Tiềm năng của điện ảnh Việt
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI, vấn đề làm thế nào để triển khai có hiệu quả bối cảnh quay phim tại Việt Nam đã được “xới” lên trong hội thảo “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam”. Các nhà quản lý, nhà làm phim Việt Nam và nhiều quốc gia đều nhìn nhận, Việt Nam có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để trở thành điểm đến của các bộ phim quốc tế. Thực tế, Việt Nam từng được nhiều đoàn làm phim quốc tế lựa chọn khi dựng bối cảnh phim.
Bộ phim "Kong: Đảo đầu lâu" quay tại Ninh Bình đã quảng bá mạnh mẽ hình ảnh non nước tuyệt đẹp của Việt Nam ra thế giới.
Đến nay, khán giả chưa thể quên 3 bộ phim Pháp nổi tiếng với nhiều cảnh quay chân thực tại Việt Nam, gồm “Đông Dương”, do đạo diễn Régis Wargnier thực hiện, công chiếu lần đầu năm 1992; phim “Điện Biên Phủ” do đạo diễn kiêm biên kịch Pierre Schoendoerffer thực hiện; phim “Người tình” của đạo diễn Jean - Jacques Annaud. Gần đây, bộ phim Hollywood - “Kong: Đảo đầu lâu” một lần nữa cho cả thế giới thấy thiên nhiên kiêu hùng, tuyệt đẹp của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Tạ Quang Đông, Việt Nam có thiên nhiên tuyệt đẹp với núi cao hùng vĩ ở Tây Bắc, dải Trường Sơn huyền thoại và những di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới như: Vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng… Việt Nam đã và đang là quốc gia có xu hướng được các đoàn làm phim quốc tế chọn.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho rằng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến của những bộ phim nổi tiếng với những bối cảnh quay đặc sắc.
Ngôi nhà làm bối cảnh cho bộ phim "Chuyện của Pao" hiện nay trở thành điểm đến du lịch thu hút khách tại Hà Giang.
Lãnh đạo Cục Điện ảnh dẫn chứng, nhiều bối cảnh phim sau này còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách như bối cảnh phim “Kong - Đảo đầu lâu” tại Ninh Bình; ngôi nhà dựng bối cảnh cho phim “Chuyện của Pao”, “Lặng yên dưới vực sâu” tại Hà Giang đến nay vẫn hấp dẫn nhiều du khách; hay mảnh đất Phú Yên bỗng được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến sau khi những cảnh quay tuyệt đẹp của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt.
"Thông qua các tác phẩm điện ảnh, những giá trị về cảnh quan, du lịch Việt Nam được quảng bá sâu rộng hơn. Điện ảnh là một kênh quảng bá hiệu quả về đất nước Việt Nam xinh đẹp tới bạn bè quốc tế", bà Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.
Để tiềm năng không bỏ ngỏ
Bối cảnh phim tại Việt Nam có thể góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước, nhưng khai thác tiềm năng này như thế nào vẫn đang là vấn đề mà ngành điện ảnh còn loay hoay.
Theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL), việc hình ảnh Việt Nam xuất hiện ở các bộ phim nổi tiếng, được quay bởi các nhà quay phim hàng đầu và các đạo diễn, diễn viên nổi tiếng thế giới sẽ đem lại hiệu quả to lớn.
“Để phát triển nền công nghiệp điện ảnh, thu hút các nhà làm phim vào Việt Nam, cần có chính sách riêng cho các đoàn làm phim, tăng cường thông tin quảng bá; mời nghệ sĩ nổi tiếng thế giới giới thiệu về cảnh quay của Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp chủ động hoàn thiện dịch vụ; tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh với các hãng phim, các đại lý lớn của thế giới”, ông Trần Nhất Hoàng đề xuất.
Những cảnh quay đẹp của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã thu hút nhiều khách du lịch tới Phú Yên.
Rõ ràng, chúng ta có nhiều tiềm năng để thu hút các nhà làm phim thế giới, góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước. Vấn đề là cần có những chính sách khai thác và quản lý hiệu quả để những nhà làm phim trong nước và quốc tế tiếp cận được những địa danh mà vẫn tuân thủ đúng pháp luật trong việc bảo vệ cảnh quan.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông khẳng định, hiện nay, Bộ đang xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), trong đó có những điều khoản tạo ưu đãi cho những doanh nghiệp, các nhà sản xuất phim nước ngoài làm việc và xây dựng bối cảnh tại Việt Nam. “Đây là việc làm cần thiết nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh”, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL nói.
Theo hanoimoi.com.vn