Văn hóa

Chiêm bái thánh địa linh thiêng Bohd Gaya – Nơi Đức Phật thành đạo

20:18 - 05/01/2023
Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng) là 1 trong 4 thánh địa thiêng liêng nhất trên miền đất Phật Ấn độ xưa.

Cây bồ đề là loại cây phổ biến ở Ấn Độ. Nhưng không có cây nào linh thiêng bằng cây bồ đề ở Bồ đề đạo tràng, trong huyện Gaya, bang Bihar, bắc Ấn.

Năm nay, cây bồ đề này đã hơn trăm tuổi. Tương truyền, đây là cây bồ đề đời thứ 20 của cây bồ đề nguyên thủy đã che mưa che nắng cho đức Phật năm xưa. Trải qua nhiều lần sinh diệt, kế thừa mạch sống của tổ tiên, những chồi non liên tục vươn lên xanh tốt, uy nghi, như những chân lý mà Phật đã chứng ngộ và truyền lại cho chúng sinh.

Dưới cội bồ đề có một tòa kim cang, được bảo vệ cẩn mật bằng bằng hàng rào đá, đánh dấu vị trí chính xác nơi đức Phật đã ngồi bất động thiền định trong 49 ngày. Ngài phát nguyện sẽ không đứng dậy nếu không chứng đắc được chân lý tối thượng.

Tòa kim cang dưới cội bồ đề

Theo truyền thuyết Phật giáo, trong 49 ngày đó, ngài đã tập trung nội lực, quán chiếu nội thân, chiếu rọi ánh sáng của thiền định vào thân tâm và vũ trụ, diệt trừ mọi ảo tưởng, tham ái, vô minh. 

Vào đêm trước ngài đạt giác ngộ, Ma vương đã xuất hiện, dùng nhiều cách quấy nhiễu nhằm cản trở nỗ lực của ngài nhưng tất cả đều thất bại. 

Đức Phật Thích Ca đã chiến thắng cả nội chướng lẫn ngoại ma, nhìn thấu quá khứ, nhìn thấy sự sống cái chết của chúng sinh, hiểu được căn nguyên của những khổ đau trong cuộc đời và con đường để hóa giải những căn nguyên đó, ngài đã đạt được Bồ đề - tức Tỉnh thức, hay Giác ngộ.

Cội cây pipala che chở cho ngài 49 ngày thiền định, từ đó được mang tên: cây bồ đề.  

Nhiều người tin rằng, chỉ tại dưới cội bồ đề này, đức Phật mới có thể đạt được giác ngộ chứ không phải bất kỳ nơi nào khác. Mọi thử thách ngài vượt qua, chỉ để dẫn đến nơi này. Niềm tin ấy đã khiến cho nơi đây trở thành vị trí thiêng liêng nhất ở Bồ đề đạo tràng và cũng thiêng liêng nhất trong mọi Phật tích trên đất Ấn.

Các Phật tử người Việt tụng kinh trong bồ đề đạo tràng

Vẫn là vua Adục, vị vua hộ trì Phật pháp, trong chuyến hành hương vào thời điểm 250 năm sau khi đức Phật qua đời, đã đến viếng thăm cội bồ đề, cho xây dựng tòa tháp đầu tiên cùng các trụ đá khắc chữ Brahmi để kỷ niệm nơi đức Phật thành đạo. 

Tòa tháp Đại giác ngộ Mahabodhi ngày nay được xây dựng lại trên nền của tòa tháp đầu tiên đó.

Tọa lạc chính giữa khuôn viên rộng 4,8 hecta, tòa tháp vươn cao uy nghi, điềm đạm

Theo nhiều sử liệu, khi Phật giáo suy tàn ở Ấn độ, tháp đã bị quên lãng. Tới thế kỷ 19, với sự đóng góp to lớn của các nhà chuyên môn Anh Quốc, các phật tử Mianma, Srilanca và Tây Tạng, ngôi tháp đã được trùng tu đúng theo nguyên bản, cao khoảng 52 mét, gồm một tháp lớn và 4 tháp nhỏ nằm bốn góc. 

Xung quanh các mặt tháp khắc họa hình tượng Phật và Bồ tát theo Phật giáo đại thừa, với các tư thế thiền định, xúc địa và chuyển pháp luân, tượng trưng cho cuộc đời tu đạo, nhập thế và hoằng hóa của đức Phật. 

Tượng Phật và Bồ tát theo Phật giáo đại thừa xung quanh các mặt tháp

Bên trong tháp có tượng Phật Thích ca bằng ngọc mạ vàng. Tượng ngồi hướng về phía đông, giống tư thế như khi đức Phật thành đạo. Hàng ngày, hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới tới đây thăm viếng, đảnh lễ, cúng dường hoa quả, kim y.

Tượng Phật Thích ca bằng ngọc mạ vàng bên trong tháp

Tháp Mahabohdi là một trong những kiến trúc gạch cổ nhất Ấn Độ còn sót lại cho đến ngày nay. Những hình chạm khắc đá trong khuôn viên quanh tháp cũng là những tác phẩm xuất sắc về phù điêu đá thuở sơ khai.


Cùng với cội bồ đề, tháp đại giác và quần thể kiến trúc tại đây đã được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới của UNESCO và là một trong 4 thánh tích quan trọng nhất của Phật giáo, hàng năm thu hút hàng triệu phật tử, người hành hương và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm bái viếng thăm.



Lịch sử hình thành và truyền bá của đạo Phật có những khoảng tranh chấp và đứt quãng, đã mang đến sự phong phú trong cả cách hiểu, cách thực hành, tu tập, khiến cho Bồ đề đạo tràng trở thành thánh địa có sự hòa trộn văn hóa đa dạng nhất trong số các thánh địa của các tôn giáo trên thế giới.

Hàng ngày, hàng đoàn khách hành hương t ừ khắp nơi đến đây, thực hành, tu tập bằng ngôn ngữ và văn hóa riêng của mình. Nhiều người vượt qua hàng vạn dặm, mỗi bước đi một bước lạy để đến được nơi này. 

Theo bước chân của đức Phật năm xưa, người hành hương sẽ đi kinh hành, chiêm bái các vị trí quanh tòa tháp, mà theo tương truyền, đức Phật đã trải qua trong 7 tuần sau khi giác ngộ. 

Lương Anh/Vietnam Journey