Trải nghiệm

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần 6)

10:45 - 24/10/2020
Sau khi đi qua 2 huyện thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc là Tạp Đa và Nang Khiêm, cùng thành phố Ngọc Thụ, dòng Trát Khúc chảy sang địa phận Tây Tạng và tại thành phố Xương Đô thuộc khu tự trị này con sông đã chính thức mang tên Lan Thương.

Thành phố Xương Đô là cửa ngõ phía Đông của Khu tự trị Tây Tạng, còn được mệnh danh là “Hòn ngọc ở phía Đông Tây Tạng”. Với diện tích 110.000km2, Xương Đô chiếm 8,9% lãnh thổ Tây Tạng. Toàn thành phố có khoảng 780.000 dân.

Nơi hai dòng sông hợp lại thành Lan Thương (trái)

Trong tiếng Tạng, Xương Đô có nghĩa là “nơi hợp nhất của hai dòng sông”. Tại đây, dòng đầu nguồn Trát Khúc và dòng nhánh Ngang Khúc đã gặp nhau và hợp thành sông Lan Thương.

Trát Khúc và Ngang Khúc đều được coi là đầu nguồn của Mekong-Lan Thương, trong đó Trát Khúc ở phía Đông được xác định là dòng chính dùng để tính độ dài của dòng sông chảy qua 6 nước này. Trát Khúc bắt nguồn từ huyện Tạp Đa, tỉnh Thanh Hải, trong khi Ngang Khúc ở phía Tây bắt nguồn từ huyện Ba Thanh của Tây Tạng.

Xương Đô nằm giữa hai dòng sông Ngang Khúc (trái) và Trát Khúc (phải)

Như vậy, sau khi hai con sông đầu nguồn gặp nhau ở Xương Đô, dòng Lan Thương đã chính thức được hình thành. Độ dài của đoạn sông Lan Thương tại Xương Đô là 509km.

Nước cung cấp cho dòng Lan Thương chủ yếu là từ nguồn nước mưa tự nhiên và băng tuyết tan chảy của các rặng núi tuyết vĩnh cửu trên cao nguyên Thanh Tạng. Sông Lan Thương được Trung Quốc đánh giá là có tài nguyên, năng lượng nước phong phú và rất có giá trị khai thác, chỉ riêng tại Xương Đô trữ lượng năng lượng nước trên lý thuyết đã lên tới 9.040.000kw.

Xương Đô vừa kỷ niệm 70 năm giải phóng hôm 19/10

Nằm ở khu vực yết hầu tiếp giáp giữa Tây Tạng với Tứ Xuyên, Thanh Hải và Vân Nam, Xương Đô đóng vai trò quyết định trong quá trình giải phóng Tây Tạng của chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1950.

Trên thực tế, trước khi “giải phóng hòa bình” Tây Tạng, Quân giải phóng Trung Quốc đã phải tiến hành các cuộc tấn công ác liệt tại Xương Đô, nhằm tiêu diệt quân chủ lực của chính quyền Tây Tạng tại đây sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên đổ vỡ.

Chỉ sau chiến thắng của Chiến dịch Xương Đô, chính quyền Tây Tạng mới chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ đặc biệt này. Ngày 19/10 vừa qua, Xương Đô vừa kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng.

Khu trung tâm thành phố trên núi Xương Đô

Ngày nay, với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, khu vực trung tâm Xương Đô đã được thiết kế, xây dựng lại và được đánh giá là một trong những thành phố có phong cách kiến trúc khác biệt so với nhiều địa phương ở Tây Tạng.

Cùng với tốc độ nhanh chóng của tiến trình đô thị hóa, trong số khoảng 120.000 người sinh sống ở khu vực trung tâm Xương Đô có tới ½ là người Hán, trong đó đa phần là người Tứ Xuyên. 

Đường phố Xương Đô rực rỡ sắc màu

Số liệu do chính quyền Xương Đô cung cấp cho thấy, GDP của thành phố đạt hơn 22 tỷ nhân dân tệ (tức khoảng 3,2 tỷ USD) vào cuối năm 2019, tăng trung bình 14,4% kể từ năm 2012. Trong đó, giá trị tổng sản lượng ngành dịch vụ chiếm gần ½, đạt hơn 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,45 tỷ USD).

Khu trung tâm thành phố cũng được xây dựng từ năm 2012 và hoàn thành vào năm 2015. Thành phố này mới thoát nghèo cuối năm 2019.

Thêm một số hình ảnh về thành phố Xương Đô:

Để vào được Tây Tạng, người nước ngoài cần làm thủ tục trước khoảng 1 tháng và trong tình hình dịch bệnh phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic. Trong ảnh là một trạm kiểm tra để vào địa phận thành phố Xương Đô, Tây Tạng

Bia đánh dấu nơi khởi nguồn của dòng Lan Thương tại thành phố Xương Đô

Dòng Ngang Khúc chảy qua Xương Đô

Khu thương mại nổi tiếng trên Quảng trường Trà Mã ở trung tâm thành phố Xương Đô

Quảng trường lấy tên Trà Mã, bởi thành phố này là một chặng trong Trà Mã cổ đạo. Đây là con đường cổ xưa in hằn dấu chân của người và ngựa dọc những ngọn núi cao ở phía Tây Nam Trung Quốc hơn 1.000 năm về trước.

Đây được coi là một trong những tuyến thông thương nằm ở vị trí cao nhất, nguy hiểm nhất trên thế giới. Là tuyến đường mà người dân ở các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên đã đi bộ và dùng ngựa thồ để đổi trà lấy ngựa với người dân Tây Tạng nên nó được gọi là con đường trà – ngựa cổ hay Trà Mã cổ đạo.

Cầu đi bộ đặc trưng văn hóa Tạng

Các cụ bà người Tạng ở Xương Đô

Đường phố Xương Đô

Quảng trường Trà Mã ở trung tâm Xương Đô

Dòng Ngang Khúc về đêm

Trung tâm Xương Đô về đêm

Bích Thuận/VOV Bắc Kinh