Tượng đài Bác Hồ đặt tại bến Ninh Kiều, TP.Cần Thơ có một chi tiết độc đáo là ánh nắng luôn toả sáng trên gương mặt Người, dù buổi sáng hay lúc chiều tà. Rất ít người biết, để có được điểm nhấn tinh tế này, nhà báo Huỳnh Văn Hoài, từng là phóng viên, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những người được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang lúc bấy giờ giao nhiệm vụ chọn vị trí đặt tượng đài Bác Hồ tại TP. Cần Thơ vào năm 1976. Ông đã mất nhiều thời gian để tìm vị trí đặt tượng của Bác.
Tượng đài Bác Hồ ở bến Ninh Kiều vẫy tay chào ấm áp, hiền từ đã khắc sâu vào tâm trí của người dân Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL.
Người chọn vị trí đặt tượng đài Bác Hồ trên bến Ninh Kiều
Ông Huỳnh Văn Hoài sinh năm 1932 tại làng Tân Phú Thạnh (nay thuộc phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Ông Hoài từng là nhà báo, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1967, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, sức khỏe của ông yếu, khó khăn trong việc giao tiếp.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với nhà báo Huỳnh Văn Hoài vào tháng 4/2018, khi đó sức khỏe ông vẫn tốt và được nghe ông kể nhiều chuyện về cuộc đời cũng như việc chọn vị trí đặt tượng đài Bác Hồ cho thành phố Cần Thơ.
Ông Hoài kể, ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đến năm 12 tuổi được các anh, các chú tin tưởng giao nhiệm vụ làm liên lạc cho mặt trận Việt Minh ở địa phương. Trong một lần tham gia phục kích đánh vào đoàn xe của địch hành quân trên lộ Đông Dương năm 1952 (Quốc lộ 1 ngày nay) ông bị thương và bị địch bắt làm tù binh.
Nhà báo Huỳnh Văn Hoài chia sẻ việc đi tìm vị trí đặt tượng đài Bác Hồ
Bị tòa đại hình của chính quyền thực dân Pháp tại Cần Thơ tuyên án chung thân, ông Hoài lần lượt bị giam tại các khám lớn Cần Thơ, Sài Gòn, Hải Phòng. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông có tên trong danh sách trao trả tù binh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Sau khi ra tù, ông được tổ chức tạo điều kiện cho đi học và tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, được bố trí công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1967. Đến năm 1970, nhờ thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhà báo Huỳnh Văn Hoài được cử sang công tác ở Bộ Ngoại giao, làm tùy viên văn hóa Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và Trung Quốc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Hoài có nguyện vọng trở về quê hương công tác và được cấp trên chấp thuận. Sau đó, ông về làm việc ở Sở Ngoại vụ Cần Thơ cho đến khi nghỉ hưu.
Đi tìm vị trí đặt tượng đài Bác Hồ
Đầu năm 1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang cũ (gồm TP. Cần Thơ và hai tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang hiện nay) tin tưởng, giao nhiệm vụ thiết kế, lựa chọn vị trí đặt tượng đài Bác Hồ cho ông Huỳnh Văn Hoài cùng Tổ công tác, trong đó có họa sỹ Song Văn, từng học Đại học Mỹ thuật Đông Dương - Hà Nội.
Nhận nhiệm vụ, Tổ công tác trao đổi, làm việc ngày đêm, đã có nhiều vị trí được đề xuất, trong đó có vị trí phía trước trụ sở UBND thành phố Cần Thơ trên đại lộ Hòa Bình hiện nay. Tuy nhiên, khi phương án này được đưa ra đã không thuyết phục được Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi đó.
Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, cuối cùng ông Hoài và tổ công tác thấy khu vực bến Ninh Kiều là phù hợp, vì nơi đây trên bến dưới thuyền, là trung tâm giao thương hàng hóa của ĐBSCL. Phương án này đã nhận được sự ủng hộ cao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Vị trí đặt tượng được xác định, nhưng yêu cầu đặt ra là bất kể thời gian nào trong ngày, buổi sáng hay buổi chiều, lúc nào gương mặt của bức tượng cũng có ánh nắng toả sáng. Tuy bất ngờ, nhưng ông Hoài và tổ công tác lại tâm đắc với yêu cầu này, vì nó thể hiện sự tinh tế trong chỉ đạo của các lãnh đạo tỉnh.
Trong một thời gian dài, từ sáng sớm đến chiều tối, ông Hoài bơi xuồng ra giữa sông Cần Thơ, có lúc sang xóm chài đối diện bến Ninh Kiều để quan sát hướng nắng, việc này được lặp đi lặp lại một cách tỉ mỉ và ông đã xác định được chính xác vị trí đặt tượng đài và hướng nhìn của bức tượng.
