Nơi đây không chỉ là điểm đến tinh thần, nâng cao đời sống văn hóa, lịch sử mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho quân dân Trường Sa.
“Vinh dự và tự hào khi em được công tác ở đảo Sơn Ca. Khi đặt chân lên đảo, điều làm em vô cùng bất ngờ khi thấy bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp uy nghi trong khuôn viên Công viên Đại tướng. Tự hào hơn khi em được giao nhiệm vụ cùng Đoàn Thanh niên của đảo hàng ngày chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp...”.
Đó là chia sẻ của chiến sĩ Lê Chí Tài đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca. Đối với Tài và đồng đội, việc giữ gìn công viên luôn sạch đẹp không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng, mà còn thể hiện lòng biết ơn đối với công lao của Đại tướng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ tự hào, Lê Chí Tài luôn tự nhủ phải noi gương và học tập theo Đại tướng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng danh bộ đội Cụ Hồ, người chiến sỹ Hải quân.
Để tưởng nhớ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, công viên và tượng đài mang tên Đại tướng đã được xây dựng trên đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa. Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa uy nghi, vừa gần gũi giữa biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ chiến sỹ trẻ trên đảo. Đây cũng là điểm đến văn hóa, tinh thần của quân dân huyện đảo, của những bà con ngư dân khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống Trường Sa.
Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VOV.VN
Chủ tịch UBND huyện Trường Sa - Lê Đình Hải cho biết: "Chúng tôi là những thế hệ sau luôn ra sức học tập, noi gương vị tướng của nhân dân, luôn lấy tấm gương của người để phấn đấu xây dựng quốc phòng an ninh trên biển".
Được xây dựng ở phía trước đảo Sơn Ca hướng thẳng ra Biển Đông, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thiết kế rất đặc biệt. Trung tâm công viên là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cao 1,76 m, nặng khoảng 3 tấn được tạc từ đá sa thạch nguyên khối thể hiện thần thái uy nghi và quyết đoán của vị tướng tài. Một bức tường hình vòng cung chạy thành hai cánh ôm phía sau bức tượng đài được lát bằng gốm với gần 300 bức ảnh được sắp xếp theo trình tự lịch sử.
Bên cánh phải là hình ảnh về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Trần Hưng Đạo khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, đến những chiến dịch, trận đánh và chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Bên cánh trái là hình ảnh các giai đoạn lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam từ ngày 07/05/1955 đến nay, trong đó có nhiều hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với các hoạt động, sự kiện chiến đấu của Hải quân Việt Nam.
Thượng tá Nguyễn Như Tuyến, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử. Công trình thể hiện tình cảm sâu sắc của cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa đối với Đại tướng.
"Rất vinh dự và tự hào cho cán bộ chiến sỹ trên đảo Sơn Ca – nơi có tượng đài của Đại tướng võ Nguyên Giáp. Đây còn là địa chỉ đỏ để Đảng ủy, Chỉ huy đảo thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập, sinh hoạt văn hóa, tổ chức báo công thành tích của các CBCS với Bác cùng nhiều hoạt động khác của CBCS trên đảo; đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống, ý chí chiến đấu của quân và dân cùng những cống hiến tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đồng thời xây dựng cho cán bộ chiến sỹ, thế hệ trẻ của đảo Sơn Ca học tập và noi theo gương Đại tướng -Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp"- Thượng tá Nguyễn Như Tuyến bày tỏ.
Thượng úy Đặng Anh Tuấn, Phân đội trưởng Pháo 37 chia sẻ: Công viên Võ Nguyễn Giáp là nơi giúp cán bộ, chiến sỹ yên tâm tư tưởng công tác trên đảo và là nơi lưu giữ những kỷ niệm, lịch sử chiến tích của cha ông để các thế hệ sau luôn ghi nhớ và biết ơn.
"Với tôi, trong quá trình công tác luôn cố gắng rèn luyện, theo tài đức và tài dư duy đường lối quân sự thao lược của Đại tướng để mỗi chúng tôi trưởng thành, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương." - Thượng úy Đặng Anh Tuấn chia sẻ.
Việc xây dựng Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa là sự tri ân đối với Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - người đã sáng suốt đề xuất Quân ủy Trung ương quyết định sớm giải phóng Quần đảo Trường Sa (ngày 29/4/1975), trong đó có đảo Sơn Ca (ngày 25/4/1975). Sự hiện diện của công trình Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà là lời khẳng định đanh thép ý chí quyến tâm giữ gìn chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trọn 1 thế kỷ hy sinh cho dân tộc, với tài năng, nhân cách của con người vĩ đại, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa đã trở thành điểm đến tinh thần cho quân dân huyện đảo. Đây còn là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống, ý chí chiến đấu của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; củng cố niềm tin, tạo thêm ý chí quyết tâm cho mỗi cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm vững tay súng canh gác chủ quyền biển đảo Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Thu Lan / VOV1
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |