Không ra được quán thì... mang quán về nhà |
Cũng như nhiều cơ quan, công sở thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, chị Bùi Hồng Nga, cán bộ Học viện Ngân hàng làm việc online tại nhà. Thêm hai cô con gái cũng phải học trực tuyến, thời gian ở nhà của chị lại càng bận rộn hơn. Tuy nhiên, với sự khéo léo và sáng tạo, chị đã biến khoảng thời gian cách ly tại nhà của cả gia đình trở nên thú vị và ấm áp hơn.
Không ra ngoài quán được thì... mang quán về nhà.Từ Spaghetti, PizzaCơm cuộn rong biển và cá hồi bỏ lòĐến bún ốc truyền thốngBánh trôi ngũ sắc lạ mắt
Những thức uống đủ mọi hương vịNhững lọ hoa cầu kỳ, tinh tế... và không thể thiếu loa kèn tháng 4
“Với gia đình có thói quen xê dịch như chúng tôi, việc ở nhà cả ngày không dễ dàng chút nào. Do đó, tôi phải nghĩ ra nhiều “chiêu” để “dụ dỗ” mọi thành viên trong nhà. Nếu không ra ngoài quán được thì… mang quán về nhà. Tôi và các con cùng nấu nướng, cắm hoa, trang trí nhà cửa… làm những việc mà thường ngày bận rộn không có thời gian làm, tận hưởng những điều mà ngày thường khó cảm nhận được” – chị Nga chia sẻ.
Các con gái của chị Nga giúp mẹ chăm sóc mảnh vườn xinh xắn trên sân nhàMẹ cắm hoa...Con vẽ tranh tĩnh vật
Thất nghiệp ngoài xã hội, nhưng là một thành viên trong gia đình đúng nghĩa |
“Dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch chao đảo, tôi nghiễm nhiên trở thành một người thất nghiệp ngoài xã hội, nhưng lại được là một thành viên trong gia đình đúng nghĩa” – Đó là tâm sự của anh Hoàng Ngọc Thụ, một hướng dẫn viên chuyên các cung đường Đông, Tây Bắc của tổ quốc. Với đặc thù công việc thường xuyên phải rong ruổi trên đường, anh hiếm khi có được những khoảng khắc cùng gia đình quây quần bên mâm cơm chiều, lắng nghe tiếng cười đùa trẻ thơ, ngắm nhìn vợ tất bật với những việc lặt vặt không tên, nghe tiếng ru à ơi của bà… Nay, anh lại được tận hưởng trọn vẹn cảm giác gia đình thân thuộc ấy, nhờ… dịch.
Anh Thụ dành nhiều thời gian chơi với các con hơn
“Tôi có thời gian nhiều hơn dành cho các con và người bạn đời đã đồng hành cùng tôi trong những lúc vui, buồn. Chúng tôi bên nhau cùng nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, kể cho nhau những tâm tư về cuộc sống, về công việc. Các con tôi cũng như được cười nhiều hơn, luôn ríu rít bên cạnh bố, đá bóng, chơi ghita, cùng con đọc sách, kể những câu chuyện cổ tích, hay trả lời những câu hỏi ngô nghê đến ngộ nghĩnh của tụi nhỏ...”- anh Thụ chia sẻ.
Dạy anh trai lớn chăm sóc, yêu thương em béCùng con vẽ tranh chống dịch Covid-19Cùng con sáng tạo với những món đồ chơi
Nhiều năm rong ruổi trên mọi nẻo đường của tổ quốc, anh Thụ nhận định rằng sẽ phải mất 1,2 năm nữa, ngành du lịch Việt Nam mới có thể hồi phục trở lại như trước khi có dịch. Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh cũng là lúc anh nhận ra tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Căn nhà anh Thụ dù giữa dịch vẫn luôn tràn ngập tiếng cười
“Suy cho cùng, mọi cố gắng, nỗ lực của chúng ta cũng vì gia đình. Sau này khi dịch bệnh qua đi, tiếp tục lên đường hướng dẫn, tôi cũng sẽ cố gắng dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Thời điểm khó khăn này khiến tôi càng thấm thía câu ngạn ngữ Do Thái “Thà sống trong một ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười còn hơn sống trong một tòa lâu đài đầy nước mắt” – anh Thụ tâm sự.
"Lôi kéo" con cùng bận rộn với mình để tránh nhàm chán |
Ở đất nước kim tự tháp xa xôi, gia đình chị Nguyễn Như Trang và anh Phan Ngọc Thạch, phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Ai Cập, cũng đang tuân thủ lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Gia đình chị Như Trang, anh Ngọc Thạch cùng thu hoạch quýt (Ảnh chụp trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội)
Với đặc thù công việc báo chí thời điểm dịch Covid-19 càng phức tạp và bận rộn hơn, vừa đảm bảo công việc đưa tin, vừa để con không cảm thấy buồn chán, anh chị đã khéo léo “lôi kéo” con bận rộn cùng bố mẹ. Khi làm bất cứ việc gì, anh chị cũng đều rủ con cùng làm như vào bếp nấu ăn, làm bánh, trồng rau, tưới cây, vẽ tranh, phơi đồ và dọn dẹp nhà cửa... Chính bởi được hướng dẫn từ bé, và được “rèn luyện” trong thời điểm dịch Covid-19, bé Phan Phương Nhi ngày càng ra dáng… chị cả và chứng tỏ khả năng làm việc nhà không thua kém người lớn.
Chị Như Trang dạy bé Phương Nhi làm bánh, thành quả sau chuyến thu hoạch quýtBé Phương Nhi được mẹ dạy nấu nướng từ khi còn béBé Phương Nhi cán bột làm bánh baoCô bé làm món nem rán rất thành thục Cơm rang thập cẩm, món ăn yêu thích của Phương NhiLàm bánh chuối cho emBé Phương Nhi làm món tỏi ngâm dấm để phòng dịch
"Công việc của bố cháu với đặc thù là một phóng viên thường trú, luôn cần cập nhật tin tức nhanh nhất đến thính khán giả. Sau khi hoàn thành tin bài, anh đều tranh thủ lúc giải lao để chơi cùng con mọi trò chơi con muốn, và cùng con chăm sóc cây cối... để tinh thần con được vui vẻ, thoải mái. Để khoảng thời gian cách ly tại nhà không gò bó, buồn chán, cả nhà sẽ cùng làm trò chơi thủ công, nấu ăn để mỗi thành viên luôn cảm nhận được sự gắn kết yêu thương” – chị Như Trang chia sẻ.
Anh Ngọc Thạch tranh thủ thời gian rảnh rỗi cùng con chăm cây trong vườnHai bố con thu hoạch su hào trong vườn nhàNông dân nhí phấn khởi với thành quả lao động của mình
Hai bố con cùng vẽ tranh
Dù mỗi gia đình có những trải nghiệm khác nhau về khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, tựu trung lại, vẫn là thích ứng với hoàn cảnh, sống chậm hơn để cùng tận hưởng những khoảnh khắc yên bình, dung dị bên gia đình để hiểu, chia sẻ và yêu thương nhau hơn./.
Anh Vũ/ Vietnam Journey. Ảnh: NVCC