Trải nghiệm

Trải nghiệm lơ lửng lưng chừng trời ở Á Đinh

11:25 - 18/01/2020
Đến Á Đinh (Yading) dịp cuối Thu đầu Đông 2019, nhóm “6 nàng mê phượt” chúng tôi chọn hành trình “ngược” nên ngay từ chặng đầu đã biết thế nào là chứng sốc độ cao. Nhưng càng đi càng mê mẩn bởi cảm giác thực sự thấy khác lạ so với ở nhà, mà có lẽ một phần bởi chúng tôi chọn cách “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”…

Chào mừng đến với sân bay (nghe nói là) cao nhất thế giới!

Hành trình “ngược”

Trước cứ ngỡ Tứ Xuyên chỉ có đỉnh cao là Cửu Trại Câu với Nga My Sơn, giờ lại nghe nói so với Á Đinh (Yading) thì Cửu Trại Câu chưa cao lắm. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không khoác ba lô lên đường!

Nghiền ngẫm và tham khảo ý kiến chán chê, chúng tôi chốt lịch trình “ngược”: bay Hà Nội - Đạo Thành để đi Á Đinh trước, rồi thuê xe trở lại Thành Đô để bay về Việt Nam. Như vậy giá vé rẻ vì ít người đi kiểu đó, đồng thời tiết kiệm được thời gian di chuyển. Tất nhiên cái giá khác phải trả là đùng một cái rơi tõm từ nơi ấm áp tới nơi giá lạnh, lại lửng lơ ở độ cao những hơn 4.000m khiến cơ thể không thể thích nghi độ cao từ từ nên dễ “nếm mùi” sốc độ cao (AMS) lắm!

Cổng chào Yading. Thật may mắn vì chúng tôi gửi lại phần lớn hành lý ở Shangrila vì chỉ nghỉ lại 1 đêm trong khu bảo tồn, mà đoạn đường từ điểm mua vé đến điểm đón xe bus khá dài, trên xe bus lúc nào cũng đông.

Sau chặng bay Hà Nội - Quảng Châu, sáng sớm hôm sau chúng tôi bay tiếp tới Đạo Thành. Cảnh tượng chung tại sân bay ở độ cao 4.411m này là người người mở vali, lấy đồ ấm chất lên người vì nhiệt độ bên ngoài chỉ khoảng 5-6 độ C. Thực ra cảm giác có vẻ không quá lạnh nhưng tay chân và thậm chí cả da mặt lập tức đỏ lên, tê tê bì bì như bị châm chích.

Cảm giác đó càng rõ hơn khi ta vận động, bước hơi dài, hơi gấp là sẽ cảm nhận được nhịp tim tăng nhanh, bị hụt hơi, ai nhạy cảm thì thấy đầu đau buốt. Chính xác là triệu chứng AMS, nó rất đa dạng và tuỳ thể trạng của mỗi người. Nhóm chúng tôi có 3 người yếu và đuối khi trekking cung đường dài. Oxy rít liên tục, mỗi bước chân chỉ 10-20cm nhưng đi khoảng chục bước là phải dừng nghỉ. Đúng là lúc đi hết mình mà lúc về… hết hồn!!!

Thật ra đường không quá khó đi, đoạn dốc chỉ chiếm ¼. So với các cung trekking núi non ở Việt Nam thì chỉ như “loại tôm tép”, nhưng độ cao khiến độ khó tăng lên có lẽ gấp tới 5 lần.

Mới tới dưới chân núi nên “các mị” trông còn sung sức lắm.

Đã đặt trước xe đón đoàn với giá 600 Nhân dân tệ cho chặng đường hơn 100km từ sân bay tới thị trấn Shangrila - cửa ngõ của Yading, nên vừa ra khỏi cổng đã thấy cậu lái xe người dân tộc, vui tính và hiếu khách đến đón.

Chặng trekking đầu chúng tôi đi cung ngắn qua 3 điểm: tu viện, đồng cỏ, hồ Trân Châu (Pearl lake). Đường đẹp và dễ đi, chỉ hơi mệt những đoạn leo bậc thang nhưng bù lại được đã con mắt ngắm phong cảnh cuối Thu với sắc lá vàng nổi bật trên nền núi non trùng điệp.

