Thiên nhiên nguyên sơ, kiến trúc pha trộn giữa nét cổ điển và hiện đại, các đặc trưng về văn hóa và ẩm thực, tất cả đã làm nên vẻ đẹp riêng biệt và độc đáo của quốc gia vùng Kakvaz này.
Biểu tượng "I love Baku" cạnh một tòa nhà có thiết kế độc đáo ở thủ đô Baku
“Kinh đô của gió” hay “Dubai thu nhỏ”
Sau hành trình bay dài hơn 13 tiếng đồng hồ và mất gần 45 phút di chuyển từ sân bay vào nội đô trên tuyến đường cao tốc thẳng tắp, Baku đón chào chúng tôi bằng những làn ánh sáng dịu nhẹ phát ra từ các tòa nhà hay các con phố. Không phải là ánh sáng rực rỡ pha trộn nhiều màu sắc, mà gam màu chủ đạo tại thành phố xinh đẹp này là màu vàng nhạt, được thiết kế rất hài hòa từ đèn đường đến đèn trang trí trên các tòa nhà hay các trung tâm mua sắm.
Đặt chân đến thành phố Baku xinh đẹp trải dọc theo bờ biển Caspi, chúng tôi mới hiểu tại sao từ xa xưa người ta lại gọi nơi đây là “Kinh đô của gió”. Baku tọa lạc ở nơi có độ cao 28m dưới mực nước biển, khiến nó trở thành thủ đô thấp nhất thế giới và cũng là thành phố lớn nhất nằm dưới mực nước biển. Đây là lý do quanh năm suốt tháng thành phố này được nhận những làn gió tươi mát từ biển đổ vào. Gió luồn qua từng con phố. Gió đùa giỡn với những ngọn cây, thổi tung phần phật những chiếc ô đặt tại các quán cafe ven đường. Đôi khi gió mạnh đến nỗi chúng tôi cảm tưởng như không thể đứng vững.
3 tòa nhà cao chọc trời Flame Tower (hay còn gọi là Tháp Ngọn lửa) tại Baku. Ảnh: Wikipedia
Tháng 2 tại Baku đang là giữa mùa đông, nhưng cái lạnh không gay gắt đến mức “cắt da cắt thịt” mà mang lại cho người ta một cảm giác dễ chịu và thư thái. Khác với tiết trời ấm áp và có mưa xuân ở Hà Nội, khí hậu tại Baku lạnh và khô hơn 1 chút vì nơi đây thuộc vùng ôn đới. Mặc dù con người hiền hòa, thân thiện, nhưng Baku lại giống như một cô gái xinh đẹp hay hờn dỗi với biểu cảm “sáng nắng chiều mưa”. Thời tiết nơi đây khiến người ta được trải nghiệm đủ mọi cung bậc, có nắng, có mưa, có gió và có tuyết, dù tuyết rơi không dày vào thời điểm chúng tôi đến.
Baku vừa có nét hấp dẫn của một đô thị cổ xưa, vừa mang dáng vẻ “sang chảnh” của chốn thành thị hiện đại, bất cứ một góc nhỏ nào trong thành phố cũng khiến người ta muốn dừng chân ghé thăm. Những công trình kiến trúc tại Baku được thiết kế rất độc đáo và đa dạng, pha trộn giữa phong cách châu Âu và nghệ thuật Hồi giáo, giữa Đông và Tây. Các pháo đài, biệt thự cổ nằm xen kẽ với những tòa nhà cao tầng hiện đại.
Đến Baku, không thể không ghé thăm bộ 3 tòa nhà cao chọc trời Flame Tower (hay còn gọi là Tháp Ngọn lửa) xanh ngắt nổi bật trên nền trời Trung Á, biểu tượng cho đất nước Azerbaijan giàu dầu mỏ. Từ trên đỉnh ngọn tháp, khách tham quan có thể hướng tầm mắt ra xa, bao quát toàn bộ thành phố và ngắm cả vùng biển rộng mênh mông. Vì 3 tòa tháp này có kiến trúc giống như kiến trúc của tòa tháp ở Dubai (thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) nên người ta còn gọi Baku là “Dubai thu nhỏ”.
Người hướng dẫn viên đang giới thiệu về Tháp Maiden (Tháp Trinh nữ)
Một địa điểm khác không thể bỏ qua là tháp Maiden (hay còn gọi là tháp Trinh nữ), được xây dựng từ thế kỷ thứ 12. Maiden là toà tháp hình trụ được xây dựng bằng gạch dày trên một mỏm đá nhô ra biển Caspi. Quanh tháp bài trí nhiều bức tượng điêu khắc bằng đá cùng các hiện vật bằng đá cổ. Tháp Maiden đã được công nhận là di sản thế giới UNESCO vào năm 2000.
Thong dong trên con đường lát gạch màu xám đi xuôi xuống phía dưới tháp Trinh nữ, rồi vào những ngõ nhỏ quanh co, chúng tôi bắt gặp những pháo đài cổ hay những ngôi nhà mái vòm hoặc mái bằng mang phong cách Hồi giáo. Câu chuyện thật xưa như ùa về. Không quá nhộn nhịp hay ồn ào, Baku mang một vẻ yên bình đến lạ kỳ. Theo hướng dẫn viên du lịch người bản địa, mỗi viên gạch, mỗi hòn đá đều kể cho bạn nghe về một câu chuyện riêng về lịch sử hình thành và phát triển của thành phố xinh đẹp này.
