Mùa hè ở Luang Prabang như một trái dừa tươi uống trên vỉa hè, bên bờ Nam Khan đầy nắng. Vị ngọt dịu dàng và thanh khiết của nó được ướp thêm chút hương vị là làn gió mát rượi từ lòng sông đưa vào.
Phố cổ bên dòng Mekong
Nếu du khách muốn tìm kiếm một điều gì đó hấp dẫn, thú vị bất ngờ khi đến với cố đô nước Lào, họ chắc chắn sẽ thất vọng. Thay vì vội vàng, thành phố này sẽ khiến bất cứ ai cũng phải bước chậm lại.
Được bao quanh bởi Mekong và phụ lưu của nó là Nam Khan, chìm trong núi rừng bạt ngàn của miền đông bắc nước Lào, Luang Prabang vừa có khí hậu mát mẻ, trong lành, lại vừa sở hữu những báu vật vô giá của một nền văn hóa vàng son. Thành phố được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1995, là một bảo tàng sống động của những công trình tôn giáo, kiến trúc cổ kính nhuốm màu thời gian.
Phố cổ nhỏ nhắn, pha trộn hài hòa giữa nét hiện đại đô thị và sự dân dã thôn quê, giữa văn hóa truyền thống Triệu Voi và sự ảnh hưởng của người Pháp, giữa đời sống thường nhật và tinh thần Phật giáo. Những ngôi nhà trên phố ẩn sau khu vườn xanh mát và yên tĩnh, nơi có những cánh hoa champa rụng xuống sau đêm mưa.
Chỉ vài bước chân, chúng tôi đã tới một ngôi chùa có mái cong vút, nơi những nhà sư dạo bước dưới chân đức Phật hiền từ, Wat Xieng Thong, Wat Aham, Wat Mai Suwannaphumaham, Wat Wisunarat, Cung điện Bảo tàng Hoàng gia,... Sau 300 bậc đá lên tới đỉnh núi Phou Si lúc bình minh, Luang Prabang sẽ trải dài ngút ngàn trong tầm mắt.
Luang Prabang yên tĩnh nhưng không vắng lặng. Đó là sự bình yên mà ngay cả âm thanh bất chợt của những chiếc xe tuk tuk, xe máy sặc sỡ của người dân địa phương hay xe đạp của du khách cũng không thể nào phá vỡ được.
Chân trần qua từng con phố
Ngày mới ở Luang Prabang bắt đầu theo một cách khác biệt. Từ 5 giờ sáng, khi mặt trời còn chưa ló dạng, một nghi lễ độc đáo đã diễn ra khiến chúng tôi choáng ngợp. Hàng trăm nhà sư từ những ngôi chùa khác nhau xuống phố, cùng đi khất thực. Dẫn đầu là các nhà sư lâu năm, tiếp theo lần lượt là các vị trẻ tuổi hơn, đôi khi có thêm vài chú chó dẫn đường.
Chân trần, vai đeo bình bát dây vải, dòng người mang sắc cam cứ thế chậm rãi, thong dong bước qua từng dãy phố. Trên hè phố là các gia đình trong trang phục truyền thống, cung kính dâng lên xôi nếp, đồ chay, hoa quả hoặc bánh kẹo đã cẩn thận chuẩn bị từ trước.
Lễ khất thực cứ thế diễn ra lặng lẽ trong không khí thành kính, thiêng liêng nhưng cũng rất đời thường, dung dị, cho đến khi bóng những nhà sư khuất phía sau cổng chùa. Lễ vật một phần để nhà tu hành sử dụng trong ngày, một phần được chia lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, như một cách san sẻ, cân bằng giữa cho và nhận theo đúng tinh thần của nhà Phật.
Lang thang chợ đêm, làng nghề truyền thống
Mỗi tối, những khu chợ đem lại cho Luang Prabang một sự rộn ràng hiếm có. Đường phố lên đèn cũng là lúc chợ đêm mở cửa, chủ yếu để phục vụ cho du khách thập phương. Chúng tôi hoa mắt bởi những tấm lụa dệt mềm mại như nước, sản phẩm mỹ nghệ tinh tế, điêu khắc bạc khéo léo hay những tấm tranh bằng giấy saa đẹp mê mẩn...
Trót đắm say với nghệ thuật Lào, chúng tôi mượn vài chiếc xe đạp, thong dong lướt qua những con đường xanh mát để đến với các làng nghề dệt lụa, làm giấy, tận mắt chứng kiến quy trình chế tác các món đồ thủ công đẹp mắt. Với những tâm hồn ăn uống, chúng tôi chọn cách dạo chợ truyền thống, vừa ngắm những món ăn bản địa lạ mắt, vừa hòa mình vào cuộc sống của người địa phương.
Khi đã đói bụng, chẳng gì bằng thưởng thức ẩm thực Lào với xôi nếp đựng trong chiếc giỏ tre xinh xắn, ăn kèm với món lạp ngon và cay nức tiếng, gỏi đu đủ, cá sông Mekong nướng trui hay dế chiên giòn cho những người dũng cảm. Và dù ăn gì cũng không thể thiếu một ly bia Lào ướp lạnh, tuyệt ngon với màu vàng sóng sánh như mật.
Ký ức về Luang Prabang đẹp và dịu ngọt, nhắc ta trở lại cố đô nước Lào ngay cả trong những giấc mơ của ngày hè yên ả./.
Theo VOV.VN