Vở “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nhà hát Kịch Hà Nội
“Tôi còn nhớ ngày mới giải phóng Thủ đô, Cải lương Chuông Vàng, Kim Phụng không còn vé để bán... Thế mới biết sức mạnh nghệ thuật chân chính không gì xóa được trong tâm thức người Hà Nội yêu sân khấu. Thế nhưng, ấy là chuyện... một thời”, nhà viết kịch Ngọc Thụ nhớ lại chuyện “một thời” trong sự trăn trở. Đấy cũng là nỗi lòng không của riêng ai, những người đã một đời cống hiến, và không ngừng dõi theo sân khấu Thủ đô suốt những năm qua.
Sân khấu Hà Nội sống thoi thóp…
Hội thảo “Sân khấu Hà Nội sáng tạo và phát triển” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức sáng 28.11, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Sân khấu Hà Nội, PGS.TS Trần Trí Trắc nhìn thẳng vào thực trạng: Đâu rồi những đỉnh cao mang tính kinh kỳ so với cả nước? Đâu rồi nền sân khấu của “nghệ sĩ - chiến sĩ”, “thổ tận can tràng” của lao động công phu vượt qua năng khiếu bẩm sinh để sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật chân thực, phong phú, đa dạng, hấp dẫn, vừa có yếu tố biểu hiện lẫn yếu tố thể nghiệm, vừa có giá trị xã hội lẫn giá trị lý tưởng với âm hưởng sinh hoạt đời thường và anh hùng ca lãng mạn? Đâu rồi một nền sân khấu luôn mang tính tiên phong, đổi mới, là ngọn lửa sáng tạo chuẩn mực và có sức lôi cuốn, lan tỏa, vẫy gọi những sáng tạo sân khấu cả nước noi theo? Nguyên nhân của những vấn đề này là gì, theo PGS.TS Trần Trí Trắc, trước hết là do sáng tạo đã không đồng nhất với phát triển. Nghĩa là, phát triển nghệ thuật sân khấu Hà Nội bị tụt hậu bằng những sáng tạo “hoài cổ” của các nghệ sĩ Hà Nội, bởi các nghệ sĩ Hà Nội chưa nhận thức đủ và thể hiện được sự chuyển hóa lớn của hiện thực Hà Nội thời 4.0 trong cảm xúc sáng tạo của mình tương ứng.
Nhiều ý kiến nhận định, sân khấu Hà Nội đang thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao về nội dung và hình thức. Từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, sân khấu Hà Nội vẫn cứ bám theo mạch sáng tạo, phát triển của những giai đoạn trước. Hiện, không có vở diễn nào ra đời có thể thu hút được sự chú ý của đa số công chúng như mấy chục năm về trước. Tuy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng có sự phân hóa nhưng về cơ bản, sân khấu Hà Nội vẫn thiếu những giá trị mà khán giả quan tâm chờ đón. NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhận định: “Xét một cách toàn diện, nghệ thuật sân khấu hôm nay đang có vấn đề ở mọi khâu, mọi quy trình sáng tạo, từ đội ngũ tác giả, đạo diễn đến diễn viên…”.
Để không tụt hậu…
Họa sĩ, nhà thơ, NSND Lê Huy Quang cho rằng, chính những người làm nghệ thuật cần nhìn lại mình nghiêm khắc để sân khấu Hà Nội tìm ra hướng đi, tránh sự tụt hậu trong sáng tạo, để mỗi nghệ sĩ trong quá trình hình thành tác phẩm đều nhận thức đủ và thể hiện được sự chuyển hóa lớn của hiện thực Thủ đô hôm nay. Sự chuyển hóa lớn ấy, theo đạo diễn Hoàng Thanh Du chính là xu hướng của đời sống. Khán giả của sân khấu hiện đại từ lâu không còn là những người dân sống trong những căn hộ khép kín, tiết tấu cuộc sống chậm rãi. Hình thức của sân khấu hiện đại không còn là những vở diễn dài lê thê, cái nghe nhiều hơn cái nhìn, đơn giản một cách đơn điệu... Người xem thích thú hơn với những ngôn ngữ động, tăng phần diễn hình thể, những hoạt động tổng hợp, giá trị cảnh sắc, gần gũi với văn hóa hôm nay. Những điều này, nhiều sân khấu cả nước làm được, sân khấu Hà Nội thì chưa.
Đáp ứng nhu cầu của thời đại trong việc xây dựng con người mới hôm nay, nhiệm vụ đặt ra cho sân khấu chính là sự gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh đó, nghệ sĩ còn phải dấn thân, mạnh dạn phê phán cái xấu, cái biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống, góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội. NSND Quốc Chiêm cho rằng, một trong những vấn đề mấu chốt hiện nay là để thu hút nhiều tài năng trẻ theo đuổi nghệ thuật sân khấu truyền thống, Nhà nước cần xây dựng chiến lược lâu dài để các nghệ sĩ có thể toàn tâm, toàn ý biểu diễn phục vụ khán giả mà không phụ thuộc vào kinh tế. Trước mắt, cần có chính sách đãi ngộ thích hợp về lương, phụ cấp thanh sắc với nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên… để thu hút lớp diễn viên trẻ cũng như học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống; đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất, con người… Nếu chính sách đãi ngộ cho giới nghệ sĩ ở bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung không được quan tâm đúng mức thì khó lòng mà phục hưng được nền sân khấu truyền thống Việt Nam trong tương lai.
NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, sân khấu Hà Nội đang cần một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, có bản lĩnh, dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại. Và càng cần nhiều tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người hôm nay, của hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển. Đấy chính là những đòi hỏi chính đáng và cấp thiết để chúng ta “xốc lại đội ngũ, đi tiếp”.
Theo vanhoaonline.vn