Hồ Trân Châu là đích đến của cung này nhưng các hồ khác còn tuyệt hơn. Chúng tôi ăn trưa muộn ven hồ, xung quanh có những chú sóc xinh xinh nhảy nhót và các loại chim hót ríu ran có vẻ rất thân thiện với con người. Đã chụp ngàn lẻ một cái ảnh lá vàng ở đây mà vẫn chưa chán.

Cung đường Vàng rực rỡ.

Chuyển sang trekking cung đường dài với hai đích đến là Hồ Sữa và Hồ Ngũ Sắc. Đó là một ngày nắng tưng bừng và rất đáng nhớ vì để lại nhiều cảm xúc với tất cả thành viên trong nhóm, ai cũng như trong cuộc chạy đua với thời gian từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối để… ngất ngây và chụp hình quên cả thời gian.

Để tới được Hồ Sữa chúng tôi mất 5 giờ để leo… 5km.

Thiên đường nhiếp ảnh

Tân Đô Kiều (Xinduqiao) nằm ở độ cao 3.460m - nơi được mệnh danh là thiên đường cho dân nhiếp ảnh với những thung lũng lá vàng, dòng nước uốn lượn xanh mê hoặc màu ngọc bích... Những năm gần đây Tân Đô Kiều bị thương mại hoá rất nhanh, khách sạn mọc lên như nấm, du khách tấp nập hẳn lên.

Vì đã mãn nhãn với lá vàng ở Á Đinh nên chúng tôi lướt qua đây khá nhanh, chỉ dành một giờ chơi dọc đường. Ấn tượng nhất là dòng sông Mả Ní quanh co với hàng km đá dưới sông đều được viết Kinh văn. Tiếp đó là một ngày rất dài với hành trình đi vòng quanh núi tuyết Yala trước khi dừng chân tại Danba.

Rời Á Đinh trong “phủ phê”, chúng tôi có nguyên ngày để di chuyển hơn 400km từ Shangrila qua Litang đến Xinduqiao, qua những thung lũng đá và con đường tuyết trắng tinh khôi...

Trên đất Tạng nên các ngôi đền Tạng có thể thấy ở khắp mọi nơi, nhưng mấy chuyến trước chúng tôi đã tới khá nhiều tu viện Tạng nổi tiếng rồi nên lần này chỉ dừng 5 phút trước cửa Ta Gong (một địa danh có tiếng trên bản đồ) nhưng không vào trong, mà dành trọn cả buổi trưa tại một tu viện hẻo lánh ít du khách đến. Đó là đền và tu viện Muya.

Muya cũng chính là tên của khu vực phía đông sông Yalong. Từ phía nam của các quận Daofu và Danba đến phía bắc của huyện Jiulong được người Tây Tạng coi là lãnh thổ của Muya (hay Minyak). Do đó cư dân sống ở đây thường được gọi là người Muya mặc dù về mặt dân tộc phần lớn dân là người Kham Tây Tạng.

Những dòng kinh văn cầu bình an được viết trên các tảng đá dưới lòng sông Mả Ní kéo dài mấy km như thế này.

Người Muya Tây Tạng – số người nói ngôn ngữ Muya Qiangic – nghe đâu chỉ khoảng 15.000 người, sống phân tán trên một vòng cung bao quanh ngọn núi Gongga hùng vĩ cao 7.556m – “Vua” của núi Tứ Xuyên. Họ là những người theo đạo Phật Tây Tạng rất sùng đạo và ở đây có một tu viện nơi các Lạt ma đều nói tiếng Muya - chính là Muya tự.

Đền Muya tuy nhỏ nhưng không hề kém phần đặc sắc.

Homestay ở Danba

Tạm biệt núi tuyết Yala hùng vĩ sau khi đi trọn 1 vòng đông - tây - nam - bắc. Tạm biệt những rừng thông lá kim vàng óng, chúng tôi chuyển sang chiêm ngưỡng cảnh sắc hoàn toàn khác.