Điểm dừng chân trên con đường Tơ lụa huyền thoại
Trong ngày thứ 3 và thứ 4 của hành trình, chúng tôi rời thủ đô Baku thăm những điểm du lịch khác ở các vùng xa xôi cách hàng trăm cây số. Trước hết là thành phố Gabala, cách Baku 200km về phía Tây Bắc. Xuất phát từ Baku vào lúc 9h sáng, chiếc xe ô tô đi băng băng qua những vùng nông thôn hẻo lánh, những thảo nguyên rộng mênh mông và những vùng đồi núi nhấp nhô.
Đời sống nông thôn ở Azerbaijan khá tương phản với mức sống cao ở thủ đô: những ngôi nhà nhỏ bé, thưa thớt nằm trên sườn đồi, từng đàn cừu lững thững đi trên các thảo nguyên, thi thoảng những chiếc xe chở nông sản cũ kỹ đỗ dọc đường chào mời khách tham quan mua hoa quả hay đặc sản địa phương. Vài túp lều lụp xụp ven đường của những người bán bánh mì truyền thống gợi nhớ về những câu chuyện cổ xưa. Vì là mùa đông, nên các hàng cây ven đường đều trơ trụi lá. Nhưng cảnh vật không hề mang đến cảm giác u ám mà từng nhánh cây, từng ngọn của dường như ẩn chứa trong mình một nội lực nào đó, chỉ chờ sang xuân để vươn lên, đâm chồi nảy lộc.
Hồ Nohur, nổi tiếng với màu nước lam ngọc tuyệt vời và phong cảnh hữu tình
Nằm ở độ cao gần 800m, với địa hình nhiều núi đồi và sông rạch, Gabala sở hữu vẻ đẹp hoang sơ kỳ ảo. Chặng dừng chân đầu tiên của chúng tôi tại thị trấn này là hồ Nohur, nổi tiếng với màu nước lam ngọc tuyệt vời và phong cảnh hữu tình. Từ đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt ra dãy núi Kavkaz huyền thoại. Sau điểm dừng chân này, chiếc xe lại tiếp tục đưa chúng tôi đến khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Tufandagh Mountain resort. Khung cảnh tuyết trắng bao phủ trên các ngọn núi trùng điệp khiến du khách có cảm giác như đang lạc vào một câu chuyện cổ tích của xứ sở Kavkaz.
Địa điểm tiếp theo là thành cổ Sheki, nơi từng là điểm dừng nghỉ quan trọng của đoàn lữ hành trên con đường Tơ lụa huyền thoại. Tại đây có rất nhiều công trình cổ, mỗi công trình là một tuyệt tác trường tồn với thời gian, trong đó phải kể đến khách sạn Karvansaray, được xây bằng những tảng đá lớn trông bề thế như một pháo đài, hay cung điện Khansarai, nơi ở của những người trị vì khu vực Kavkaz từ năm 1743-1819 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2019.
Cung điện Khansarai có kiến trúc rất độc đáo
Nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc
Những món ăn truyền thống của Azerbaijan là sự kết hợp đặc sắc giữa phương Đông và phương Tây, nhưng vẫn giữ nét độc đáo. Ở Azerbaijan, thịt nướng là loại đồ ăn phổ biến, được biết đến như là một món ăn ngon và hết sức dễ làm. Thịt nướng được làm từ thịt cừu, thịt dê, thịt bê, thịt gà, và ăn kèm với dưa muối và một số loại nước sốt đặc biệt, trong đó phải kể đến nước sốt lựu. Sốt lựu có vị thanh ngọt và hơi chua, quyện cùng gia vị của món nướng khiến món ăn dậy mùi hơn. Vì trong mùa lạnh, cây trồng khó sinh sôi nên người dân Azerbaijan thường muối chua các loại rau quả thu hoạch từ thời điểm trước đó để cất trữ và ăn dần. Món dưa muối này cũng thường được bày ra ăn kèm với các món rau củ quả tươi như dưa chuột, xà lách, ca chua. Một món ăn khác không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Azerbaijan là là món cơm Pilaf, gồm cơm trộn với thịt cừu và nhiều loại hoa quả sấy khô.
Azerbaijan nổi tiếng với hai loại đồ uống vang nho và vang lựu. Với thổ nhưỡng đặc biệt ở vùng thung lũng Kavkaz, nghề trồng nho làm rượu ở quốc gia này đã có lịch sử lâu đời. Còn lựu được coi là “quốc quả” của Azerbaijan, tượng trưng cho sự trù phú và sinh sôi nảy nở, xuất hiện nhiều trong các câu truyện cổ hay những tác phẩm điêu khắc dân gian. Hình ảnh quả lựu cũng được chạm khắc hoặc vẽ trên các bức tường trong những lâu đài, thành quách cổ. Lựu được chế biến thành nhiều loại đồ ăn thức uống nổi tiếng như sốt lựu, vang lựu, kẹo lựu...
Phụ nữ Azerbaijan mang vẻ đẹp pha trộn giữa Trung Đông và châu Âu
Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng và nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, Azerbaijan còn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách bởi vẻ đẹp của con người. Người dân Azerbaijan mang vẻ đẹp hài hòa, pha trộn giữa chất Trung Đông và châu Âu. Là quốc gia có hơn 90% dân số là tín đồ Hồi giáo, nhưng cách ăn mặc của phụ nữ Azerbaijan trông không khác lắm với phụ nữ ở nhiều nước châu Âu, còn nam giới toát lên vẻ lịch lãm trong những bộ vest đơn giản mà thanh lịch. Ở quốc gia Kavkaz này, người dân rất hiếu khách, nhiệt tình và nồng hậu./.
Hồng Anh/VOV.VN