Sau hai chặng bay từ Hà Nội đến Côn Minh trên độ cao 1.900 mét và từ Côn Minh tới Lhasa ở độ cao 3.600 mét so với mực nước biển, chúng tôi được Tây Tạng chào đón bằng một chiều nắng vàng trong veo như mật, trời xanh, mây trắng. Đường về khách sạn rất đẹp, từng hàng bạch dương và liễu Tây Tạng mọc kín hai bên, gió thổi vi vút. Trong ánh hoàng hôn, những ngọn bạch dương trắng phau như dát bạc lấp lánh trên nền trời.
Hồ Yamdrok trên cao nguyên Tây Tạng
Hàng bạch dương non bên đường
Bò Yak - loài bò đặc trưng của Tây Tạng
Hành cung Potala
Toạ lạc trên một ngọn núi nằm ở trung tâm Lhasa, Potala Palace là một trong những kỳ quan mới của thế giới. Được xây dựng lại từ thế kỷ 16 dưới thời Đạt lai Lạt ma thứ 5, và suốt 50 năm cung điện mới được hoàn thành. Nhưng trước đó những dấu tích đầu tiên của Potala được vua Tùng Tán Cương Bố, vị vua hùng mạnh nhất Tây Tạng đặt nền móng. Người ta ví ông như Tần Thuỷ Hoàng của Tây Tạng vì những đóng góp to lớn trong công cuộc thống nhất các bộ tộc xứ Tạng.
Hành cung Potala uy nghiêm
Hàng ngày Potala chỉ mở cửa đón một lượng du khách nhất định và mỗi đoàn khách sẽ được vào trong một khung giờ theo đăng ký với ban quản lý, đến trễ thì mất lượt. Để vào trong cung, chúng tôi được khuyến cáo không mang theo nước uống và son phấn. Nước thì trong đó họ bán nên không cho du khách mang vào đã đành, còn son phấn cũng bị cấm thì quả thực không rõ lý do.
Đường lên Potala
Bước qua cổng kiểm soát soi chiếu như qua sân bay, Bạch cung, phần trước của Potala hiện ra trước mắt. Đây là nơi sinh sống và hành lễ, tiếp khách cũng như truyền dạy dệ tử của các Đạt lai Lạt ma. Trên những cánh cổng dẫn vào cung người ta treo những dây ngũ sắc biểu tượng cho sự may mắn cát tường. Ai đi qua cũng vuốt vào những nắm dây ngũ sắc này để cầu may mắn.
Dây ngũ sắc in những bài Kinh Phật được buộc ở khắp nơi
Trong Bạch cung có rất nhiều căn phòng với những bức tường trang trí hoa văn đặc trưng của người Tạng. Đây là nơi ở, giảng đạo và hành lễ của các đời Đạt lai Lạt Ma từ đời thứ 5 cho đến đời thứ 14. Một trong những ấn tượng gây kinh ngạc cho du khách là hệ thống thoát nước và thông khí trong cung được thiết kế vô cùng tinh xảo và khoa học , những bức tường dày từ 1-5m giúp cho không khí trong cung luôn thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Sau Bạch cung là khu Hồng cung toạ lạc ở vị trí cao nhất của Potala. Hồng cung được xây dựng từ nguyên liệu như gỗ, đá, mật ong và đặc biệt là một loại cỏ chỉ có các điện Phật và hoàng tộc mới được phép sử dụng. Đây là nơi có các điện Phật và bảo tháp nhục thân của 8 đời Đạt lai Lạt ma, trong đó bảo tháp của Đạt lai thứ 5 được đúc từ 4 tấn vàng, bên trong lại được cung tiến rất nhiều cháu báu và ngọc quý. Người ta ước tính số châu báu trong bảo tháp của Đạt lai thứ 5 đủ để mua hết thành phố Thượng Hải.
