Hội tụ những thế hệ người làm điện ảnh, những bộ phim nổi bật được sản xuất trong hai năm (2018 - 2019), LHP mở ra những hy vọng mới, qua đó phát hiện và khẳng định được những tài năng mới của điện ảnh Việt.
Nỗ lực đổi mới
Từ sau LHP Việt Nam lần thứ 20 (năm 2017) đến nay, điện ảnh Việt Nam có những bước phát triển đáng ghi nhận. Sự hiện diện của 104 tác phẩm tham gia dự thi và trong các chương trình chiếu phim toàn cảnh của LHP Việt Nam lần thứ 21 khẳng định tính chuyên nghiệp và nỗ lực đổi mới của các nhà quản lý, các nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác, sản xuất, quảng bá và phát hành phim. Chất lượng và số lượng phim Việt Nam được nâng cao, thu hút và hình thành một tầng lớp đông đảo khán giả yêu điện ảnh Việt Nam, những nhà đầu tư, nhà sản xuất, các nghệ sĩ, thúc đẩy hoạt động xã hội hóa điện ảnh phát triển mạnh mẽ.
16 phim truyện dự thi tranh Giải Bông sen vàng - giải thưởng danh giá mà bất cứ người làm điện ảnh Việt Nam nào cũng mong muốn được chạm tới, năm nay chưa thể đại diện cho toàn bộ nền điện ảnh hai năm qua. Nhưng trong số này có những phim được giới chuyên môn đánh giá cao, bật lên về chất lượng, như: “Hai Phượng”, “Song Lang”, “Thưa mẹ con đi”, “Người bất tử”, “Tháng năm rực rỡ”... Trong đó có những bộ phim đạt kỷ lục doanh thu phòng vé về phim Việt, như “Cua lại vợ bầu” (khoảng 170 tỷ đồng), “Hai Phượng” (khoảng 120 tỷ đồng)…
Cảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên". Ảnh do đoàn làm phim cung cấp.
Nếu LHP Việt Nam lần thứ 20 hoàn toàn vắng bóng phim nhà nước thì tại kỳ LHP Việt Nam lần thứ 21, danh sách phim truyện dự thi đã có sự thay đổi. 4 phim đánh dấu sự trở lại của các bộ phim có sự góp vốn sản xuất của nhà nước, đó là: “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Thạch Thảo”-hai phim do nhà nước và tư nhân (70% vốn nhà nước, 30% kinh phí xã hội hóa) hợp tác sản xuất; “Nơi ta không thuộc về” (Điện ảnh Quân đội) và “Hợp đồng bán mình” (Công ty CP Phim Giải phóng). Đạo diễn Đặng Thái Huyền (Điện ảnh Quân đội) cho rằng, sự trở lại của các bộ phim nhà nước tại LHP lần này là tín hiệu vui, khích lệ rất nhiều cho đội ngũ làm phim đang miệt mài, kiên trì đi theo dòng phim chính luận. Bên cạnh đó, sự bắt tay giữa Nhà nước với tư nhân là một trong những hướng đi, là lộ trình mà những nhà làm phim trẻ theo đuổi dòng phim chính thống hướng đến, tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ. Bởi vì hơn ai hết, dòng phim chính luận đang cần sự ủng hộ, tiếp sức của những khán giả trẻ.
PGS, TS Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội đồng giám khảo LHP Việt Nam lần thứ 21 đánh giá, bất cứ giải thưởng nào cũng có tác phẩm tốt và chưa tốt. Ở mặt bằng chung, phim tư nhân vẫn chiếm lĩnh thị trường, mang đến sự sôi động cho điện ảnh Việt, dù chất lượng phim dự thi không đồng đều, có nhiều bàn cãi về chất lượng ngay cả khi phim đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Nhưng sự mạnh dạn và tâm huyết của các nhà làm phim tư nhân qua những lần tổ chức LHP thật đáng hoan nghênh.
Một điểm mới trong tiêu chí chọn phim tham dự LHP năm nay là khẩu hiệu của LHP: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Điều đó cho thấy yếu tố hội nhập đang được các nhà quản lý cũng như người làm điện ảnh chú trọng.
