Hội thảo là diễn đàn học thuật để các chuyên gia Việt Nam và quốc tế, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý địa phương, các nghệ nhân am hiểu về nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trình bày, thảo luận những vấn đề về lý luận và thực tiễn nhằm đúc kết các vấn đề về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong xã hội đương đại.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho biết, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ VHTTDL công nhận trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Chính phủ đồng ý xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO để đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu đề dẫn
Tranh Đông Hồ được các nghệ nhân với bàn tay khéo léo tạo nên từ nguyên liệu tự nhiên như giấy dó, lá tre, sò điệp, sỏi màu, hoa hòe. Màu sắc trong tranh Đông Hồ mộc mạc, giản dị với màu cơ bản xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Hơn nữa, tranh Đông Hồ được in trên chất liệu giấy điệp, tạo độ xốp, nổi đã làm những bức tranh mang đặc trưng riêng.
Về nội dung, tranh Đông Hồ phản ánh sâu sắc nhiều mặt đời sống tinh thần của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là những bức tranh khắc họa tài tình về đời sống ấm no, hạnh phúc, một xã hội công bằng tốt đẹp. Bên cạnh đó, có những bức tranh thờ tôn nghiêm, tranh phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, ca ngợi các vị anh hùng cũng như tranh lên án thói hư, tật xấu của con người. Với những nội dung phong phú đa dạng, phù hợp với tâm tư nguyện vọng, tư tưởng và tình cảm của người dân, tranh Đông Hồ đã đi vào cuộc sống, tập tục của các thế hệ con người Việt Nam. Hiện nay, tranh Đông Hồ là một trong những loại hình di sản văn hóa mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Việt Nam về cái đẹp, triết lý về cuộc sống, cũng như về mặt thẩm mỹ được thể hiện với bố cục hài hòa, màu sắc rực rỡ từ nguyên liệu thiên nhiên.
Mặc dù mang nhiều giá trị truyền thống nhưng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang phải đối mặt với nguy cơ mai một trong xã hội đương đại. Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, trước đây, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh nhưng đến nay chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân còn đau đáu, không từ bỏ nghề làm tranh. Điều này xuất phát từ việc đầu ra cho sản phẩm không ổn định dẫn đến nhiều người không muốn trở lại với nghề. Cùng với đó, sự thay đổi về thị hiếu nghệ thuật của công chúng cũng khiến dòng tranh này phải đối mặt với vấn đề bảo tồn.
Trước những thách thức đặt ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần có những biện pháp gần gũi, cấp bách để bảo tồn và phát huy. “Chúng ta cần thực hiện truyền nghề cho lớp trẻ đồng thời duy trì được số lượng nghệ nhân làm tranh bởi đây là lực lượng giữ hồn cốt cho tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó, để thu hút người mua tranh, việc đa dạng hóa các sản phẩm để công chúng có nhiều lựa chọn khi chơi tranh cũng là bài toán cần được tính tới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận trong hôm nay chia thành 2 tiểu ban với nhiều nội dung quan trọng về cơ sở lý luận, cách tiếp cận nghiên cứu tranh dân gian và nhận diện, ý nghĩa, giá trị của tranh dân gian và tranh Đông Hồ.
Theo baovanhoa.vn