Bạch cung và Hồng cung phân biệt bởi màu sắc rõ rệt. Ảnh: rove.me
Trong cung còn lưu trữ một số Mandala được đúc bằng đồng, bạc vô cùng tinh xảo. Mandala được coi như một Bách khoa toàn thư mà các Đạt lai Lạt ma dùng truyền dạy tri thức cho đệ tử. Một thế giới thu nhỏ mà trong đó hành trình mỗi con người được mô tả chi tiết từ lúc sinh ra, lớn lên, sinh nở, bệnh tật, qua đời.. các hiện tượng thiên nhiên, lịch quay vòng của mặt trăng... một lượng kiến thức khổng lồ nhưng đầy bí ẩn.
Trước khi rời Potala mọi người không quên đi theo những chiếc kinh luân xếp vòng quanh chánh điện, chuyển kinh luân hay bánh xe Phật pháp mỗi lần quay là tượng trưng cho một lần tụng kinh niệm Phật. Hàng ngày từng dòng người cần mẫn đi quay những chiếc kinh luân như cầu nguyện cho một cuộc sống bình an thanh tịnh
Chuyển kinh luân xa
Đại Chiêu Tự
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến thăm Đại Chiêu Tự, một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng của Tây Tạng. Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ thứ 7 khi Văn Thánh công chúa nhà Đường được gả về cho Tạng vương Tùng Tán Cương Bố, công chúa có mang theo một bức tượng Phật Thích Ca Màu Ni bằng bạc và Đại Chiêu Tự được xây dựng để làm nơi thờ bức tượng này.
Đại Chiêu Tự linh thiêng nằm ở trung tâm Lhasa
Phật tử hành lễ "tam bộ nhất bái" "ngũ thể nhập địa"
Trong chùa ngoài tượng Thích Ca Màu Ni còn rất nhiều các tượng Phật lớn nhỏ do Phật tử các nơi cung tiến, tượng Tạng vương Tùng Tán Cương Bố và Văn Thánh công chúa cũng được đặt tại đây.
Ấn tượng nhất khi bước vào khu điện thờ ở tầng 1 là mùi mỡ bò gây gây, nặng chịch. Mỡ bò Yak được đóng trong hộp nhựa và dùng để đốt thay nến trong khu điện thờ. Từng chảo to mỡ bò ngày đêm leo lét tạo ra một thứ mùi rất khó tả. Khu điện thờ tối âm u, với cơ man các tượng Phật, Mandala .. tạo một cảm giác đầy huyễn hoặc. Và đặc biệt những bức tượng trong Phật giáo Mật tông thường có nét mặt dữ tợn, có răng nanh và mang theo pháp khí khiến người chiêm bái có đôi chút e sợ.
Trái ngược hẳn khu điện thờ tầng 1, trên khoảng sân tầng 2 là nơi du khách có thể hít thở bầu không khí trong mát và chiêm ngưỡng toàn bộ mái chùa dát vàng lấp lánh.
Tầng thượng Đại Chiêu Tự là một không gian mở để nghỉ ngơi thư giãn và chiêm bái
Giờ tranh luận của các nhà sư
Vào khu chợ Bát giác phía trước Đại Chiêu Tự, bạn sẽ bị rơi vào mê cung các loại vòng và sẽ còn bị mất phương hướng bởi giá cả rất vô cùng. Họ bán bạc theo gam, 9 tệ/ gam, 15-16 tệ/ gam... đều là bạc Tạng và đều nguyên chất cả. Những chiếc vòng sáng lấp lánh, mặt ngoài khắc chữ NHƯ Ý CÁT TƯỜNG, mặt trong có khắc 1 bài chân kinh, đẹp, lạ, độc đáo và khá nặng
Quảng trường phía trước Đại Chiêu Tự và khu chợ Bát giác
Món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa
Đến Tây Tạng, một vùng đất với nền văn hóa, tập tục rất khác, ở một độ cao đòi hỏi sức khỏe thích nghi, chưa thật sự thấm với lữ khách chỉ ghé chân vài ngày. Chia tay Tây Tạng, chúng tôi tự nhủ sẽ tích lũy kinh nghiệm, sức khỏe để một ngày nào đó quay lại nơi này, sẽ đi được nhiều hơn và cảm nhận được nhiều hơn.
Bài và ảnh : Nguyễn Bích Vân - Đặng Huỳnh Nga