LHP Việt Nam lần thứ 21 đã khép lại bằng lễ bế mạc trao giải diễn ra tối 27- 11. Tới dự lễ bế mạc có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh. Kết quả, Ban tổ chức đã trao Bông sen vàng cho phim truyện “Song Lang”; Bông sen bạc cho các phim: “Cua lại vợ bầu”, “Hai Phượng” và “Truyền thuyết về Quán Tiên”; Bông sen vàng phim tài liệu: “Chông chênh”; Bông sen vàng phim hoạt hình: “Người anh hùng áo vải”; Đạo diễn xuất sắc phim truyện: Lê Nhật Quang, phim “Song Lang”; đạo diễn phim tài liệu: Trần Tuấn Hiệp; Quay phim truyện xuất sắc: Nguyễn K’Linh, phim “Người bất tử”; tác giả kịch bản phim truyện xuất sắc: Đoàn Nhất Trung, phim “Cua lại vợ bầu”; Nữ diễn viên chính xuất sắc: Hoàng Yến Chibi, phim “Tháng năm rực rỡ”; Nam diễn viên chính xuất sắc: Trấn Thành, phim “Cua lại vợ bầu”; Phim được khán giả bình chọn: “Chú ơi đừng lấy mẹ con”; Bằng khen của Ban giám khảo trao cho phim truyện “100 ngày bên em”. Điện ảnh Quân đội có phim tài liệu “Chư Tan Kra” giành Bông sen bạc; “Trại Davis” và “Ghép tạng” giành giải thưởng của Ban giám khảo; Lê Danh Trường giành giải Tác giả kịch bản phim khoa học xuất sắc. |
Chờ đợi bứt phá
Điện ảnh Việt đang phát triển, điều đó ai cũng thấy khi số lượng phim ra rạp tăng cao (có khoảng 45 - 50 phim/năm), với doanh thu phòng vé mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, nguồn nhân lực-yếu tố chính để công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững lại vừa yếu, vừa thiếu và bấp bênh.
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho rằng: “Nếu muốn điện ảnh Việt phát triển thành một nền công nghiệp điện ảnh ngang tầm các nước trong khu vực, lãnh đạo ngành điện ảnh cần phải có chiến lược đào tạo căn cơ nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới, như Hàn Quốc từng có cuộc “cách mạng điện ảnh” khi chính phủ tài trợ kinh phí cho hơn 300 người với tiêu chí còn trẻ (từ 18 đến 25 tuổi) sang Mỹ để đào tạo các khâu làm phim, giúp điện ảnh Hàn Quốc có những bước nhảy thần kỳ, cạnh tranh được với các nền điện ảnh tiên tiến”.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (từng có phim phá kỷ lục phòng vé cách đây 4 năm “Em là bà nội của anh” với doanh thu 102 tỷ đồng) thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong muốn làm được những bộ phim hay, đáp ứng đại chúng. Nhưng điều lo lắng nhất của chúng tôi là khâu kiểm duyệt. Người làm phim luôn có tâm lý sợ hãi, liệu phim của mình làm ra có qua được khâu kiểm duyệt hay không, bị cắt chỗ nào, sai chỗ nào… Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng phim thì trước tiên đừng làm giảm chất lượng phim. Hội đồng kiểm duyệt nên đề cao tính đồng bộ, cởi mở hơn để tạo cơ hội cho người làm phim sáng tạo”.
Đồng quan điểm với đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh, NSND Trà Giang cho rằng nên giao trách nhiệm và gửi niềm tin vào người làm phim để họ được sáng tạo, được cống hiến. Muốn phát triển điện ảnh và nâng cao chất lượng phim, ngoài việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân, thì vai trò đầu tư sản xuất phim của Nhà nước rất quan trọng; bên cạnh đó phải đề cao tính đồng bộ, chuyên nghiệp. “Đại chúng đang rất mong chờ những bộ phim hay, sâu sắc, gần gũi với đời sống của người dân chứ không phải xa lạ, hào nhoáng như rất nhiều bộ phim sản xuất trong những năm gần đây”, NSND Trà Giang nói.
Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế” trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 21, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, trong năm nay, bộ đã đưa 10 người trẻ đi học điện ảnh tại Mỹ, 2 người đi Australia và 10 người đi Trung Quốc. Hiện nay, lĩnh vực điện ảnh đang được Nhà nước ưu tiên, chú trọng bổ sung về nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trong năm sau sẽ đưa 10 người nữa đi học điện ảnh (quay phim, đạo diễn…) tại Anh, Pháp, Canada. Từ năm 2017 đến 2026, dự kiến Việt Nam đưa tổng cộng 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, sang nước ngoài học tập, kinh phí chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. |
Vương Hà/qdnd.vn