Tranh dân gian Đông Hồ là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của nước ta. Đông Hồ là địa danh của thôn Đông Khê, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một làng thuần Việt, nép mình vào bờ nam sông Đuống, cách Hà Nội khoảng 30km về hướng đông bắc. Xưa kia, làng có tên cổ là Đông Mại hay có tên Nôm là làng Mái thuộc Tổng Hồ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc.
Làng Đông Hồ nằm giữa đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến. Từ cách đây vài ngàn năm, xứ Kinh Bắc đã có nhiều làng xã người Việt cư trú, lập làng lập xóm từ thời Hùng Vương. Ngay tại huyện Thuận Thành cũng có làng cổ Đại Trạch (xã Đình Tổ), Ngũ Thái (xã Ngũ Thái), Bãi Giữa, Sông Dâu (xã Thanh Khương)… Muộn hơn một chút, ở ngay xã Thanh Khương còn nổi lên một trung tâm chính trị, văn hóa cổ Luy Lâu hay còn gọi là Liên Lâu nữa.
Vùng Thuận Thành còn là một trung tâm Phật giáo sớm với các chùa cổ thuộc hệ thống Tứ Pháp, mà sớm nhất là chùa Dâu. Khoảng từ năm 187 đến 226 sau CN, chùa Dâu được xây dựng, được coi là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Nơi đây có truyền thuyết về thiền sư Ấn Độ Tì Ni Đa Lưu Chi đến đây tu hành và truyền bá đạo Phật từ năm 580 CN.
Cũng tại đây có chùa Bút Tháp nổi tiếng với tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, tháp gỗ Cửu Phẩm Liên Hoa. Chùa cũng nằm bên bờ hữu ngạn sông Đuống. Vùng văn vật Thuận Thành đã sản sinh ra làng Đông Hồ với di sản dòng tranh dân gian Đông Hồ độc đáo như một lẽ tất yếu.
Làng Đông Hồ trước kia nằm ở sát bờ sông Đuống. Cái tên làng Đông Hồ cũng được giải thích là do phía đông làng có một cái hồ. Điều này là không chính xác vì cái tên Đông Hồ đã bước vào thư tịch khá lâu rồi. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, vào khoảng năm 1917, làng đã dời từ ven sông vào trong đê cao ráo hơn. Đó chính là vị trí của làng tranh Đông Hồ hiện tại.
Người làng cũng dời cả ngôi đình ngoài bãi sông vào làng mới trong đê. Theo nghệ nhân làng tranh Đông Hồ Nguyễn Hữu Quả, hồi còn bé, ông đã thấy nước ngập vào tận chân đình cũ, có lẽ do chuyện ngập lụt này mà dân Đông Hồ phải dời đình, dời làng đến vị trí hiện nay.
Làng Đông Hồ có quy mô không lớn, chỉ gồm 18 xóm với 17 dòng họ, nằm ở đoạn giữa của đường giao thông thủy quan trọng là con sông Đuống, lại gần vùng đầu mối 6 con sông (Lục Đầu Giang), tiện lợi cho giao thông thủy bộ, nối liền xứ Kinh Bắc với Thăng Long và xứ Hải Đông (Hải Dương) xưa. Lợi thế giao thông như vậy đã góp phần giúp cho sản phẩm tranh Đông Hồ dễ phân phối đến nhiều miền đất ở Bắc Bộ và Trung Bộ, nhờ đó mà Tết đến, miền quê nào cũng có tranh treo đúng dịp.
Đông Hồ có tên dân gian là làng Mái. Đã có những câu ca dao về nghề làm tranh ở làng Mái, chắc là phải lâu lắm rồi, vì dường như ngày nay ít người biết được cái tên thuần Việt như vậy của làng.
Tranh Đông Hồ đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt, kinh qua mọi thăng trầm, để tồn tại cho đến ngày hôm nay. Đây là dòng tranh dân gian lâu đời nhất, đa dạng nhất và có số lượng sản phẩm nhiều nhất của Việt Nam.
Tranh Đông Hồ một thời còn vượt không gian để đi đến những nước châu Âu xa xôi, khi là một trong những mặt hàng văn hóa đại diện cho di sản dân tộc sớm được xuất khẩu ra nước ngoài. Chính vì vậy mà tranh Đông Hồ đã được nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 27/12/2012 (Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL số 32 trong danh mục do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ký) và đang đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO để xếp hạng di sản văn hóa toàn cầu.
Nằm giữa một vùng văn hiến Kinh Bắc, dòng tranh này đã hội tụ được tâm thức ngàn năm của người Việt chất phác, đáng yêu với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị. Chủ yếu họ là những người nông dân trồng lúa nước, một nắng hai sương nhưng rất đỗi lạc quan yêu đời.
Tranh là phương tiện để họ miêu tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình, cũng là phương thức để họ giao cảm với thần linh, thể hiện đời sống tín ngưỡng. Không những thế, tranh Đông Hồ còn là những tác phẩm nghệ thuật thực sự với cách phối màu độc đáo, cách in nét, in mảng đặc trưng. Đấy là những bức tranh quê với một chút sặc sỡ để làm nổi bật trong khung cảnh các nếp nhà tranh thâm trầm giản dị.
Bức tranh Đông Hồ như tín hiệu rõ nét báo mùa Xuân đã xông đất vào từng nhà. Tranh Đông Hồ thực sự là một món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi gia đình, được coi là hằng số của Tết Việt bên cạnh những “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”…
Cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (Chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích; do NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản. Buổi ra mắt sách diễn ra lúc 9h30 sáng 31/7 tại Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ (50 Đào Duy Từ - Hà Nội). |
Theo tuoitrethudo.com.vn