Bằng Tiến sĩ duy nhất trong đời
Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Indonesia từ ngày 27/2-8/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm thành phố Bandung, miền Tây Java, nơi diễn ra Hội nghị không liên kết Á – Phi và là nơi có trường Đại học Padjajaran danh tiếng.
Tại đây, Tổng thống đầu tiên của Indonesia, ông Sukarno đã trao tặng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm bằng Tiến sĩ danh dự. Giáo sư, Tiến sĩ Rina Indiastuti, Hiệu trưởng trường Đại học Padjadjaran (UNPAD), thành phố Bandung chia sẻ:
“Trong lịch sử của trường đại học Padjadjaran, ngày 2/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thành phố Bandung, thăm trường Padjadjaran và nhận bằng Tiến sĩ danh dự ngành Luật. Indonesia nói chung và trường Đại học Padjajan nói riêng có vinh dự đặc biệt khi được trao danh hiệu này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vì đã chiến đấu cho độc lập của Việt Nam và vì sự lãnh đạo đất nước Việt Nam cho tới khi độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại Đại học UNPAD, Indonesia, 2/3/1959
Trong phòng truyền thống của trường đại học Padjadjaran hiện nay vẫn treo những bức ảnh về chuyến thăm của Người. Trên những bức ảnh ghi chú đầy đủ về ngày giờ, địa điểm và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.
Hiệu trưởng trường Đại học Padjadjaran kể lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Đại học Padjadjaran chỉ 2 năm sau khi trường thành lập với khoa đầu tiên là Khoa Luật.
Tại hội trường A, trường Đại học Padjadjaran, nơi diễn ra buổi lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự, Tổng thống Sukarno đã trân trọng mời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trước các lãnh đạo nước bạn, giáo sư, trí thức, học giả, thanh niên, sinh viên Indonesia.
Bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các bạn Indonesia đón nhận nồng nhiệt. Trong đó có đoạn “Vinh dự này không chỉ riêng cho cá nhân tôi mà chung cho cả giới tri thức Việt Nam, cho cả nhân dân Việt nam, biểu thị mối tình cảm khăng khít của giới trí thức và nhân dân Indonesia đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi.”
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trước lễ trao bằng treo tại phòng truyền thống trường Đại học UNPAD
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn động viên tinh thần các bạn sinh viên, kêu gọi lớp trẻ trở thành những người xây dựng Tổ Quốc, đem hết tài năng phục vụ nhân dân, phục vụ hoà bình và làm chủ kiến thức, khoa học xã hội.
Hội trường nơi trao bằng Tiến sĩ cho Bác Hồ ngày nay đã trở thành nơi trao bằng cho các sinh viên tốt nghiệp của trường UNPAD
Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Danh nhân văn hóa chủ yếu bằng con đường tự học. Do vậy, bằng Tiến sĩ mà nhà nước Indonesia trao tặng là học vị cao nhất mà Người có được.
Huân chương Du kích của nhà nước Indonesia
Cũng trong chuyến thăm lịch sử này, Nhà Nước Cộng hoà Indonesia đã trao tặng Huân chương Du kích cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Tuyết, Giảng viên cao cấp Học viện báo chí tuyên truyền khẳng định:
“Tại Indonesia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận được Huân chương du kích do Tổng thống Sukarno trao tặng. Một chi tiết tôi muốn nói đến đó là, sau này, Bác đã từ chối không nhận Huân chương Sao vàng của Quốc hội Việt Nam, và Huân chương Lê nin của nhà nước Liên Xô. Chính vì vậy, Huân chương du kích của nhà nước Indonesia trao tặng đó là vật kỷ niệm rất hy hữu trong cuộc đời của Bác.”
Tại lễ trao tặng Huân chương du kích chiều ngày 7/3/1959 ở thủ đô Jakarta, Tổng thống Sukarno đã bày tỏ niềm vinh dự khi được trao danh hiệu cao quý này cho Người. Tổng thống Sukarno đã nhấn mạnh:“Chúng tôi vinh dự được trao tấm huân chương đơn giản này để bày tỏ lòng khâm phục đối với Ngài. Ngài là một chiến binh du kích tuyệt vời và một nhà lãnh đạo du kích xuất sắc, đã giành lại độc lập cho đất nước Việt Nam. Người dân Indonesia cũng vậy, chúng tôi cũng giành độc lập cho đất nước bằng chiến tranh du kích. Do vậy, tôi hi vọng Ngài sẽ giữ tấm huân chương này như bằng chứng cho tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Indonesia và giữa nhân dân hai nước.”
Tổng thống Sukarno trao Huân chương Du kích cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Jakarta, 7/3/1959
Đáp lại sự nồng hậu của Tổng thống Sukarno, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Huân chương du kích là biểu hiện của tình đoàn kết thắm thiết giữa Việt Nam và nhân dân Indonesia anh em, hai bạn chiến đấu đã thắng lợi trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa thực dân để giành lại độc lập, tự do. Nhân dân Việt Nam và Indonesia đều có thể tự hào đã nêu cao ngọn cờ đấu tranh vũ trang ở Đông Nam Á và đã thắng bọn thực dân. Hai nước chúng ta đều chiến thắng vì chúng ta đã tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang toàn dân và toàn diện, đã khéo léo áp dụng chiến thuật du kích.”
Trong chuyến thăm 10 ngày, Bác Hồ đã đi thăm nhiều tỉnh ở Indonesia như Jakarta, Bandung, Medan, Bali và cả Suarabaya, quê hương của Tổng thống Sukarno. Đi đến đâu người dân đất nước vạn đảo cũng hô vang "Hidup paman Ho, Vietnam-Indonesia", nghĩa là "Bác Hồ muôn năm, Việt Nam-Indonesia".
Có thể nói, đất nước Indonesia đã dành cho vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam những danh hiệu cao quý để thể hiện sự trân trọng cũng như ghi nhận về những công lao đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam-Indonesia và cho nền hoà bình thế giới./.
Hương Trà/VOV Indonesia