Biết thời điểm 'vàng' để đến TP. HCM
Không giống với Hà Nội, thời tiết ở TP. HCM được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Nhưng cái nắng của Sài Gòn không gắt, những cơn mưa cũng không kéo quá dài. Do đó, bạn có thể đến Sài Gòn vào bất cứ thời điểm nào. Đây là thành phố sôi động, nhộn nhịp quanh năm nên bất cứ khi nào bạn cũng có thể ghé thăm Sài Gòn để trải nghiệm, vui chơi hay tìm hiểu những sự khác biệt của con người nơi đây.
Lễ hội Rằm tháng giêng lớn nhất ở phố người Hoa- Quận 5
Tuy nhiên, để chuyến đi thêm ý nghĩa và đầy ắp kỷ niệm, bạn nên đến Sài Gòn vào dịp sau tết (tầm tháng 2, tháng 3) để tham gia lễ hội Rằm tháng giêng lớn nhất ở phố người Hoa và đại lễ hoa đăng tết Nguyên tiêu trên sông Sài Gòn…
Vào các mùa lễ hội, hoạt động mua sắm và vui chơi tại TP. HCM diễn ra vô cùng sôi nổi trên khắp các ngả đường. Bạn có thể đến TP. HCM vào những ngày này để tận hưởng bầu không khí náo nhiệt nhưng rất ấm áp.
Thuộc nằm lòng phương tiện đi lại
Sân bay Tân Sơn Nhất là cảng hàng không quốc tế lớn nhất của Việt Nam và cũng chính là ga đi trong nước (từ TP. HCM đi các tỉnh và ngược lại). Từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP. HCM mất khoảng 20 phút đi xe taxi.
Các bạn cũng có thể đi bằng đường sắt. Các chuyến tàu liên tục trong năm phục vụ hành khách Bắc Nam, giá vé bạn có thể tham khảo và đặt vé tại www.dsvn.vn.
Dù đi bằng phương tiện nào thì bạn cũng nên gọi điện để hỏi giá và book vé trước. Sài Gòn có rất nhiều phương tiện di chuyển để bạn lựa chọn như: taxi, xe máy, xe buýt, xe đạp, hoặc có thể là xích lô…
Nếu lựa chọn xe buýt thì cần tìm hiểu trước các tuyến xe buýt ở TP. HCM và đánh dấu những tuyến di chuyển giữa các điểm du lịch mà bạn muốn đi. Nếu không biết có thể lên fanpage của buýt Sài Gòn (https://www.facebook.com/buyttphcm) để hỏi. Người quản lý của Fanpage này rất nhiệt tình, bạn chỉ cần nói điểm bạn muốn đi, họ sẽ chỉ rõ.
Khách du lịch nước ngoài thường chọn xích lô là phương tiện di chuyển để tham quan thành phố
Nếu di chuyển bằng taxi thì bạn nên chọn những hãng uy tín để tránh tình trạng xe dù 'chặt chém' khách. Nếu muốn đi xe máy thì hãy thuê xe ở các nơi dành cho người nước ngoài như phố Tây Bùi Viện (Q.1). Giá thuê vào khoảng 100.000VNĐ/ngày.
Nắm chắc thông tin liên lạc và thanh toán
Mã vùng điện thoại ở TP.HCM là +8428. Tổng đài du lịch là 1087.
Thẻ tín dụng: Chấp nhận thanh toán thẻ Visa, Master, American Express, JCB và Diners Club International tại hầu hết các nhà hàng, trung tâm mua sắm, khách sạn, công ty du lịch và xe taxi. Vài nơi (đặc biệt là các công ty du lịch) tính phí thanh toán thẻ lên đến 4%. Ngân hàng Sacombank và Vietcombank tính phí 3% khi rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng.
ATM của các ngân hàng có thể dễ dàng được tìm thấy trong trung tâm thành phố, đặc biệt tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, khách sạn lớn.
'Thủ sẵn' vài mẹo nhỏ
Khi đi hãy mang theo những giấy tờ tùy thân cần thiết. Nếu vào TP. HCM bằng phương tiện cá nhân thì nên mang theo đầy đủ giấy tờ xe. Ngoài ra, quần áo, giầy dép chỉ nên mang đủ cho những ngày bạn ở đây. Nếu thiếu có thể mua ở chợ, giá cả cũng không hề đắt. Bên cạnh đó là thuốc men và một số đồ dùng cá nhân cần thiết.
Khi mua bán, ăn uống hãy mặc cả trước. Khi lên taxi thì hãy theo dõi đồng hồ tính tiền. Vì chủ yếu là đi tham quan và không ở cố định nên hãy chọn những nhà nghỉ bình dân, giá rẻ, nhưng phải an toàn.
Vì thời tiết TP. HCM mưa nắng bất chợt nên hãy mang theo ô, áo mưa và áo chống nắng. Khi đi xe buýt hãy cần thận đồ cá nhân, đề phòng móc túi. Nhất là những tuyến xe buýt đông người.
Phạm Dương, theo thanhnien.vn