Công trình xây dựng tượng đài Bác Hồ trên bến Ninh Kiều bằng chất liệu bê tông cốt thép nhanh chóng được triển khai và hoàn thành đúng dịp Quốc khánh 2/9/1976.
Nguyện vọng của người dân Cần Thơ và ĐBSCL
Ông Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lúc bấy giờ bàn bạc, thống nhất triển khai vì đây là nguyện vọng của nhân dân Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tượng đài Bác Hồ trên bến Ninh Kiều hiện nay được đúc bằng đồng, khánh thành vào năm 2009, nhân dịp chào mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội. Đây là công trình được xây dựng, nâng cấp trên cơ sở tượng đài trước đó. Nhà báo Huỳnh Văn Hoài cho biết: “Việc chọn vị trí đặt tượng Bác là nhiệm vụ thầm lặng và chúng tôi cảm thấy hết sức tự hào vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho quê hương”.
Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô chia sẻ, thời điểm khánh thành tượng đài Bác Hồ năm 2009, ông là người viết kịch bản với các tiết mục văn nghệ thiếu nhi với Bác, những bài hát về Bác Hồ. Trong buổi lễ đó, kỷ niệm khó quên đối với ông là ngoài khách mời thì người dân đến rất đông để thưởng thức tiết mục văn nghệ và ngắm tượng đài Bác Hồ.
"Trong năm 2009 khánh thành Tượng đài Bác Hồ lần thứ hai chính tôi viết kịch bản và chỉ đạo dàn dựng nghệ thuật. Trong chương trình, tôi chọn đội ngũ thiếu nhi để múa những bài dâng lên Bác, tưởng nhớ Bác đồng thời có tiết mục đờn cai tài tử, trong đó có tiểu phẩm hướng về Bác Hồ, nhớ Bác Hồ. Đây là một chương trình tạo gợi nhớ cho tôi nhiều nhất, thời đó đến giờ tôi vẫn không quên được"- soạn giả Nhâm Hùng cho biết.
Nhiều hoạt động được tổ chức ở tượng đài Bác Hồ ở bến Ninh Kiều.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Các hoạt động của đoàn thanh niên đều được tổ chức ở Tượng đài Bác Hồ, khi tổ chức ở đây giúp cho các bạn trẻ hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Anh Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư thành đoàn Cần Thơ chia sẻ, thông qua các hoạt động đó, bản thân mỗi bạn trẻ tự hứa với lòng mình quyết tâm học tập, rèn luyện theo lời dạy của Bác.
Anh Huỳnh Thái Nguyên chia sẻ: "Tổ chức những chương trình ở đó giúp cho các bạn trẻ hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ. Chúng tôi cũng lồng ghép những chương trình như giáo dục truyền thống, sinh hoạt truyền thống, nhắc lại những lời dạy của Bác đối với thanh thiếu niên nhi đồng. Đó là địa điểm thiêng liêng, địa điểm lịch sử đó giúp cho các bạn trẻ tự hào hơn, như là một lời hứa, giúp cho các bạn có lời hứa quyết tâm học tập và rèn luyện theo lời Bác để xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh".
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, quần thể bến Ninh Kiều không chỉ là nơi tham quan du lịch mà còn là nơi để nhân dân thành kính dâng hoa, dâng hương, ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hoạt động quan trọng của thành phố, cũng như các sở, ngành đều được tổ chức ở khu vực này, và đoàn thanh niên cũng thường xuyên tổ chức lễ kết nạp đoàn viên tại Tượng đài Bác Hồ.
"Đây là điểm sinh hoạt giáo dục truyền thống của thành phố Cần Thơ. Đồng thời đối với các hội nghị của các cơ quan, các đoàn thể đoàn thanh niên, công an, quân sự, mặt trận... cũng thường tổ chức những sự kiện sinh hoạt Chính trị cũng chọn địa điểm này. Người dân thành phố Cần Thơ rất yêu thích điểm này"- Ông Hiển chia sẻ.
Tượng đài Bác Hồ ở bến Ninh Kiều vẫy tay chào ấm áp, hiền từ đã khắc sâu vào tâm trí của người dân Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL. Hiện nay, nhiều hoạt động quan trọng của Cần Thơ như kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lễ ra quân, kết nạp đoàn viên… đều được tổ chức tại khu vực Tượng đài Bác Hồ... thể hiện lòng thành kính của người dân miền Tây, nhớ ơn Bác đã dành cả cuộc đời vì độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam./.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL