Trương Gia Giới- Phượng Hoàng Cổ Trấn ở đâu?
Rất nhiều bạn hỏi: Trương Gia Giới- Phượng Hoàng Cổ Trấn có đáng để đi không? Câu trả lời của tôi là có. Thậm chí là rất đáng để bạn quay lại nữa. Đây là 2 địa danh thuộc tỉnh Hồ Nam, nam trung bộ Trung Quốc, tại trung tâm chiều dài dòng chảy của sông Trường Giang.
Bạn có thể ngồi máy bay tới Quảng Châu hoặc Côn Minh, sau đó đi tàu hoặc ô tô để tới được những điểm du lịch kể trên. Tuy nhiên cách này tốn kém, và để khớp được thời gian di chuyển giữa các phương tiện này cũng mệt mỏi. Vì thế đa phần mọi người đều lựa chọn đi đường bộ: ô tô đến tới Nam Ninh (tỉnh Trung Quốc giáp ranh với Việt Nam) rồi đi tàu hỏa một đêm là tới được Trương Gia Giới – điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi.
Cách đi này vừa tiết kiệm chi phí, vừa khá thuận tiện, và quan trọng là việc chuyển đổi giữa các phương tiện cũng khá khớp nhau về thời gian. Tuy nhiên, kể cả thế thì bạn vẫn phải mất ít nhất là 2 ngày di chuyển cho cả đi và về.
Tổng chi phí đi cả hai điểm rất hợp lý, chỉ khoảng 10-11 triệu cho một chuyến đi khoảng 7 ngày. Chi phí này bao gồm tiền vé tàu xe đi lại, visa, ăn uống, khách sạn, vé cáp treo, vé tham quan và một chút ít quà cáp về nhà.. nói chung là tất tần tật.
Trương Gia Giới và Phượng Hoàng cổ trấn là 2 địa điểm du lịch hoàn toàn khác biệt về phong cách mặc dù cùng thuộc tỉnh Hồ Nam và cách nhau khoảng 4 tiếng đi ô tô.
Chơi gì ở Trương Gia Giới?
Trương Gia Giới không đặc biệt bởi kiến trúc, văn hóa hay con người. Thứ duy nhất nơi này có là thiên nhiên: Núi Thiên Môn (Thiên Môn Sơn) và khu rừng Quốc gia Trương Gia Giới. Để lên được Thiên Môn Sơn, thông thường khách du lịch sẽ đi cáp treo – bến cáp treo ở ngay trung tâm thành phố, gần ga tàu, nên rất thuận tiện. Quá trình ngồi cáp treo lên đỉnh núi mất khoảng 20-30 phút mang lại cho bạn cảm giác lâng lâng như lạc vào tiên cảnh. Càng lên cao, bạn sẽ càng có cảm giác như mình đang cưỡi mây vậy.
Thấp thoáng dưới mây là 99 khúc cua tay áo thần thánh đẹp hút hồn. Lên đến đỉnh và bắt đầu công cuộc tham quan các điểm xung quanh, gồm Chùa Thiên Môn Sơn, Cổng Trời, Cầu thang kính vòng quanh vách núi, thang máy đi trong lòng núi…
Mỗi nơi đều có điểm thú vị riêng. Mà quan trọng là đứng trên đỉnh phóng tầm mắt ra xung quanh bạn sẽ thấy rõ thế nào là: “Vân ủng trùng Sơn, Sơn ủng Vân” (Mây ôm dãy núi, núi ôm mây).
Để tham quan chụp ảnh khắp Thiên Môn Sơn, thông thường bạn sẽ mất khoảng 5-6 tiếng. Kết thúc sẽ là Cổng Trời mà theo quảng cáo là 3 máy bay chui lọt. Sau đó lên bến ô tô ngay cạnh đấy để đi về.
Ngồi trên xe buýt xuống núi, bạn sẽ ngấm thế nào là 99 khúc cua. Lúc đầu tôi cũng định đếm thử xem có đúng 99 khúc thật không, mà đếm đến tầm khúc thứ 20 là thấy hoa mắt chóng mặt rồi.
Phượng Hoàng Cổ đẹp thế nào?
Và bây giờ là Phượng Hoàng Cổ trấn – “vơ đét” của chuyến đi. Khác với Trương Gia Giới chỉ có thiên nhiên, Phượng Hoàng Cổ trấn là sự kết hợp của thiên nhiên với kiến trúc, con người, phảng phất cái hư, cái thực, hiện tại và quá khứ.
Như đã nói, đi từ Trương Gia Giới đến Phượng Hoàng Cổ trấn mất 4 tiếng đi ô tô. Cái đẹp nhất của Phượng hoàng tất nhiên là ở kiến trúc, nhà cửa vẫn giữ được vẻ xưa cũ như từ bao năm qua.
Đứng ở bất kỳ góc nào ở Phượng hoàng Cổ trấn mà không có người xung quanh, bạn đều sẽ có cảm giác như mình đang xuyên không về một thời đại nào đó trong quá khứ.
Tuy nhiên, trong sự cổ kính của kiến trúc, nếp sống và bầu không khí ở cổ trấn đã tương đối hiện đại và mang đầy phong cách của một thị trấn du lịch rồi. Những hàng bán khăn, đồ lụa, quần áo, đồ lưu niệm, đàn, trống, đồ ăn, nhà hàng… nằm san sát, hòa vào nhau. Với những ai ưa hoài niệm, sẽ cảm thấy nuối tiếc khôn nguôi.
Phượng hoàng cổ trấn là một trấn nhỏ nằm 2 bên bờ sông Đà Giang. Vì thế nơi đây có rất nhiều cầu. Chụp ảnh góc nào cũng sẽ thấy cầu. Đơn sơ nhất nhưng lên ảnh nhiều nhất là Cầu đá nhảy. Ngoài ra còn có Tuyết kiều, Hồng kiều... mỗi cầu lại đẹp theo một cách riêng.
Cuối cùng, một kinh nghiệm các bạn nên nhớ là các bạn nên có một người biết tiếng Trung đi cùng đoàn. Lẽ tất nhiên, không có vẫn đi được, nhưng chắc chắn là sẽ vất vả hơn, ăn không được ngon bằng và sẽ khó khăn hơn nếu chẳng may có gì phát sinh.
Nói chung, nơi mà góc nào cũng là góc "sống ảo" như Trương Gia Giới- Phượng Hoàng Cổ Trấn thì các bạn cứ xách ba lô lên và đi thôi. Còn tôi, như đã nói ở trên, nhất định sẽ quay lại, để được chìm đắm trong không gian cổ trấn ngàn năm tuổi một lần nữa trong đời.
Phạm Dương