Núi tuyết Yala (Yala snow mountain) hùng vĩ cao 5.820m nhìn từ Tagong. Đây là núi tuyết lớn nhất (nhưng không phải cao nhất) ở vùng Cam Tư thuộc châu tự trị dân tộc Tạng Garze, tỉnh Tứ Xuyên.

Danba là một châu tự trị dân tộc Tạng ở Cam Tư, là nơi có số lượng và tập trung nhiều nhà đá Tây Tạng nhất Trung Quốc nên còn có tên là Thiên Điêu cổ quốc. Với dân du lịch thì Danba nổi tiếng là làng Tạng đẹp nhất Trung Quốc với 3 đại diện: Jiaju, Suopo và Zhonglu. Mấy làng này đều toạ lạc trên núi mà trước khi lên núi du khách phải mua vé: 50 nhân dân tệ/1 người có giá trị trong 2 ngày, nếu có đặt phòng ở trong làng thì được giảm còn 40 tệ.

Chúng tôi homestay một ngày hai đêm tại làng Jiaju của Danba, vừa đặt chân tới đây ý nghĩ đầu tiên chợt đến trong tôi là phải dành ít nhất một buổi sáng ở nhà, ngồi uống trà, nghe tiếng chim hót, lang thang ngoài vườn rau hoặc đi hái táo, chụp ảnh quanh nhà cũng mỹ mãn rồi. Nhưng cuối cùng vẫn thấy thiếu thời gian vì lại đi quần quật, bởi ai cũng muốn tìm hiểu xem tại sao Danba lại được mệnh danh là nơi của những làng Tạng đẹp nhất.

Những mái nhà tuyệt đẹp giữa khung cảnh xanh yên bình.

Đang từ vẻ đẹp hùng vỹ chói lói của những núi tuyết cao ngất, những rặng thông lá kim vàng óng, về đến Danba nhìn những ruộng rau xanh mướt, ngô vàng óng phơi khắp các mái nhà, gà qué chạy trong vườn, cây táo, cây đào xanh tươi mơn mởn khắp nơi... nếu không có những ngôi nhà Tạng đặc trưng thì chúng tôi cảm giác thật gần gũi như đang ở… Hà Giang.

Quả là Danba có vẻ đẹp êm đềm quá, nên thơ quá nên chắc cần thêm kha khá thời gian để thấm dần. Thích nhất là được hít thở “ôxy tươi” từ bầu không khí trong lành mà ấm áp, không bị ảnh hưởng bởi độ cao.

Hình như tất cả ngôi nhà Tạng ở đây đều làm du lịch với giá lưu trú từ vài chục đến hàng nghìn Nhân dân tệ một ngày đêm. Không nhà nào không đẹp, độ đẹp đồng đều một cách đáng kinh ngạc. Du khách có quyền ghé thăm bất kỳ ngôi nhà nào cũng đều được đón tiếp nồng hậu và miễn phí.

Lơ lửng lưng chừng trời…

Mọi ngôi nhà đều nằm trên núi, ven những con đường be bé xinh xinh, quanh co lắt léo, chỉ đi vừa một chiều chạy xe ô tô dành cho những tay lái lão luyện. Còn có những con ngõ nhỏ xíu, đi bộ cực thích. Thi thoảng mới thấy vài căn nhà kiến trúc theo lối hiện đại có bể bơi, nhà gỗ tam giác… nhưng vẫn hài hoà với tổng thể chung.

Đã qua mùa lá vàng cao điểm, Danba lại xanh tươi mơn mởn dưới đất và xanh thắm trên bầu trời. Dù đứng ở bất kỳ đâu ta cũng cảm nhận được sự trong lành, an nhiên dường như đưa con người ta… thoát tục. Giờ nghĩ lại chúng tôi lại khát khao được trở lại nơi ấy, một tay bê đĩa bánh ngô vàng ruộm thơm ngon, tay kia cầm bình trà nóng hổi bước ra chái hiên hoặc đi xa chút nữa ra hẳn ruộng rau, vườn hoa hồng hoặc hoa oải hương (lavender)… Để rồi vừa nhâm nhi bánh trái, trà nước vừa hít thở bầu không khí thanh sạch mát lành và cảm nhận rõ nhất thế nào là “cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Theo dantri.com.vn