chức thông tin truyền thông về phòng, chống dịch bệnh cho người lao động và khách hàng. Treo, dán các áp phích, thông báo hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực công cộng người lao động/ khách hàng có thể đọc và làm theo...
Bảo đảm vệ sinh môi trường, khử khuẩn nơi làm việc
Các cơ quan, đơn vị khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường, như: dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% C1o hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn, ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Các bề mặt bẩn phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.
Làm tốt công tác vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chung tại nơi làm việc. Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, phân xưởng, gian bán hàng, các bề mặt có nguy cơ tiếp xúc cao, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày.
Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên, như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung: khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày.
Tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động bằng cách tăng thông gió hoặc mở cửa ra vào, cửa sổ, sử dụng quạt hoặc các giải pháp phù hợp khác, hạn chế sử dụng điều hòa...
Bộ Y tế đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các cơ sở lao động trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện hướng dẫn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn Lao động các cấp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện cách ly tập trung tại nơi làm việc, khu công nghiệp, ký túc xá cho người lao động khi cần thiết, huy động các nguồn lực để thực hiện việc cách ly chống dịch; tạo điều kiện, hỗ trợ để người được cách ly yên tâm thực hiện việc cách ly trong suốt thời gian theo dõi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường nhân lực y tế hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở lao động, khu công nghiệp và ký túc xá của người lao động; đảm bảo đủ kinh phí để triển khai tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động. Các Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống bệnh COVID-19 của tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực thực hiện; chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành tổ chức tập huấn triển khai hướng dẫn cho người làm công tác y tế tại cơ sở lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề và các khu công nghiệp trên địa bàn...
Theo baotintuc.vn
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...